Nga chỉ lý do thật phóng Iskander tại miền Đông

Ngày 17/6, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố video ghi lại cảnh phóng tên lửa đạn đạo Iskander tại miền Đông - khu vực bắn mang nhiều ý nghĩa đặc biệt.

Căn cứ vào những hình ảnh được công bố cho thấy, tên lửa Iskander ở trạng thái hành quân đến chuẩn bị chiến đấu, tên lửa được nâng lên vị trí thẳng đứng và khai hỏa.

Theo ước tính của Tư lệnh Lục quân Nga, Thượng tướng Oleg Salyukova, từ nay đến cho đến năm 2025, các nước khác sẽ không thể phát triển một hệ thống có tính năng tương tự Iskander của Nga.

Nguồn tin quân sự Nga xác nhận, vụ phóng chỉ là hoạt động diễn tập bình thường của lực lượng tên lửa chiến lược Nga, tuy nhiên theo The Diplomat, tên lửa Nga đang "nhắm mục tiêu" sang Trung Quốc trong khuôn khổ sách lược gỡ bỏ những nguy cơ tiềm ẩn về leo thang tranh chấp lãnh thổ của Moscow.

Khoảnh khắc Iskander-M khai hỏa.

Khoảnh khắc Iskander-M khai hỏa.

Bài báo dẫn ví dụ các cuộc tập trận quy mô lớn được tổ chức định kỳ ở vùng viễn Đông của Nga để nói về sự mất lòng tin sâu sắc hiện nay giữa Moscow và Bắc Kinh.

Trong bối cảnh đó, truyền thông Nga đã mời chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin bình luận về kết luận trên của tác giả Nhật Bản. Vị chuyên gia này nhận định rằng, nhận định của giới phân tích Nhật Bản là không có cơ sở.

Theo ông Vasily Kashin, trước hết, cần lưu ý về nhiều khía cạnh trong phân bố các lực lượng vũ trang Nga ở các vùng địa lý, gắn liền với hoàn cảnh lịch sử sau khi Liên Xô tan rã.

Trong thời kỳ "Chiến tranh Lạnh", Liên Xô duy trì ở châu Âu các lực lượng bộ binh và phòng không được trang bị tốt nhất trên lãnh thổ của đồng minh Đông Âu của mình, như Cộng hòa Dân chủ Đức.

Một số đơn vị dự bị, với nhân sự cũng như thiết bị yếu kém hơn được bố trí tại các nước cộng hòa phía Tây của Liên Xô và phần lãnh thổ châu Âu của Nga.

Kết quả là, nhóm bộ binh tốt nhất mà Nga được thừa hưởng sau khi Liên Xô sụp đổ là lực lượng đóng quân ở Đông Siberia và viễn Đông. Đây là những lực lượng mà trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh được chuẩn bị để đối đầu với Trung Quốc.

Do các nguồn lực xây dựng cơ bản bị hạn chế dành cho cơ sở hạ tầng quân sự như doanh trại, sân bay, nhà kho…, cho đến tận bây giờ nhiều căn cứ của Liên Xô ở vùng viễn Đông vẫn đang được Nga sử dụng.

Trong khi đó, quân số từ Siberia và viễn Đông được sử dụng rộng rãi cho các hoạt động ở phần châu Âu của Nga - họ từng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến Chechnya và trong giai đoạn khủng hoảng Ukraine, họ thường xuyên được điều động đến khu vực biên giới với Ukraine.

Tên lửa chiến thuật là bộ phận quan trọng trong tiềm năng của lực lượng bộ binh Nga. Do thực tế là tuổi thọ tên lửa Tochka-U sắp kết thúc và không thể gia hạn thời gian sử dụng, trong vài năm tới tất cả các đơn vị này được tái trang bị bằng các tổ hợp Iskander, nếu không sẽ phải giải tán.

Hiện nay, Nga chỉ có duy nhất dòng tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander, bởi vậy, dĩ nhiên là chúng phải được đưa đến để thay thế cho Tochka-U. Do đó, việc Nga biên chế các tổ hợp tên lửa Iskander đến viễn Đông hoàn toàn là do yếu tố khách quan.

Nói rằng các tên lửa này nhằm vào các mục tiêu ở Trung Quốc cũng là điều rất miễn cưỡng, bởi dù Nga có đưa vài lữ đoàn đến đây thì số lượng tên lửa đạn đạo và tên lửa tầm trung của Trung Quốc cũng lớn hơn rất nhiều so với Nga.

Do đó, việc các Lữ đoàn tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander được Nga đưa đến đây cũng giống như việc chúng thường xuyên được điều động đến tập trận ở nhiều vùng khác nhau trong nước giáp với Ukraine, Belarus, Kazakhstan…, chứ không riêng gì vùng biên giới giáp với Trung Quốc.

Clip Nga phóng Iskander

Thùy Dung

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/nga-chi-ly-do-that-phong-iskander-tai-mien-dong-3360234/