Nga cho Thổ Nhĩ Kỳ 1 tháng 'cân não' ở Idlib trước khi động thủ?

Ankara hiện đang đối mặt với hai rủi ro nghiêm trọng khi nhận trách nhiệm trong vòng 1 tháng sẽ giải xong bài toán phân tách phe đối lập và khủng bố ở Idlib.

Nga cho Thổ Nhĩ Kỳ một tháng để giải quyết bài toán Idlib.

Không còn đường lùi?

Để tìm cách ngăn chặn một cuộc xung đột ở Idlib, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp nhau tại Sochi ngày 17/9.

Sau cuộc gặp, nhà lãnh đạo Nga tiết lộ rằng hai nước đã đạt được thỏa thuận về một vùng đệm phi quân sự rộng 15-20 km, có hiệu lực từ ngày 15/10.

Vùng đệm Idlib nhằm mục đích tách biệt lực lượng Syria ra khỏi phe đối lập vũ trang và tách biệt các nhóm ôn hòa ra khỏi các nhóm cực đoan.

Tất cả các nhóm đối lập đều phải từ bỏ vũ trang hạng nặng của mình.

Sau cuộc gặp với người đồng cấp Putin, Tổng thống Erdogan tuyên bố: “Phe đối lập sẽ vẫn ở lại nơi họ đang ở, nhưng các nhóm cực đoan sẽ không được phép hoạt động. Ranh giới của khu phi quân sự sẽ được giám sát cùng nhau".

Tuy nhiên, tờ Al-Monitor đặt ra câu hỏi là làm thế nào kế hoạch toàn diện này sẽ được thực hiện chỉ trong vòng một tháng. Trong khi có quá nhiều rủi ro đang hiện hữu đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Đòn bẩy của Thổ Nhĩ Kỳ

Chưa đầy hai tuần trước, tại một cuộc họp ở Tehran, Tổng thống Putin đã phản đối lời kêu gọi của ông Erdogan về việc ngừng bắn, nói rằng: “Hayat Tahrir al-Sham và các nhóm cực đoan khác không nằm trên bàn đàm phán.

Nhưng sau cuộc gặp ở Sochi, Ankara đã đưa ra những đảm bảo thay mặt cho các nhóm cực đoan ở Idlib và được Nga đồng ý.

Nhưng vấn đề quan trọng nhất là làm thế nào mà Ankara có thể đảm bảo với Moscow rằng các nhóm này ở Idlib sẽ đồng ý về đề xuất thành lập khu phi quân sự và loại bỏ vũ khí hạng nặng?

Một câu trả lời hợp lý cho trường hợp này có thể là Ankara sẽ dựa vào sức mạnh quân sự và ảnh hưởng đáng kể của mình đối với các nhóm đối lập vũ trang để thuyết phục họ.

Ankara hiện đang củng cố sức mạnh ở 12 tiền đồn quân sự với 80 đến 1.000 bộ binh cơ giới và lính biệt kích (tổng cộng 1.200-1.300); đi kèm với nhiều bệ phóng tên lửa và các biện pháp bảo vệ khác nhau – như một cách thể hiện sự nghiêm túc trong việc hiện diện quân sự xung quanh Idlib. Ankara cũng phong tỏa biên giới phía Tây và phía Bắc Idlib bằng quân tiếp viện.

Sự hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib chỉ mang tính chất phòng thủ.

Nhưng động thái tăng cường quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib trên thực tế chỉ mang tính chất phòng thủ, bởi 12 tiền đồn này ngăn cách Idlib bởi các lực lượng dân quân Iran ở phía Nam Aleppo và những lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad ở phía đông nam.

Ngoài ra còn có những hạn chế về khả năng quân sự của Ankara tại Idlib, đáng chú ý nhất là nước này không có lợi thế ở trên không.

Tại hội nghị thượng đỉnh Sochi vừa qua, đã không có đề cập nào đến ưu thế trên không được đưa ra. Moscow ủng hộ nỗ lực phi quân sự của Ankara, nhưng không ủng hộ ý tưởng về một vùng cấm bay và muốn tiếp tục thống trị không phận Idlib.

Sự độc quyền của Nga cũng đồng nghĩa với việc nếu đụng độ xung quanh Idlib và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bị mắc kẹt ở giữa, Ankara sẽ phải phụ thuộc vào Moscow để sơ tán và hỗ trợ cho những người lính của mình.

Giới quan sát đang chờ đợi xem Ankara sẽ cố gắng thuyết phục các nhóm cực đoan ở Idlib như thế nào – đặc biệt là HTS - để phù hợp với thỏa thuận vừa có được sau cuộc gặp Erdogan-Putin.

Ankara hiện đã cung cấp các lựa chọn khác nhau cho các nhóm này:

- Nếu muốn ở lại Idlib, họ sẽ phải từ bỏ vũ khí và giải thể

- Nếu không muốn từ bỏ vũ khí, họ sẽ phải rời Idlib.

- Những người từ chối từ bỏ vũ khí nhưng vẫn muốn ở lại sẽ được xem xét tham gia Mặt trận Giải phóng Quốc gia – nhóm do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Nếu từ chối tất cả các lựa chọn trên, Ankara dự kiến sẽ cung cấp cho Nga cả về thông tin tình báo lẫn hậu cần để tiến hành các hoạt động nhắm mục tiêu chống lại các nhóm này.

Với tình hình mới như vậy, chiến dịch ở Idlib sẽ không còn là một hoạt động tốc chiến tốc thắng như dự định ban đầu mà sẽ kéo dài từ 8 đến 10 tháng với nhịp độ thấp, đi kèm với các cuộc tấn công không thường xuyên, trong khi đàm phán tiếp tục diễn ra.

Ankara hiện đang đối mặt với hai rủi ro nghiêm trọng. Nguy cơ đầu tiên là sự an toàn của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang làm nhiệm vụ xung quanh Idlib.

Nguy cơ thứ hai là khả năng các nhóm cực đoan vũ trang không hài lòng trước những nỗ lực hòa giải của Ankara sẽ trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách thực hiện các cuộc tấn công khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong tương lai gần, Ankara sẽ cảnh giác cao độ cho một tình huống như vậy.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nga-cho-tho-nhi-ky-1-thang-can-nao-o-idlib-truoc-khi-dich-than-dong-thu-a404756.html