Nga bí mật giúp Iran phá trừng phạt Mỹ như thế nào?

Nga đã biến thành trạm trung chuyển dầu của Iran sang châu Âu và châu Á, nằm phá lệnh trừng phạt của Mỹ đối với xuất khẩu dầu của Iran.

Mỹ đã rút khỏi Kế hoạch Hành động chung Toàn diện năm 2015 (JCPOA, tức Thỏa thuận Hạt nhân Iran 2015 - Iran Nuclear Del, IND) và cam kết sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Iran trong nhiều giai đoạn, với các giới hạn tài chính được giới thiệu vào mùa hè và các biện pháp trừng phạt năng lượng, nhắm vào xuất khẩu dầu và khí đốt của Tehran vào tháng 11 này.

Việc Mỹ rút khỏi JCPOA đã thúc đẩy các nước ký kết khác, bao gồm Nga, Trung Quốc và các cường quốc châu Âu như Đức, Anh, Pháp… cố gắng cứu vãn thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt này, nhằm ngăn chặn khả năng Iran tái phát triển vũ khí hạt nhân.

Bình luận về các mối đe dọa trừng phạt của Mỹ đối với cả các đồng minh của mình, các quan chức Iran nhấn mạnh rằng, Hoa Kỳ "chắc chắn sẽ không thể cắt giảm xuất khẩu dầu của Iran về mức không”.

Giới chức Iran tuyên bố đã khám phá nhiều cách để ngăn cản các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Phó Tổng thống Eshaq Jahangiri cho biết, Tehran đã tìm thấy các đối tác mới sẵn sàng mua dầu thô của Iran.

"Trong khi một số nước đã ngừng mua dầu từ Iran, chúng tôi đã tìm thấy đối tác mới. Hơn nữa, chúng tôi đã tham gia đàm phán với các đối tác này" - Jahangiri nhấn mạnh rằng, "ngay cả những nước đã ngừng nhập khẩu cũng đang tìm kiếm cách giải quyết mà sẽ cho phép họ tiếp tục nhập khẩu năng lượng gián tiếp".

Tuần trước, Tehran đã đưa ra kế hoạch cho phép người trung gian mua dầu thô của Iran thông qua một cuộc trao đổi năng lượng trong nước và bán lại nó dưới vỏ bọc kinh doanh tư nhân, từ đó cho phép nước này tiếp tục giao dịch với các đối tác truyền thống của mình.

Iran đã hợp tác với một số quốc gia, bao gồm cả những nhà mua dầu lớn như Trung Quốc và Ấn Độ, để tránh chịu ảnh hưởng toàn diện của các hạn chế của Hoa Kỳ.

Trước làn sóng trừng phạt mới chống Iran, có hiệu lực vào tháng 11 và ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu của Cộng hòa Hồi giáo, hãng tin của Israel Marco đã báo cáo về một thỏa thuận bí mật giữa Moscow và Teheran nhằm giúp Iran né tránh lệnh trừng phạt của Mỹ.

Theo hãng tin này, Nga đang có kế hoạch hỗ trợ Iran để ngăn chặn thiệt hại kinh tế, cùng với sự hỗ trợ ngầm từ châu Âu trong lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ, đang bị Mỹ quyết tâm ngăn chặn “trở về mức 0”.

Nga trở thành trạm trung chuyển dầu của Iran để lách trừng phạt của Mỹ

Theo đó, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một thỏa thuận bí mật về việc sẽ giảm thiểu tác động của các biện pháp trừng phạt chống Iran của Hoa Kỳ nhắm vào thương mại dầu mỏ của Teheran, trang web Marco đưa tin, trích dẫn một tài liệu bí mật thu được từ Bộ Ngoại giao Israel.

Để phá thế phong tỏa kinh tế của Mỹ, Iran dự kiến sẽ vận chuyển dầu thô của mình tới các nhà máy lọc dầu của Nga trên Biển Caspian. Moscow sẽ giúp Tehran lọc dầu xong rồi bán hoặc bán thẳng dưới danh nghĩa dầu của Nga và sau đó hoàn trả lại tiền cho Iran.

Tổng thống của ba nước là ông Vladimir Putin (Nga), Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ và Hassan Rouhani của Iran, được cho là đã đồng ý về thỏa thuận bí mật này, nhằm giúp nền kinh tế của Cộng hòa Hồi giáo Iran, trong cuộc họp thượng đỉnh vào đầu tháng 9 vừa qua.

Ngoài ra, tài liệu của Bộ Ngoại giao Israel trích dẫn nói rằng, các đồng minh châu Âu của Washington sẽ âm thầm cho phép Iran tiếp tục bán dầu cho các nước châu Á. Theo báo cáo, được viết bởi nhà báo Dana Weiss, châu Âu hy vọng sẽ giữ được Teheran tiếp tục tuân thủ thỏa thuận hạt nhân bằng các nhượng bộ này.

Theo ấn phẩm, các bộ ngoại giao những nước này đã từ chối bình luận về thông tin mà Marco công bố là “tài liệu bí mật thu được từ Bộ Ngoại giao Israel”.

Tháng trước, các nhà ngoại giao Iran và châu Âu đã vạch ra một kế hoạch lấy Nga làm trung gian để trao đổi dầu Iran với hàng hóa châu Âu, để vượt qua các hạn chế của Hoa Kỳ. Ngoài ra, một số nhà nhập khẩu lớn dầu Iran ở châu Á cũng làm như vậy để lách Đạo luật “Chống đối thủ của Mỹ thông qua Biện pháp Trừng phạt” (CAATSA).

Một số nước đồng minh của Mỹ, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc, đã phải đầu hàng áp lực của Mỹ và đang chuẩn bị ngừng nhập khẩu dầu của Iran, nhưng những nước đối thủ của Mỹ hoặc tương đối độc lập về ngoại giao như Ấn Độ và Trung Quốc, đã bảo vệ các hiệp định của họ với Cộng hòa Hồi giáo Iran và tìm cách vượt qua các hạn chế đơn phương của Mỹ.

Nhật Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tinh-hinh-iran-van-de-hat-nhan-iran/nga-bi-mat-giup-iran-pha-trung-phat-my-nhu-the-nao-3368164/