Nga bất ngờ công bố hình ảnh hiếm về lò phản ứng bên trong tàu ngầm hạt nhân

Nga bất ngờ công bố bức ảnh chụp lò phản ứng hạt nhân của tàu ngầm nguyên tử nước này, động thái được xem là khá hiếm hoi và bất thường vì đây là bộ phận rất nhạy cảm.

Nga công bố hình ảnh lò phản ứng hạt nhân của tàu ngầm chiến lược K-114 Tula, động thái được giới chuyên gia đánh giá là rất hiếm gặp.

Được mệnh danh là một trong những sát thủ đại dương, K-114 Tula có khả năng hủy diệt cả một đất nước trong vài giờ với kho vũ khí hạt nhân mang theo khủng khiếp của mình.

K-114 Tula thuộc lớp tàu ngầm nguyên tử Delta IV sẽ chính thức trở lại biên chế quân đội Nga vào năm nay.

Được biên chế vào năm 1987, tàu ngầm K-114 Tula là chiếc thứ 4 thuộc lớp tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa chiến lược liên lục địa, ngoài ra với tên lửa chống hạm độc đáo mang theo chúng có thể tấn công cả tàu chiến mặt nước và ngư lôi chống ngầm.

Hải quân Liên Xô đã nhận được tổng cộng 7 tàu ngầm Đề án 667BDRM(Delta IV) từ năm 1984 đến 1990.

Mỗi tàu lớp Delta IV có lượng choán nước khi lặn khoảng 15.500 tấn và có thể mang tới 16 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm R-29RMU Sineva. Một tên lửa R-29SMU có thể mang từ 4 đến 10 đầu đạn phân hướng (MIRV).

Mỗi tàu ngầm Dự án 667BDRM được trang bị một cặp lò phản ứng nước áp suất VM-4SG (PWR). Nước trong PWR là chất làm mát, sau khi được làm nóng được chuyển thành hơi nước để chạy các tua-bin sản xuất điện.

Hơi nước sau đó được ngưng tụ lại thành nước lỏng và đưa trở lại hệ thống làm mát của lò phản ứng.

Truyền hình quân đội Nga Zvezda hôm 23/1 công bố hình ảnh bên trong khoang chứa lò phản ứng hạt nhân của tàu ngầm chiến lược mang tên lửa đạn đạo K-114 Tula.

Zvezda cho biết đây là địa điểm truyền thông chưa bao giờ được tiếp cận và cũng là nơi sạch sẽ nhất trên tàu ngầm.

"Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy nắp lò bằng thép với độ dày khoảng một mét. Nó có nhiệm vụ ngăn tia phóng xạ", ông Andrey Leonov, trưởng ngành động lực của tàu ngầm K-114 Tula, cho hay.

"Lò phản ứng có thể hoạt động liên tục trong vòng 10 năm, sử dụng lượng uranium với thể tích tương đương một cái xô nhỏ", ông Andrey Leonov nói thêm.

Hình ảnh được quay có thể thấy rõ hệ thống thanh kiểm soát lò phản ứng, cùng hàng loạt ống dẫn nước làm mát và hơi nước của lò phản ứng.

Phần lớn thiết bị trên tàu ngầm được sơn màu vàng, trong khi khoang động cơ dùng sơn trắng để tránh hấp thụ nhiệt và bảo đảm sạch sẽ.

Khu vực này được giữ sạch tương đương phòng phẫu thuật bệnh viện và thường xuyên có mùi ozone.

"Các quân nhân luôn bảo đảm khoang chứa lò phản ứng sạch hết mức có thể để tránh nguy cơ bụi từ đây phát tán ra tàu ngầm, do chúng có thể bị nhiễm xạ", ông Andrey Leonov nói.

"Chúng tôi luôn lau sạch mọi thứ bằng cồn và đánh bóng mọi chi tiết bằng thép không rỉ. Khoang này không có người, quá trình vệ sinh thường tiến hành hàng tuần", ông Andrey Leonov nhấn mạnh.

"Công nghệ liên quan đến lò phản ứng hạt nhân trên tàu ngầm là dữ liệu tuyệt mật, được nhìn tận mắt bất kỳ bộ phận nào của nó cũng là điều rất hiếm gặp", chuyên gia Mỹ Joseph Trevithick viết trên chuyên trang quân sự War Zone.

"Chưa rõ vì sao nhóm phóng viên được ghi hình trong khoang động cơ của tàu ngầm K-114 Tula, nhất là khi nó và các tàu cùng loại vẫn trong biên chế chiến đấu của hải quân Nga", ông Joseph tỏ ra ngạc nhiên.

Theo Global Firepower, tính đến năm 2021, Nga đứng thứ 3 trong danh sách nước có hạm đội tàu ngầm quy mô lớn nhất thế giới với 64 chiếc, sau Mỹ (68) và Trung Quốc (79).

Các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc hiện vẫn được xem là khá non trẻ và còn nhiều thiếu sót về thiết kế không thể so sánh với Nga và Mỹ.

Vì vậy, theo Popular Mechanics, Mỹ và Nga hiện là 2 thế lực hàng đầu về tàu ngầm trên thế giới.

Cuộc cạnh tranh về tàu ngầm hạt nhân của hai cường quốc này đã có từ thời Chiến tranh Lạnh.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nga-bat-ngo-cong-bo-hinh-anh-hiem-ve-lo-phan-ung-ben-trong-tau-ngam-hat-nhan-post529266.antd