Nga chơi chiêu hai tay ở Libya?

Hợp tác với một Thổ Nhĩ Kỳ đầy tham vọng tại Libya, Nga vừa đánh phá NATO từ bên trong, vừa đảm bảo vị thế và lợi ích tại khu vực.

Nga thể hiện vai trò ở Libya

Điện Kremlin ngày 17/1 cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tham dự một hội nghị hòa bình về Libya tại Đức vào ngày 19/1. Trong một tuyên bố, Điện Kremlin nêu rõ: "Vào ngày 19/1 tới, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tới Berlin (Đức) để tham dự hội nghị hòa bình quốc tế về Libya".

Trước đó, Đức đã chính thức tuyên bố tổ chức hội nghị ở Berlin vào ngày 19/1 để ổn định tình hình ở Libya, theo đó nước này đã mời các đại diện từ Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Liên minh châu Âu, Liên hợp quốc và các nước khác tham dự.

Tổng thống Nga V. Putin sẽ tham dự hội nghị về Libya tại Berlin ngày 19/1

Tổng thống Nga V. Putin sẽ tham dự hội nghị về Libya tại Berlin ngày 19/1

Dù nhận lời tham gia hội nghị ở Berlin, Bộ Ngoại giao Nga ngày 17/1 cho rằng, cách tiếp cận hiện nay của cộng đồng quốc tế trong vấn đề Libya đã không thành công.

Tuyên bố nhấn mạnh: “Sự không hiệu quả của một cách tiếp cận như vậy đã được minh chứng bằng trải nghiệm thất bại của tất cả những hội nghị đa phương từng được tổ chức trước đây về các vấn đề Libya”.

Tuyên bố khẳng định, việc thúc đẩy một giải pháp dành cho Libya vẫn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên mà ngành ngoại giao Nga đang phải đối mặt ở khu vực Bắc Phi trong suốt năm 2019.

Moscow luôn tôn trọng các cách tiếp cận cân bằng và duy trì những mối quan hệ bình đẳng với mọi lực lượng có ảnh hưởng về xã hội-chính trị của Libya.

Cũng theo bộ trên, các đại diện của Nga đã và đang liên hệ chặt chẽ với những bên xung đột kể từ khi xảy ra tình trạng leo thang đối đầu quân sự gần đây nhất ở Libya, luôn khuyến khích các lực lượng này chấm dứt đổ máu và ngồi vào bàn đàm phán.

Phản ứng của Nga được đưa ra sau khi Tướng Khalifa Haftar, chỉ huy lực lượng ở miền Đông Libya, đã từ chối ký một thỏa thuận ngừng bắn do Thổ Nhĩ Kỳ và Nga dàn xếp dù trước đó tuyên bố đồng ý.

Hôm 14/1, ông Haftar đột ngột rời Moscow mà không đồng ý ngừng cuộc tấn công chống Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya được Liên hợp quốc công nhận (GNA) do Fayez al-Sarraj lãnh đạo.

Tướng Haftar (phải) gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nga S. Shoigu tại Moscow ngày 13/1

Theo giải thích của chuyên gia Emad Badi thuộc Viện Trung Đông có trụ sở tại Washington: "Hoặc là ông ta đã không ký vì cá nhân ông ta đã quyết định bất chấp hậu quả, hoặc... một trong những bên ủng hộ ông ta đảm bảo sự hỗ trợ ngay cả khi ông ta không ký".

Nga hiện được cho là bên ủng hộ cho lực lượng của Tướng Haftar, trong đó có lực lượng đánh thuê Wagner. Tổng thống Nga Putin đã ngầm thừa nhận điều này dù phủ nhận trách nhiệm của Moscow.

Ngày 11/1, khi được hỏi về các lính đánh thuê, được biết đến với tên gọi Wagner Group đang chiến đấu tại Libya, Tổng thống Putin tuyên bố, nếu có người Nga chiến đấu tại Libya thì họ không đại diện cho nhà nước Nga cũng như không được nhà nước tài trợ.

Các hãng tin phương Tây như Reuters và nhiều hãng truyền thông khác từ lâu đã đưa tin, lính đánh thuê người Nga đã bí mật chiến đấu trợ giúp cho các lực lượng Nga tại Syria và Ukraine.

Lực lượng lính đánh thuê này do một nhóm quân sự tư nhân tuyển mộ với các thành viên phần lớn là cựu binh. Về phần mình, Chính phủ Nga luôn bác bỏ việc sử dụng lính đánh thuê ở nước ngoài.

Mục tiêu tối thượng của Nga

Giới phân tích cho rằng Moscow không đứng ngoài các sự kiện gần đây tại Libya. Một mặt, Nga duy trì tiếp xúc chính thức với đại diện ngoại giao Libya. Mặt khác, vũ khí cùng lính đánh thuê Nga đang chiến đấu trong hàng ngũ Quân đội quốc gia (LNA) tự xưng do Tướng Haftar đứng đầu.

