Nga cứ phòng thủ, NATO vẫn tiến về phía Đông

NATO vẫn lầm lì tiến về phía Đông bất chấp Nga mạnh tay lập hàng rào phòng thủ thế nào.

Nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 15/11 đã phát đi tuyên bố nhấn mạnh rằng, sự mở rộng của NATO dường như là điều không thể phủ nhận.

NATO đang ngày càng di chuyển về phía Đông, hiện diện từ Biển Đen đến biển Baltic.

NATO đang tiến về phía Đông, áp sát Nga.

"Hiện nay đang có sự hiện diện của quân đội Mỹ với sự di chuyển dần dần và dựa trên cơ sở hoạt động thường xuyên ở các nước tiếp giáp với Nga. Hoạt động vận tải quân sự ở biên giới với chúng ta đang dần mở rộng" - bà Zakharova cho biết.

Cụ thể, từ tháng 10, ở khu vực Baltic và phía bắc châu Âu tập trung nhiều lực lượng quân và các phương tiện nhằm tham gia một loạt các bài tập quân sự lớn của liên minh. Những lực lượng này bổ sung thêm cho các nhóm quân mà NATO đã triển khai tại các nước thuộc sườn đông.

Hoạt động này của NATO, việc sử dụng các nước thành viên để gia tăng hiện diện gần biên giới đang diễn ra dọc theo toàn bộ chiều dài vòng cung từ biển Baltic đến Biển Đen.

"Ở Ba Lan và các nước Baltic đã triển khai 4 tiểu đoàn đa quốc gia của NATO, còn ở Romania có lữ đoàn đa quốc gia. Chương trình nghị sự hiện vẫn đang là vấn đề hình thành nhóm quân thường xuyên của Lực lượng Hải quân các nước NATO ở Biển Đen" - nhà ngoại giao cho biết thêm.

Vị phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng, sự lui dần về phía đông của NATO sẽ "dẫn tới tình trạng quân sự hóa trong khu vực, tạo ra những rủi ro mới và hâm nóng tình trạng đối đầu quân sự".

Sự hiện diện ngày càng gia tăng của NATO dọc biên giới Nga, đặc biệt là khu vực biển Đen tất yếu khiến Moscow phòng thủ.

Một khi NATO chấp nhận cho Ukraine và Gruzia gia nhập liên minh quân sự, Nga chắc chắn sẽ phải thành lập một vành đai phòng thủ mới ở gần Sochi và điều này sẽ khiến họ hao tổn một nguồn lực cực lớn.

"Chúng ta sẽ buộc phải xây dựng vòng phòng thủ thứ ba gần Sochi và giáp với Ukraine. Chúng ta sẽ bị buộc phải dành nhiều nguồn lực để ngăn chặn những hành động của kẻ thù có thể xảy ra. Đó là điều không thể tránh khỏi" - ông Andrey Kelin - Vụ trưởng Vụ hợp tác châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao Nga cho biết.

Tổng thống Vladimir Putin cũng từng cảnh báo về kế hoạch tiến về phía Đông của NATO.

"Các đối tác của chúng tôi, những người cố gắng làm trầm trọng thêm tình hình đang tìm cách đưa Ukraine và Gruzia vào quỹ đạo của liên minh nên suy nghĩ về những hậu quả có thể xảy ra từ một chính sách vô trách nhiệm như vậy" - ông Putin cho hay.

Theo nhà lãnh đạo Nga, chìa khóa để đảm bảo an ninh và ổn định tại châu Âu nằm ở việc thúc đẩy hợp tác và khôi phục niềm tin hơn là "thành lập các căn cứ quân sự mới và cơ sở hạ tầng quân sự của NATO gần biên giới Nga".

"Chúng tôi sẽ đáp trả tương xứng những hành động đặt ra mối đe dọa trực tiếp tới Nga như vậy" - Tổng thống Putin nhấn mạnh.

Bị bao vây bởi NATO, Tổng thống Putin đã phòng thủ chắc chắn.

Bất chấp cảnh báo và sự phòng thủ của Moscow, NATO thực sự không có ý định giới hạn biên giới của họ.

Đô đốc Lord West, cựu Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Anh cho hay Nga luôn nung nấu ý định mở rộng lãnh thổ - nhất là lên phía Tây Bắc - nên luôn tìm cách gây mất ổn định tại khu vực này.

"Trước đây khi Liên Xô còn tồn tại, chúng tôi biết rằng cường quốc quân sự này đã có kế hoạch thực hiện những cuộc tấn công xâm chiếm phần lãnh thổ phía bắc của Na Uy để mở rộng lãnh thổ ra phía biển.

Nhưng bây giờ mối đe dọa từ Nga còn lớn hơn rất nhiều so với thời Liên Xô, bởi ai cũng có thể nhận thấy rằng Moscow đang làm rất nhiều điều gây mất ổn định khu vực để thực hiện ý đồ của mình... Sự việc bây giờ đáng lo ngại hơn vì những gì Tổng thống Putin đã làm - tái sát nhập Crimea vào Nga - cho thấy tìm kiếm lãnh thổ là rất quan trọng với Kremlin" - ông Lord West nhấn mạnh.

Dường như xuất phát từ việc Nga tái sát nhập bán đảo Crimea, NATO đã nhìn nhận Tổng thống Putin có âm mưu xâm chiếm láng giềng, mở rộng cho lãnh tổ cho nước Nga, từ đó, Washington-Brussels chuẩn bị những hành động đáp trả.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng việc Nga tái sát nhập Crimea chỉ là một cái cớ cho Washington- Brussels hành động, vì từ lâu Mỹ- NATO đã nhận định Tổng thổng Putin có ước vọng tái sính "đế quốc Nga", mà vấn đề mở rộng lãnh thổ là tất yếu.

Giới phân tích cho rằng, việc Nga muốn khôi phục đế quốc Nga là sự cường điệu hóa từ NATO.

Nga có tiến về phía Tây hay không?

Việc cường điệu hóa đó được nhận diện là nhằm che đậy và tạo cớ cho những hành động trái nguyên tắc của Washington- Brussels, cụ thể nhất là xé bỏ Hiệp ước Cơ sở Nga-NATO, thực hiện "kế hoạch Đông tiến", mở rộng quy mô đến sát biên giới Nga.

Hiệp ước Cơ sở Nga-NATO đã bị chính NATO phá vỡ bằng sự kiện Kosovo, kế hoạch sáp nhập Ukraine, Gruzia và đổ hết tội lỗi đó cho Nga.

Tổng thống Nga đã từng đề nghị Nga gia nhập NATO nhưng đã không được Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton phản hồi rồi dần lãng quên. Đó là lời cảnh báo cho Moscow rằng, không thể có đối thoại với NATO.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-cu-phong-thu-nato-van-tien-ve-phia-dong-3369287/