Nga có thể giúp Ấn Độ xây dựng tàu vũ trụ có người lái đầu tiên

Ấn Độ đang tìm cách lắp đặt các thiết bị do Nga phát triển dành cho hệ thống sưởi ấm và hỗ trợ sự sống trên tàu Gaganyaan, tàu vũ trụ sẽ được sử dụng cho sứ mệnh thực hiện chuyến bay không gian có người lái đầu tiên của nước này.

Ấn Độ đặt mục tiêu đưa người lên vũ trụ trong lễ kỷ niệm ngày Cộng hòa lần thứ 75 vào năm 2022. (Nguồn: NASA)

Theo tuyên bố của Cơ quan vũ trụ liên bang Nga Roscosmos, lãnh đạo Roscosmos và Trung tâm chuyến bay vũ trụ có người lái thuộc Cơ quan Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) ngày 25/10 đã ký hợp đồng xem xét khả năng triển khai kế hoạch lắp đặt các thiết bị do Nga phát triển cho hệ thống sưởi ấm và hỗ trợ sự sống trên tàu Gaganyaan. Trung tâm chuyến bay vũ trụ có người lái, thành lập vào tháng 3/2019, chịu trách nhiệm cho sứ mệnh Gaganyaan.

Nếu được phê duyệt, nhà sản xuất tàu vũ trụ Energia của Nga sẽ đảm trách dự án này.

Tổng giám đốc Glavkosmos Dmitry Loskutov “hy vọng rằng việc ký kết văn bản này và việc thực hiện các điều khoản kèm theo sẽ thúc đẩy sự phát triển chương trình vũ trụ Ấn Độ và các chuyến bay vào vũ trụ có người lái, và nói chung là tăng cường hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp giữa Nga và Ấn Độ”.

Năm ngoái, Nga và Ấn Độ đã ký một thỏa thuận mang tính bước ngoặt, trong đó có hợp tác trong các dự án không gian vũ trụ. Từ đó, hai bên đã thống nhất về sự phát triển chung tiềm năng của “công nghệ tương lai” và New Delhi bắn tín hiệu rằng họ có thể mua động cơ tên lửa từ Moscow.

Ấn Độ đang nhanh chóng phát triển chương trình không gian vũ trụ của mình và đặt mục tiêu đưa người lên vũ trụ trong lễ kỷ niệm ngày Cộng hòa lần thứ 75 vào năm 2022. Để thực hiện kế hoạch đầy tham vọng này, New Delhi đang thiết kế tàu vũ trụ Gaganyaan, có khả năng đưa ba người lên quỹ đạo Trái đất thấp.

Nếu thực hiện thành công sứ mệnh Gaganyaan, Ấn Độ sẽ gia nhập câu lạc bộ các cường quốc vũ trụ có khả năng này gồm Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Theo thông tin cập nhật ngày 26/10 của Times of India, Ấn Độ đã khởi động giai đoạn đầu của việc đào tạo phi hành gia và việc thử nghiệm đưa người lên vũ trụ có thể diễn ra trong khoảng tháng 12/2020 và tháng 1/2021.

Ấn Độ có kế hoạch phóng trạm vũ trụ riêng vào năm 2030. (Nguồn: Pioneer)

Trước đó, vào tháng 6/2019, Giám đốc ISRO Kailasavadivoo Sivan tiết lộ rằng nước này đang có kế hoạch phóng trạm vũ trụ riêng vào năm 2030. Đây là một trong những dự án tham vọng nhất mà New Delhi theo đuổi.

Dự án trạm vũ trụ nặng 20 tấn sẽ là sự mở rộng của sứ mệnh Gangayaan và theo kế hoạch ban đầu đối với trạm trên, Ấn Độ sẽ đưa các phi hành gia vào không gian từ 15-20 ngày.

Ông Sivan từng tuyên bố nước này không thua kém Trung Quốc trong lĩnh vực không gian, và sau khi New Delhi thực hiện thành công sứ mệnh Gaganyaan, Ấn Độ sẽ có thể sánh nganh với Trung Quốc trong tất cả các khía cạnh của lĩnh vực này.

Ấn Độ hướng tới nền kinh tế 5.000 tỷ USD vào năm 2024 và Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi rất khao khát thể hiện sức mạnh toàn diện của một Ấn Độ mới, trong đó công nghệ là một điểm sáng, với toàn thế giới.

Diễm Hạnh

(theo Reuters, NDTV)

Diễm Hạnh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nga-co-the-giup-an-do-xay-dung-tau-vu-tru-co-nguoi-lai-dau-tien-103379.html