Nga chưa đủ 'rắn' với NATO?

Theo phía Ukraine, Nga đã triển khai 46 tiểu đoàn chiến thuật - tương đương khoảng 105.000 quân - dọc theo biên giới với Ukraine và ở Crimea.

Nga ở thế đáp trả?

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu được truyền thông Nga ngày 13/4 dẫn lời tuyên bố Moscow đang thực hiện các biện pháp để đáp trả hành động quân sự đe dọa của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong đó có công tác kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu và tập trận.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga nêu rõ, NATO đang lên kế hoạch triển khai 40.000 binh sĩ và 15.000 vũ khí, trang thiết bị quân sự gần biên giới Nga, trong đó có cả không quân chiến lược. Ông Shoigu thông báo thêm rằng Mỹ đang chuyển một phần lực lượng đồn trú ở Bắc Mỹ tới châu Âu, trong đó tập trung chủ yếu ở khu vực gần Biển Đen và biển Baltic.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu

Hãng tin TASS dẫn lời Bộ trưởng Shoigu cáo buộc Mỹ đang tăng cường lực lượng ở Ba Lan và các nước Baltic, đồng thời tăng cường tần xuất hoạt động do thám trên không và trên biển. Ông khẳng định trên lãnh thổ châu Âu, NATO mỗi năm tiến hành khoảng 40 hoạt động huấn luyện tác chiến quy mô lớn nhằm chống lại Nga. Mùa Xuân năm nay, NATO đã khởi động cuộc tập trận quân sự có quy mô lớn nhất trong 30 năm qua, mang tên Defender Europe 2021 (Người phòng thủ châu Âu 2021).

Ông Shoigu nhấn mạnh Nga đang áp dụng các biện pháp nhằm đáp trả hoạt động quân sự mang tính đe dọa của NATO. Các cuộc tập trận binh chủng hợp thành và đổ bộ đường không quy mô lớn của Nga đã chứng tỏ khả năng sẵn sàn chiến đấu để bảo vệ an ninh đất nước.

Cũng trong ngày 13/4, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã kêu gọi Nga rút các binh sĩ mà liên minh này cho rằng Moscow đang triển khai quy mô lớn ở biên giới với Ukraine. Phát biểu họp báo với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, ông Stoltenberg nói: “Trong những tuần gần đây, Nga đã điều động hàng nghìn binh sĩ sẵn sàng tác chiến tới các khu vực biên giới của Ukraine. Đây là đợt tăng quân lớn nhất kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014... Nga phải chấm dứt hoạt động tăng cường quân sự này ở trong và xung quanh Ukraine, ngừng ngay lập tức các hành động khiêu khích và xuống thang".

Binh sĩ Mỹ trong thành phần NATO được triển khai tới Ba Lan

Một ngày trước đó, ông Stoltenberg đã có cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken để thảo luận về “động thái tăng cường quân đội của Nga ở gần biên giới Ukraine”. Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Blinken và Tổng Thư ký Stoltenberg đã thảo luận về yêu cầu khẩn cấp buộc Nga ngừng động thái tăng cường quân đội dọc các khu vực biên giới của Ukraine và Bán đảo Crimea.

Tổng thống Vladimir Putin cũng đã lên tiếng tố cáo việc NATO tiến hành các cuộc tập trận ở biên giới Nga và ý đồ của Mỹ muốn mở rộng ảnh hưởng của mình đối với các nước trước đây là thành viên của Liên Xô. Trong tháng Tư, có tới 5 trong số 10 cuộc diễn tập của NATO sẽ được tổ chức tại các quốc gia thành viên ở phía Đông.

NATO nói thì hay...

Theo phía Ukraine, Nga đã triển khai 46 tiểu đoàn chiến thuật - tương đương khoảng 105.000 quân - dọc theo biên giới với Ukraine và ở Crimea, và lực lượng này được cung cấp 19.000 tấn nhiên liệu và 355 tấn đạn dược. Kiev kêu gọi các đồng minh không lặp lại “sai lầm” năm 2014 với các sự kiện ở Crimea và Donbass.

