Nga đánh liều khi để cho Su-34 thay thế vai trò của cả Su-30SM và Su-25 tại Syria?

Su-34 vừa có khả năng đánh đất hiệu quả trong khi vẫn có thể đối không mạnh mẽ, đây chính là lý do Nga dùng phi cơ này để thay thế cho Su-30SM và Su-25. Tuy vậy loại chiến đấu cơ này cũng nhận không ít ý kiến trái chiều.

Khi Nga bất ngờ rút hết Su-30SM và Su-25 về nước, chỉ để một số lượng nhất định chiến đấu cơ trong đó có 6 chiếc Su-34, giới quan sát đổ dồn phân tích sự kiện này. Một số ý kiến cho rằng Nga đang đánh liều khi cho Su-34 thay thế vai trò của Su-30SM và Su-25.

Su-34 hiện đang là cường kích đa năng hiện đại nhất của Nga hiện nay.

Ngoài vai trò chủ yếu tấn công mục tiêu mặt đất thì dòng chiến đấu cơ này theo quảng bá của Nga là nó còn có khả năng đối không cực mạnh mẽ.

Nga cũng đã thử nghiệm thành công khả năng tích hợp tên lửa không đối không mạnh nhất của nước này là R-77 lên cường kích Su-34.

Về cơ chế tìm diệt, trong pha đầu sau khi được phóng, R-77 bay theo quán tính với dữ liệu về mục tiêu được cập nhật từ radar của máy bay phóng (như vị trí thay đổi hay G-load của mục tiêu).

Đến pha cuối, R-77 sẽ chuyển sang dùng radar chủ động của chính nó.

Khi tiếp cận mục tiêu ở khoảng cách ngắn, R-77 sẽ kích hoạt chế độ “chủ động”, radar của tên lửa sẽ lưu giữ thông tin mục tiêu đã được tính toán để sử dụng phòng trường hợp mục tiêu thoát khỏi “khóa chết”.

Nếu đầu dò bị gây nhiễu, R-77 lại chuyển sang chế độ thụ động và lần tìm theo nguồn phát nhiễu để tiêu diệt.

Khi công kích các mục tiêu không có khả năng cơ động tốt bay ở độ cao lớn trong trạng thái đối đầu, R-77 (RVV-AE) có thể bắn từ cự ly 100 km, đầu dò radar chủ động của tên lửa có tầm hoạt động 20 km. Ở tầm ngắn, R-77 tiêu diệt được mục tiêu có khả năng cơ động kinh hoàng.

Việc Nga quyết định lắp tên lửa đối không tầm trung cho cường kích Su-34 để thay nhiệm vụ cho Su-30SM khi thực hiện không kích IS tại Syria đã khiến giới quan sát bình luận trái chiều.

Trong bối cảnh nền kinh tế Nga không mấy khởi sắc vì sự cấm vận từ phương Tây, việc hạn chế chiến phí tại Syria là điều cần thiết.

Duy trì một loại phi cơ có thể thay thế vai trò của hai loại chiến đấu cơ được coi là bài toán kinh tế.

Mặt khác cuộc chiến tại Syria tuy chưa ngã ngũ nhưng đã tạm giảm bớt sự căng thẳng.

Nga cũng phải duy trì một lực lượng chiến đấu cơ hùng hậu để hỗ trợ quân đội Syria trong các cuộc tấn công.

Vì vậy rút Su-30SM và Su-25 về nước và thay thế chúng là những chiếc Su-34 là bài toán kinh tế.

Dù tấn công phiến quân nhưng Nga vẫn phải đề phòng các yếu tố bất ngờ bị tấn công từ máy bay đối phương. Duy trì một máy bay có khả năng công mặt đất và thủ trên không là điều tối cần thiết.

Su-34 có thể đảm nhận xuất sắc việc này.

Sukhoi Su-34 (còn gọi được là "thú mỏ vịt" bởi hình dáng chiếc mũi bẹt của nó) được phát triển trên nền tảng tiêm kích Su-27, là một trong những chiến đấu cơ tấn công mặt đất hiệu quả nhất của Nga hiện nay.

