Nga chưa cho 'Kẻ hủy diệt' BMPT tham chiến vì sợ bị Ukraine bắt sống?

'Kẻ hủy diệt' BMPT - chiếc xe chiến đấu hỗ trợ tăng nổi tiếng nhất của Nga vẫn chưa tham chiến cho dù đã diễn ra các trận đánh đô thị, nguyên nhân do đâu?

Ngay trước khi phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Nga đã điều hàng loạt "Kẻ hủy diệt" BMPT tới sát biên giới, tuy nhiên phương tiện này vẫn chưa tham chiến cho dù đã diễn ra những trận giao tranh trong môi trường đô thị.

Tình hình trên đã dẫn tới rất nhiều thắc mắc từ các chuyên gia quân sự quốc tế, tuy nhiên theo truyền thông Ukraine, lý do chính là bởi Nga lo ngại thứ vũ khí mang tính biểu tượng này của họ sẽ bị đối phương bắt sống.

Thực tế trong những ngày qua, đã có rất nhiều xe tăng, xe thiết giáp bị binh sĩ Nga bỏ lại trong tình trạng nguyên vẹn để rút lui sau khi bị Quân đội Ukraine tập kích hay đơn giản chỉ là do hết nhiên liệu.

Do vậy khi chưa thực sự tự tin về khả năng làm chủ chiến trường đô thị, nhất là trước những đợt phục kích của Quân đội Ukraine, rõ ràng Nga có lý do để lo ngại thứ vũ khí đặc biệt này rơi vào tay đối phương, không loại trừ khả năng đây là lý do chính khiến nó vẫn chưa tham chiến.

Xe chiến đấu hỗ trợ tăng BMPT Termanator ra đời từ yêu cầu cấp thiết rút ra sau cuộc chiến tranh Chesnya lần thứ nhất, tại đây các đơn vị xe tăng Nga đã phải chịu tổn thất nặng nề khi tác chiến trong môi trường đô thị.

Để có thể bảo vệ xe tăng trước các đòn đánh từ trên cao, bất ngờ, từ cự ly gần... Nga đã sử dụng khung gầm xe tăng T-90 và tích hợp một tháp pháo nhẹ có khả năng xoay trở rất nhanh.

Trên tháp pháo gắn 2 khẩu pháo 2A42 cỡ 30 mm với cơ số đạn lớn, có thể bắn được vào các vị trí mà khẩu pháo 2A46 125 mm trên xe tăng khó, hoặc không thể tác xạ nhanh và chính xác.

Đi kèm theo pháo 2A42, BMPT đời đầu còn có thêm 4 tên lửa chống tăng Ataka và 2 súng phóng lựu tự động AGS-17 bố trí bên sườn, có thể cùng lúc tiêu diệt 3 mục tiêu đối phương, kíp chiến đấu của chiếc chiến xa này lên tới 5 người.

Nhưng sau đó do nhận thấy việc chế tạo BMPT từ khung gầm T-90 là rất đắt đỏ cho nên Nga đã tiến hành một vài sửa đổi, đó là tận dụng khung xe tăng T-72 cũ để cho ra đời phiên bản BMPT-72 Terminator-2.

So với thế hệ BMPT thứ nhất thì biến thể sau này đã lược bỏ 2 khẩu súng phóng lựu tự động AGS-17, điều đó khiến kíp chiến đấu được tiết giảm xuống chỉ còn 3 người.

Tháp pháo của Terminator-2 cũng có một chút thay đổi khi sắp xếp lại cách bố trí tên lửa chống tăng và còn bổ sung lớp bảo vệ bên ngoài, giúp tránh bị hỏng hóc vì đất đá, mảnh đạn...

Tuy nhiên cả hai phiên bản BMPT trên đều không được Quân đội Nga chấp nhận đưa vào biên chế chiến đấu do chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ chiến thuật đề ra, dẫn tới việc Nga phải cho ra đời BMPT thế hệ 3.

Biến thể BMPT này tái sử dụng khung gầm xe tăng T-90, tháp pháo của nó vẫn như BMPT-72, trang bị trở lại 2 súng phóng lựu AGS-17, kíp chiến đấu tăng thành 5 người, có thể cùng lúc tham chiến với 3 đối tượng như BMPT đời đầu, chấp nhận không gian trong xe bị chật hẹp hơn.

Sự "lai ghép" trên đã mang lại hiệu quả rõ rệt, nhờ những sửa đổi dựa trên kinh nghiệm trước đó, chiếc BMPT mới đã làm tốt không chỉ vai trò hỗ trợ xe tăng trong đội hình hỗn hợp mà còn có thể tác chiến một cách độc lập, kể cả trong môi trường đô thị lẫn địa hình trống trải.

Sự thành công của BMPT thế hệ 3 đã giúp cho nhà máy Uralvagonzavod giành được hợp đồng trị giá tới 24 tỷ RUB với Bộ Quốc phòng Nga để sản xuất lô hàng thử nghiệm đi kèm các thiết bị phục vụ đảm bảo chiến đấu.

Chiến trường Ukraine đang cho thấy nhiều "xe tăng bất khả chiến bại" của Nga bị phá hủy bởi vũ khí chống tăng do NATO sản xuất, bởi vậy chiếc BMPT muốn chứng minh giá trị thì nhất định phải vượt qua "thuốc thử liều cao" nói trên.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nga-chua-cho-ke-huy-diet-bmpt-tham-chien-vi-so-bi-ukraine-bat-song-post497876.antd