Nga cảnh báo rắn đề xuất triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhiều khả năng sẽ triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine - một động thái được cho là 'cực kỳ nguy hiểm'.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: Tass

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: Tass

Theo hãng tin Sputnik, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 31/3 cho biết, Nga sẽ coi lực lượng gìn giữ hòa bình của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là mục tiêu hợp pháp nếu họ được triển khai tới tiền tuyến ở Ukraine.

Trong tuyên bố trên Telegram, ông Medvedev nêu rõ: “Các lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO sẽ là mục tiêu hợp pháp của lực lượng vũ trang Nga nếu họ được đưa lên tiền tuyến mà không có sự đồng ý của Nga với vũ khí trong tay và đe dọa trực tiếp chúng tôi".

Theo quan chức này, mục tiêu thực sự của phương Tây là thiết lập một lệnh ngừng bắn trên chiến tuyến có lợi cho họ. Ông nhấn mạnh: "Rõ ràng, những người được gọi là lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO chỉ đơn giản là sẽ tham gia vào cuộc xung đột và đứng về phía đối phương của chúng ta [Ukraine]... Điều này có nguy cơ dẫn tới Chiến tranh Thế giới thứ 3 mà họ rất sợ hãi".

Cùng ngày, Điện Kremlin cũng đưa ra cảnh báo trước tiết lộ của Thủ tướng Hungary rằng Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị thảo luận việc triển khai "một số loại lực lượng" tới Ukraine.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng việc thảo luận về khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình phương Tây ở Ukraine có thể là một ý tưởng rất nguy hiểm.

Điện Kremlin cảnh báo về khả năng EU chuẩn bị thảo luận việc triển khai một số loại lực lượng tới Ukraine. Ảnh: RT

Theo ông, trên thực tế những lực lượng như vậy thường chỉ được sử dụng khi có sự đồng ý của cả hai bên.

Trong khi đó, nghị sĩ Nga Alexey Chepa cho rằng nếu EU quyết định cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine, thì chắc chắn điều đó sẽ được hiểu là can dự trực tiếp vào cuộc xung đột và âm mưu kích động chiến tranh Nga-NATO.

Nghị sĩ Chepa tuyên bố trong trường hợp này, Nga có thể buộc phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ các đối tác thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), bao gồm Belarus, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan.

Các tuyên bố trên được giới chức Nga đưa ra sau khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban tiết lộ rằng các nhà lãnh đạo EU sắp có một cuộc thảo luận “chính đáng” liệu các quốc gia thành viên có hay không nên đưa “một số loại lực lượng gìn giữ hòa bình” tới Ukraine, bất chấp Nga sẽ phản ứng.

Thủ tướng Orban cảnh báo cuộc xung đột ở Ukraine ngày càng trở nên đẫm máu hơn. Đồng thời, ông cũng đặt câu hỏi tại sao các nhà lãnh đạo EU không nỗ lực đạt được hòa bình ở Ukraine thông qua giải pháp ngoại giao thay vì cung cấp các công cụ nguy hiểm hơn cho Kiev và làm tình hình leo thang nghiêm trọng hơn.

“Nếu điều này tiếp tục, nguy cơ chiến tranh thế giới không phải là một sự cường điệu văn học" - nhà lãnh đạo Hungary nói thêm.

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022, chính quyền Budapest đã liên tục phản đối những biện pháp trừng phạt của châu Âu đối với các nguồn năng lượng của Nga và từ chối viện trợ quân sự cho Ukraine.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nga-canh-bao-ran-de-xuat-trien-khai-luc-luong-gin-giu-hoa-binh-tai-ukraine.html