Nga chế giễu 'tàu ngầm hạt nhân dát vàng' của Mỹ

Tàu ngầm chỉ huy lớp Colombia [tương lai] của Mỹ sẽ có giá tới 14 tỷ USD, trong khi mỗi chiếc tàu ngầm lớp Ohio chỉ có giá 3 tỷ USD.

Trên trang web của Hãng thông tấn Nga Sputnik vừa có bài viết mang tiêu đề “Những sức mạnh ngầm khó nhận biết: Tàu ngầm mới triển vọng của Mỹ có đe dọa được Nga?”, nói về tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới của Mỹ và những vũ khí đáp trả của Nga.

The Sputnik, Lầu Năm Góc đã yêu cầu Quốc hội Hoa Kỳ chi gần 18 tỷ USD để chế tạo hai tàu ngầm hạt nhân chiến lược (SSBN) đầu tiên thuộc lớp “Colombia”, mang tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu đạn hạt nhân thế hệ mới, để thay thế cho các tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio hiện nay.

Các SSBN lớp được kỳ vọng trong tương lai sẽ trở thành nền tảng cho lực lượng răn đe hạt nhân của hải quân Mỹ. Theo yêu cầu của hải quân Mỹ, chiếc tàu chỉ huy lớp này phải thực sự sở hữu khả năng tuần tra chiến đấu không muộn hơn năm 2031.

Con tàu đắt như vàng

Bộ Tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ trông đợi tiếp nhận 12 tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược “Colombia” để thay thế cho hạm đội tàu ngầm lớp “Ohio” đã già cỗi lạc hậu. Dự án này được trao ngân sách cực lớn, đến nỗi các con tàu dường như hoàn toàn làm bằng vàng!

Khoảng 128 tỷ USD được dự chi cho kế hoạch đầy tốn kém này, chỉ riêng con tàu đóng vai trò chỉ huy (thường được gọi là kỳ hạm) của dự án sẽ ngốn đến 14 tỷ USD, lấy ra từ hầu bao người dân đóng thuế ở nước Mỹ. Để so sánh, một chiếc “Ohio” chỉ có giá khoảng 3 tỷ USD.

Kích thước và lượng giãn nước của tàu ngầm mới cũng tương đương tàu lớp Ohio: Chiều dài - 170 mét, chiều rộng – 13 mét, lượng giãn dưới ngầm - khoảng 20.000 tấn; nhưng về khả năng chiến đấu, các nhà quân sự Mỹ cho rằng, “Colombia” sẽ vượt xa đáng kể so với “Ohio”.

Tàu ngầm tương lai lớp Colombia của Mỹ sẽ có sức mạnh vượt trội lớp Ohio

Tàu ngầm tương lai lớp Colombia của Mỹ sẽ có sức mạnh vượt trội lớp Ohio

Chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov bình luận rằng, tổ hợp chiến đấu của “Colombia” gồm 16 tên lửa trong khi “Ohio” có 24. Thế nhưng, đó là 16 tên lửa đạn đạo Trident II D5. Đây là tên lửa đa đầu đạn phân hướng thế hệ mới, mỗi tên lửa có thể mang tới 12 đầu đạn các loại.

Những tên lửa này sẽ được trang bị cả đầu đạn công suất lớn thông thường (mỗi đầu đạn hàng trăm kiloton) và đầu đạn công suất nhỏ 10 kiloton. Đầu đạn dù lớn hay nhỏ đều có độ chính xác cao, bán kính đường tròn đồng tâm (độ sai lệch so với mục tiêu) chỉ không quá 90 mét.

Trạm phản ứng hạt nhân của tàu ngầm mới được nạp nhiên liệu cho toàn bộ thời gian phục vụ dài, suốt 42 năm. Còn thêm một nét mới nữa là động cơ điện chủ, được cấp nguồn trực tiếp từ lò phản ứng, sẽ không cần đến turbine hơi trung gian. Nhờ đặc điểm này, cũng như bộ truyền lực hình chữ X, tàu ngầm mới sẽ thuộc loại chạy êm nhất thế giới.

Hệ thống điều khiển duy nhất sẽ kết hợp bộ định vị sonar, giám sát quang học, vũ khí và liên lạc. Như vậy, cho phép sẽ con tàu tự động hóa đến mức tối đa, và tương ứng là giảm bớt cơ số thủy thủ đoàn còn 157 người trên “Colombia” so với 165 người trên “Ohio”.

Nga có gì làm đối trọng?

Vào thời điểm hiện tại, thực tế Hoa Kỳ chưa hề đóng được một tàu “Colombia” nào. Còn ở Nga, tàu hạt nhân mang tên lửa (không hề thua kém gì mẫu tàu mà người Mỹ đang vẽ thiết kế) thì đã sẵn sàng gia nhập hệ trang bị của lực lượng vũ trang. Đó là “Quận vương Vladimir” (K-549 Knyaz Vladimir) - tàu ngầm chỉ huy thuộc đề án 955A “Borey-A”. Ngay trong tháng 6 năm nay, con tàu này sẽ được Hạm đội Phương Bắc của Hải quân Nga tiếp nhận.