Trong cuộc họp báo với các quan chức Mỹ và phương Tây tại Brussels, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói: "Về mặt chiến lược, Nga phải hiểu rằng Ukraine thuộc về thế giới của các nền dân chủ, thuộc về thế giới phương Tây, và phương Tây sẽ không để Nga phá vỡ nền dân chủ và chủ quyền của Ukraine".

Binh sĩ Ukraine

Giới phân tích phương Tây cho rằng cả Nga và Ukraine có thể đang "thử" tân Tổng thống Mỹ Joe Biden để xem ông sẵn sàng tiến xa tới đâu nhằm bảo vệ đồng minh của Washington và đối đầu Nga. Cũng có ý kiến nhận định Nga muốn gửi một thông điệp cho Ukraine sau khi Kive áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nghị sĩ và doanh nhân Viktor Medvedchuk, đồng thời cấm 3 kênh truyền hình có liên quan đến ông Medvedchuk.

Đến thời điểm này, phương Tây vẫn tin rằng một cuộc tấn công toàn diện của Nga hay một cuộc tấn công của Kiev được NATO hậu thuẫn nhằm vào phe ly khai sẽ không thể xảy ra vào lúc này. Chuyên gia Bruno Lete, một nhà nghiên cứu cấp cao của Quỹ Marshall Đức - một cơ quan nghiên cứu của Mỹ - nói: "Các thành viên NATO sẽ không điều bất kỳ lực lượng nào tới Ukraine. Sự ủng hộ của họ sẽ chỉ giới hạn ở việc đưa ra thông điệp chính trị, cố vấn về quân sự và hỗ trợ kỹ thuật".

Nhiều nhà phân tích cho rằng các đồng minh NATO sẽ không sẵn sàng điều lực lượng của mình tham gia vào một cuộc xung đột chống lại Moscow vì vấn đề liên quan tới Ukraine, nhưng họ có thể tăng cường các hình thức hỗ trợ khác. Ngày 14/4, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer nói: “Ấn tượng của tôi là phía Nga đang cố gắng làm mọi cách để kích động phản ứng... Cùng với Ukraine, chúng tôi sẽ không bị cuốn vào cuộc chơi này".

Từ Crimea đến Syria và gần nhất là Nagorny-Karabakh, Nga đã chứng minh quyết tâm cùng khả năng tác chiến khó lường

Còn theo nhận định của trang mạng politico.eu, phần lớn các nhà quan sát cho rằng tình hình hiện nay không nhất thiết sẽ dẫn tới một cuộc tấn công ngay lập tức, nhưng việc các ý định của Nga vẫn chưa rõ ràng là điều rất đáng lo ngại. Phương Tây tin rằng Tổng thống Nga Putin muốn duy trì sự khó đoán định, do đó ít có nguy cơ xảy ra một cuộc chiến hoàn toàn bất ngờ, song sẽ luôn có nguy cơ xảy ra tính toán sai hoặc phản ứng quá mức.

Về phía Nga, một số nhà phân tích nước này cho rằng xung đột bùng phát là “hệ quả trực tiếp từ tình hình chính trị nội bộ Ukraine”. Tờ Expert của Nga đánh giá Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiến hành các biện pháp mạnh như chống lại truyền thông đối lập bị cáo buộc là thân Nga, trừng phạt tỷ phú Medvedchuk bị cáo buộc có liên hệ mật thiết với Điện Kremlin, hay cấm tiếng Nga trong trường học nhằm lấy lại hình ảnh của mình ở trong nước.

Trong khi đó, trang World Socialist Web Site dẫn các thông tin chứng minh Ukraine cùng Mỹ và phương Tây có hành động “hung hăng, khiêu khích” đối với Nga. Theo đó, Kiev hồi đầu tháng 3 vừa qua đã thông qua một chiến lược nhằm “thu hồi bán đảo Crimea”. Đến ngày 25/3, Tổng thống Zelensky còn thông qua một chiến lược quân sự mới nhấn mạnh đến tính cấp thiết chuẩn bị huy động toàn dân trong một cuộc chiến chống Nga ngay trên lãnh thổ Ukraine. Chiến lược này nhìn nhận Ukraine chỉ có thể chiến thắng với sự hỗ trợ của NATO và không dưới 19 lần nhắc đến việc dự kiến gia nhập khối liên minh quân sự này.

Thái Minh

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/nga-chua-du-ran-voi-nato-3430633/