Nga cố cứu vãn 'nút chặn' chạy đua vũ trang INF

Nga gia tăng những nỗ lực nhằm cứu vãn Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) khi kêu gọi Mỹ ngồi lại đàm phán về hiệp ước được xem là 'hòn đá tảng' ngăn chặn cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu này.

Thế giới đang trông đợi cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 cuối tháng này để cứu vãn INF

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 11-11 một lần nữa tuyên bố Matcơva muốn khôi phục đối thoại đầy đủ với Washington về INF. Người đứng đầu nước Nga hy vọng ông và người đồng cấp Mỹ là Tổng thống Donald Trump sẽ có cuộc gặp cấp cao bên lề Hội nghị thượng đỉnh các nước phát triển và mới nổi (G20) tại Argentina dự kiến diễn ra vào cuối tháng 11 này để thảo luận về tương lai của INF.

Tuyên bố của Tổng thống Putin cho thấy cố gắng mới của Nga nhằm cứu vãn INF sau khi Tổng thống Trump khẳng định Mỹ sẽ rút khỏi hiệp ước này vào thời điểm thích hợp. Tuyên bố vào cuối tháng 10 vừa qua của chủ nhân Nhà trắng đã gây ra cú sốc lớn trên toàn cầu, làm dấy lên mối lo ngại sâu sắc về việc phá vỡ thế cân bằng chiến lược, mở màn cho cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân toàn cầu 2.0, sau cuộc chạy đua từng đẩy thế giới tới cận kề của một cuộc chiến tranh hủy diệt thời Chiến tranh Lạnh.

Trở lại thời điểm trước khi nhà lãnh đạo Liên Xô trước đây (Nga hiện nay) Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đặt bút ký INF, cả thế giới lúc đó, đặc biệt là châu Âu, ngột ngạt trong bầu không khí đặc quánh của mối nguy bùng phát một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Ngòi nổ nguy hiểm nhất không phải là kho tên lửa đạn đạo vượt xuyên lục địa (ICBM) mà chính là những quả tên lửa tầm trung mang đầu đạn hạt nhân mà Mỹ và Liên Xô triển khai dày đặc ở châu Âu.

Chính vì thế, việc Mỹ và Liên Xô trước đây đã ký INF vào ngày 8-12-1987 với cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm ngắn và tầm trung từ 500km tới 5.500km đã tháo ngòi nổ nguy hiểm nhất của cuộc chiến tranh hạt nhân hủy diệt hàng loạt. Do vậy, việc Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi INF vào thời điểm thích hợp đã lập tức làm trỗi dậy nỗi ám ảnh khủng khiếp thời đỉnh cao Chiến tranh Lạnh.

Từng phải sống dưới mối đe dọa chiến tranh hạt nhân treo lơ lửng trên đầu, các quốc gia châu Âu hơn ai hết nhận thức rõ tầm quan trọng của “nút chặn” INF đối với an ninh châu lục. Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu luôn coi INF là “chỗ dựa” giúp kiểm soát vũ khí và lo ngại việc INF sụp đổ có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang mới với khả năng Mỹ triển khai hệ thống tên lửa hạt nhân thế hệ mới tại châu Âu. Như sự khẳng định của Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, toàn bộ các nước đồng minh NATO ở châu Âu đều nhất trí rằng INF đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh đối với khu vực từng là chiến trường chính của cả hai cuộc chiến tranh thế giới này.

Tuy nhiên, lo ngại của châu Âu cùng nỗ lực của Nga xem ra chưa đủ để cứu vãn INF khi chính quyền Tổng thống Trump cho tới lúc này vẫn tỏ ra cứng rắn với lập trường rút khỏi hiệp định này. Điều này có thể thấy qua việc cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Trump đã không diễn ra khi cả hai nhà lãnh đạo Mỹ cùng hiện diện tại lễ kỷ niệm 100 năm Ngày kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất vào ngày 11-11 ở Paris, Pháp.

Nay, khi hy vọng dồn vào cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga bên lề Hội nghị thượng đỉnh nhóm G-20 diễn ra cuối tháng này ở Buenos Aires (Argentina) thì người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov lại cho biết, hiện vẫn chưa có “thỏa thuận chắc chắn” nào về một cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Donald Trump.

Hoàng Hà

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/nga-co-cuu-van-nut-chan-chay-dua-vu-trang-inf/789760.antd