Nga bị đối thủ khó chịu nhất ép đến đường cùng?

Anh hôm nay (21/8) tuyên bố, nước này sẽ kêu gọi Liên minh Châu Âu (EU) tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, nói rằng liên minh phương Tây cần phải đứng lên sát cánh 'vai kề vai' cùng với Mỹ sau khi Washington vừa tung một loạt biện pháp trừng phạt mới về kinh tế nhằm vào Moscow.

Ngoại trưởng Anh – ông Jeremy Hunt

Ngoại trưởng Anh – ông Jeremy Hunt sẽ nói với EU rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã làm cho thế giới “trở thành một nơi nguy hiểm hơn” và rằng sau cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở Anh, EU nên tăng cường gây áp lực hơn nữa để đảm bảo Nga tuân thủ các quy định quốc tế.

"Hôm nay, Anh sẽ yêu cầu các đồng minh đi xa hơn nữa bằng cách kêu gọi Liên minh Châu Âu đảm bảo về việc những biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga phải toàn diện và rằng chúng ta thực sự cần phải sát cánh, vai kề vai cùng với Mỹ”, ông Hunt sẽ nói như vậy trong bài phát biểu đầu tiên ở Washington kể từ khi ông này nhậm chức hồi tháng Bảy.

"Điều đó có nghĩa là tập hợp lực lượng và đáp trả lại những hành vi vi phạm bằng tiếng nói đồng lòng bất kỳ khi nào và ở đâu có xảy ra những hành vi vi phạm, từ những con đường ở Salisbury đến số phận của Crimea”, Ngoại trưởng Anh phát biểu, ám chỉ đến vụ đầu độc cựu điệp viên Nga ở Salisbury và vụ sáp nhập bán đảo Crimea.

Anh, EU và Mỹ đổ lỗi cho Nga về vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang của Nga ở thành phố Salisbury của Anh hồi đầu năm nay. Điện Kremlin kiên quyết bác bỏ cáo buộc này.

Hồi đầu tháng này, Mỹ đã tung ra một loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga vì vụ đầu độc nói trên. Gói biện pháp trừng phạt mới có đề cập đến cả những mặt hàng có liên quan đến an ninh quốc gia của Nga. Mỹ cam kết sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn nữa nếu Nga không đưa ra được “những đảm bảo đáng tin cậy” về việc họ không sử dụng vũ khí hóa học trong tương lai.

Loạt biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ nhằm vào Nga đã gây ra đợt báo tháo trên thị trường chứng khoán Nga và đẩy đồng rúp xuống mức thấp. Tình hình được dự báo sẽ còn tồi tệ hơn nữa nếu làn sóng trừng phạt thứ hai được tung ra.

Anh chuẩn bị rời EU vào năm sau nhưng chính sách trừng phạt của nước này hiện đang được quyết định ở Brussels. EU gần đây đã nhất trí gia hạn thời gian áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến vụ sáp nhập bán đảo Crimea và các hoạt động ở khu vực này.

Tuy nhiên, EU chưa trừng phạt Nga vì vụ đầu độc ở Salisbury mặc dù liên minh này lên án mạnh mẽ Moscow và cùng với nhiều nước đồng loạt tiến hành các biện pháp trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Nga bao gồm những giới hạn về tài chính và xuất khẩu vũ khí.

Việc Anh thúc đẩy EU tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga là điều dễ hiểu trong bối cảnh quan hệ Nga-Anh lâu nay vốn rất căng thẳng. Trong các nước EU, Anh là một trong những đối thủ khó chịu nhất của Nga bởi quan hệ giữa hai nước trục trặc từ nhiều năm nay.

Mới đây nhất, hồi tháng Ba, Moscow và London đã rơi vào một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng sau khi xảy ra vụ đầu độc cựu điệp viên Nga trên đất Anh. Hai bên đều đã trục xuất 23 nhà ngoại giao của nhau để trả đũa lẫn nhau vì vụ việc này. Moscow cũng đã cho đóng cửa Hội đồng Anh ở Nga.

Mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và Anh cũng một lần nữa phơi bày quan hệ đối nghịch căng thẳng giữa Nga với phương Tây, cụ thể là Nga với EU và Nga với NATO. Phương Tây đang có rất nhiều động thái chính trị, ngoại giao và quân sự khiến Moscow luôn ở trong tâm thế bất an. Vì vậy, Nga cũng đã có nhiều bước đi đáp trả nhằm đối phó với phương Tây.

Kiệt Linh (tổng hợp)

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/quoc-te/201808/nga-bi-doi-thu-kho-chiu-nhat-ep-den-duong-cung-612424/