Ngày 26/11/2019, David Schenker - Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Cận Đông - nói với các phóng viên rằng Nga đã triển khai một lực lượng quân sự đáng kể tới Libya để hỗ trợ Tướng Haftar, người đã chỉ đạo LNA phát động một cuộc tấn công hồi tháng 4/2019 để giành quyền kiểm soát Tripoli từ tay GNA, và để “gây bất ổn” cho đất nước Bắc Phi này.

Libya hiện có 2 lực lượng chủ yếu, gồm GNA ở Tripoli và LNA ở miền Đông, tiếp tục đánh nhau với sự hậu thuẫn từ bên ngoài

Không chỉ cáo buộc Chính phủ Nga có liên hệ trực tiếp với lực lượng đánh thuê Wagner, quan chức Mỹ còn cho rằng: “Lực lượng quân đội thường trực của Nga đang được triển khai với số lượng đáng kể để hỗ trợ LNA”. Ông Schenker mô tả sự hiện diện này là “gây bất ổn đáng kinh ngạc”.

Mặc dù vậy, giới quan sát cũng cảnh báo không nên ảo tưởng rằng Moscow ủng hộ hoàn toàn mong muốn chiếm thủ đô Tripoli của Tướng Khalifa Haftar. Nhà quan sát Ahmed Abuduh của tờ Independent (Anh) cho rằng với sự hỗ trợ rõ ràng của Thổ Nhĩ Kỳ, người Nga đang tham gia “cuộc chơi hai mặt” và cố gắng chế ngự xung đột của cả hai bên ở Libya.

Không những thế, việc không phản đối tham vọng của Tổng thống Recep Erdogan cho phép Moscow tiếp tục lôi kéo một thành viên của NATO về phía mình.

Một chi tiết đáng chú ý khác là việc phát hiện trữ lượng dầu khí lớn ở phía đông Địa Trung Hải xung quanh vùng đặc quyền kinh tế của Hy Lạp, Cyprus, Ai Cập và Israel.

Người Nga hết sức lo ngại điều này và muốn “mượn” một Thổ Nhĩ Kỳ đang khao khát nguồn tài nguyên năng lượng để cản trở một dự án khí đốt cạnh tranh đủ sức gây tổn hại lợi ích của Nga.

Ngay trong ngày 2/1, khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua nghị quyết gửi quân đến Libya, các quốc gia Hy Lạp, Cyprus, Israel lên kế hoạch ký thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn khí đốt EastMed tới châu Âu.

Đường ống mới dự kiến sẽ cung cấp 10% nhu cầu khí đốt tự nhiên của châu Âu, khiến nguồn cung khí đốt của Nga đến miền Nam châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ trở nên khó khăn hơn.

Thổ Nhĩ Kỳ đưa tàu chiến hộ tống tàu thăm dò dầu khí ở Đông Địa Trung Hải

Trong bối cảnh hiện nay, người Nga hiểu rằng một cuộc chiến ngoại giao với Israel và Hy Lạp nếu kết thúc bằng việc EU ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận nguồn cung cấp khí đốt, thì đó cũng là một đòn tấn công nặng nề vào lợi ích kinh tế, địa chính trị của Moscow.

Do đó, Nga phải nỗ lực để giữ “cân bằng” tại Libya khi vừa ủng hộ Tướng Haftar, vừa hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ (ủng hộ GNA) để tránh xung đột leo thang.

Một chiến lược như vậy có vẻ phù hợp với mục tiêu của cả Moscow và Ankara. Theo chuyên gia người Thổ Sinan Ulgen:

"Ở Libya, mục tiêu cuối cùng của Ankara không phải là nhằm giúp đỡ Tripoli giành chiến thắng trong cuộc xung đột, vốn là điều phi thực tế, mà mục tiêu là tạo ra tình thế bế tắc và các cuộc đàm phán chính trị giúp bảo tồn thỏa thuận phân chia lãnh hải của nước này".

Cuối tháng 11/2019, Thổ Nhĩ Kỳ và GNA đã ký một bản ghi nhớ về biên giới trên biển mới chạy qua một khu vực ở Địa Trung Hải mà Hy Lạp và CH Cyprus tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã tuyên bố phái thêm tàu thăm dò đến phía đông Địa Trung Hải và có thể mở rộng hoạt động thăm dò dầu khí ra Biển Đen và thậm chí đến các vùng biển quốc tế.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm ngăn chặn các kế hoạch hợp tác khí đốt của Israel, Hy Lạp và Cyprus sẽ mang lại cho Nga một chỗ đứng vững chắc ở phía Nam châu Âu. Đây được coi là bước đi “bậc thầy” tiếp theo của Nga sau những thành công vang dội ở Syria.

Thành Minh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-choi-chieu-hai-tay-o-libya-3395397/