Tàu ngầm hạt nhân Project 955A lớp Borey-A của Nga có sức mạnh tương đương Colombia của Mỹ

Theo đánh giá của chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov, các tàu đề án “Borey-A” (nâng cấp từ lớp Borey, dự án 955) đã hiện thực hóa hoàn toàn mọi tiềm năng của tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ 4. Tàu ngầm này của Nga giảm thiểu âm trường và từ trường. Đây là đặc tính hệ trọng, quyết định trực tiếp đến việc con tàu khó có thể bị đối phương phát hiện và hạ thấp mức tổn thương của con tàu từ ngư lôi và mìn của đối phương.

Một điểm quan trọng là khác biệt về mặt thiết kế xây dựng giữa đề án 955A và 955 thông thường là tàu loại 955A hoàn toàn vắng mặt “ụ bướu”, nơi lắp đặt các bệ phóng tên lửa đạn đạo.

Chuyên gia Alexei Leonkov nhận xét, nhờ điều này, tàu cải thiện được đặc tính thủy âm sonar. Ngoài ra, trong đề án “Borey-A” còn triển khai cả hàng loạt phương án bí quyết đặc biệt khác nữa để giảm khả năng bị phát hiện.

“Borey-A” được tự động hóa tối đa về các hệ thống điều khiển, giao tiếp và âm thanh khiến cơ số thủy thủ đoàn ít hơn gần một lần rưỡi so với tàu ngầm tương lai lớp “Colombia” của Mỹ, trên tàu ngầm Nga chỉ cần 107 thủy thủ, trong khi cả hai tàu ngầm của Mỹ và của Nga đều có chỉ số kích thước và độ choán nước gần như giống hệt nhau.

Số lượng tổ hợp chiến đấu trên tàu ngầm Nga-Mỹ cũng tượng tự là 16 tên lửa đạn đạo. Trong đó, mỗi tên lửa R-30 “Bulava” của Nga đủ sức mang theo 6 đầu đạn loại 150 kiloton, sức mạnh gây sát thương của tên lửa Trident II D5 và R-30 là tương đương như nhau. Cả hai tàu khi bắn trúng mục tiêu, đều đảm bảo thổi bay tất cả thành bụi phóng xạ, vì vậy mong rằng sẽ không bên nào phải dùng đến trong thực chiến.

Mô hình thiết kế đồ họa tàu ngầm hạt nhân tương lai thế hệ 5, lớp Husky của Nga

“Những thợ săn tiềm năng” đang chờ “Columbia”

Ngoài các tàu ngầm hạt nhân chiến lược có tính năng tương đương, Nga còn đang tiếp tục phát triển các tàu ngầm hạt nhân thuộc đẳng cấp cao hơn, thế hệ thứ 5; đó là những con tàu ngầm hạt nhân đa năng thuộc đề án “Husky”.

Có hai phương án đang được xem xét cho tàu ngầm hạt nhân đa năng thế hệ mới nhất này. Thứ nhất là biến nó thành loại “thợ săn” có trang bị tên lửa biến thể “Kalibr” nâng cấp dành chống các tàu ngầm tấn công của đối phương tiềm năng; Thứ hai là lắp đặt cho nó tên lửa siêu thanh 3M22 Zircon, có khả năng triệt hạ cả mục tiêu trên biển và trên mặt đất.

Hiện giờ vẫn chưa có thông tin chính xác về những mẫu tàu ngầm này. Theo dữ liệu sơ bộ của các chuyên gia, kích thước và mức choán nước dịch chuyển của “Husky” sẽ nhỏ hơn đáng kể so với các tàu “Borey”. Đội ngũ thủ thủy đoàn - không quá 90 người. Đặc tính thiết bị là tàu có hệ thống quản lý thông tin-điều khiển chiến đấu thống nhất tích hợp “trí tuệ nhân tạo”.

Theo chuyên gia quân sự Charlie Gao, về trang bị vũ khí, tàu ngầm Husky sẽ được trang bị tên lửa siêu thanh Zircon, tổng số tên lửa tàu ngầm Husky mang theo có thể từ 40 – 48 quả các loại. Các nhà vũ khí học của Nga đã hoàn thành nâng tốc độ tên lửa mới của mình lên gấp 3 lần so với các thế hệ tên lửa trước đó (P-800 Onyx và P-700 Granit có tốc độ tối đa khi di chuyển đạt 2,5 Mach).

Vũ khí trang bị của Husky không chỉ có vậy, theo chuyên gia này, Nga còn trang bị siêu ngư lôi mang đầu đạn hạt nhân Status-6 cho tàu ngầm thuộc thế hệ 5 Husky. Với những công nghệ và vũ khí được trang bị, Husky xứng đáng là thế hệ tàu ngầm mẫu mực của thế giới.

Theo Huy Bình/Báo Đất Việt

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/nga-che-gieu-%E2%80%98tau-ngam-hat-nhan-dat-vang%E2%80%99-cua-my/20200530021844333