Su-34 có chiều dài 23 mét và sải cánh rộng 14,7 mét, trọng lượng rỗng của chiếc máy bay này 22,5 tấn. Trọng lượng cất cánh tối đa của Su-34 lên tới 45 tấn.

Su-34 sử dụng 2 động cơ Lyulka AL-35F cho vận tốc cực đại Mạch 1,8, tầm bay 4.500km.

Kho vũ khí mang theo của Su-34 lên tới hơn 8 tấn bao gồm pháo, bom, rocket và các loại tên lửa.

Không quân Nga đang có trong biên chế khoảng hơn 100 chiếc Su-34, họ vẫn đang tiếp tục chế tạo thêm.

Tuy vậy Su-34 cũng nhận không ít chê bai. Tiếp xúc với thời tiết nắng nóng tại Syria, nước sơn của Su-34 nhanh chóng xuống cấp. Không những thế hệ thống dẫn đường cho loại bom KAB-500S không hoạt động khiến máy bay không thể cắt bom. Điều này buộc Nga phải đưa số máy bay này trở lại Nga để tiến hành sửa chữa nâng cấp.

Nga quảng bá Su-34 được trang bị các hệ thống điện tử điều khiển hỏa lực tối tân, với radar Leninets V004 có khả năng nhìn rõ mục tiêu mặt đất ở khoảng cách 5km, hệ thống tác chiến điện tử tinh vi, tổ hợp quan sát ảnh nhiệt cùng các màn hình hiển thị đa năng, vì thế Su-34 có khả năng tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu mặt đất.

Tuy nhiên thực tế chiến trường cho thấy, radar của Su-34 tối tân nhưng đôi lúc lại vô dụng.

"Su-34 vấp phải các khó khăn lớn khi tác chiến với địa hình đồi núi và rừng rậm. Radar của Su-34 không thể soi được các mục tiêu trong điều kiện địa hình như vậy và hệ thống quan sát hiển thị ảnh nhiệt cùng các thiết bị khác cũng vấp phải những hạn chế”, một nguồn tin giấu tên trong tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga cho biết.

Các nhà quan sát cho rằng, thiết kế của Su-34 tỏ ra quá lạc hậu do kích thước nặng nề và độ cơ động kém hơn so với dòng Su-27, ngày nay khi các khí tài trinh sát, cảnh giới, về hệ thống tên lửa phòng không vác vai đã cực kỳ phát triển, việc chế tạo một chiến đấu cơ chuyên thực hiện nhiệm vụ xâm nhập tầm thấp luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cực cao.

Để tránh bị tiêu diệt bởi những loại vũ khí phòng không vác vai, Su-34 buộc lòng phải bay lên cao, khi vượt qua khỏi trần bay 5km, radar của Su-34 sẽ liền mất tác dụng trong việc phát hiện mục tiêu mặt đất.

Trong tác chiến đối không, radar Leninets V004 chỉ nhận biết được máy bay tiêm kích hạng nặng từ cách xa 90 km và dẫn đường cho tên lửa tiêu diệt ở cự ly 60 km, thông số này rõ ràng thua xa các loại chiếm ưu thế trên không chuyên nghiệp.

Chưa kể thiết kế vừa cánh đuôi vừa cánh mũi của Su-34 cho độ phản hồi tín hiệu radar quá cao sẽ khiến nó bị thua thiệt rất nhiều, không thể đối đầu sòng phẳng như những gì Nga vẫn quảng cáo.

Tại chiến trường Syria, sau khi chiếc Su-24 bị F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ thì đã có một thời gian Su-30SM phải bay kèm Su-34 trong lúc làm nhiệm vụ hỗ trợ hỏa lực mặt đất.

Mặt khác chi phí cho một giờ bay của Su-34 lên tới 40.000 USD bằng với Su-30SM, điều này khiến cho loại máy bay này nằm trong tốp đầu của những chiến đấu cơ có hoạt động đắt đỏ. Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại có lẽ giải pháp để Su-34 thay thế cho Su-30SM và Su-25 vẫn là giải pháp cần thiết sau khi Nga cân đo đong đếm.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-nga-danh-lieu-khi-de-cho-su34-thay-the-vai-tro-cua-ca-su30sm-va-su25-tai-syria/789672.antd