Nga dễ chọc thủng phòng thủ Mỹ, hậu quả ai cũng biết

Xin giới thiệu với bạn đọc một số thông tin về thực trạng và các kế hoạch phát triển, hoàn thiện hệ thống phòng thủ chống tên lửa Mỹ

Nội dung được thể hiện qua bài viết với tiêu đề trên của chuyên gia quân sự Nga quen thuộc Kirill Ryabov. Bài đăng trên ‘Bình luận quân sự” (Nga) ngày 27/6/2019.

“Trong mấy thập kỷ gần đây, Mỹ đã xây dựng được một hệ thống phòng thủ chống tên lửa chiến lược mạnh, phân bố rộng và bố trí theo tuyến để có đủ khả năng cần thiết đối phó với các tên lửa đạn đạo của đối phương tiềm năng.

Do nhận thức được những hạn chế của hệ thống phòng thủ chống tên lửa hiện tại và theo dõi sát sự phát triển của các phương tiện tấn công của nước ngoài, Mỹ vẫn tiếp tục xây dựng mới và hiện đại hóa các hệ thống phòng thủ (chống tên lửa) hiện có.

Phóng tên lửa GBI, ngày 25/3/2019. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Các tuyến phòng thủ

Hiện tại, hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược của Mỹ có bốn thành phần (thành tố) chính – mỗi thành tố có chức năng giải quyết các nhiệm vụ khác nhau. Dưới quyền của Cơ quan Phòng thủ (chống) tên lửa có các (1) tổ hợp (đánh chặn) mặt đất GBM, (2) hệ thống đất / biển Aegis BMD, (3) các hệ thống mặt đất THAAD và (4) Patriot PAC-3.

Tổ hợp Patriot PAC-3 được thiết kế để chống lại tên lửa chiến dịch- chiến thuật, ba kiểu tổ hợp còn lại là để đánh chặn tên lửa tất cả các lớp khác có tầm bắn lớn hơn.

Hệ thống phòng thủ tên lửa lớn nhất của Mỹ là các tổ hợp GBM (Ground-Based Midcourse Defense).

Trong thành phần biên chế tổ chức của nó có các bệ phóng bố trí tại hai căn cứ ở Bờ Tây nước Mỹ, cũng như nhiều radar, vệ tinh, v.v.

Các phương tiện giám sát của GBM đảm bảo có thể theo dõi một khu vực lãnh thổ trải trên khu vực 15 múi giờ trên Trái Đất. Hiện tại, tại 2 căn cứ nói trên có 44 tên lửa GBI trực chiến.

Một vai trò rất quan trọng trong phòng thủ chống tên lửa được giao cho các tổ hợp dòng Aegis. Trước hết, đó là các hệ thống Aegis BMD bố trí trên các tàu chiến.

Các tàu tuần dương lớp “Ticonderoga” và các tàu khu trục lớp “Arleigh Burke” được trang bị các thiết bị điện tử và radar cần thiết cùng các tên lửa đánh chặn SM-3. Hiện tại, có khoảng 33-35 tàu chiến Mỹ như vậy đang trực chiến.

Còn các phiên bản mặt đất của Aegis BMD- tức các tổ hợp Aegis Ashore,- vẫn đang tiếp tục được chế tạo. Căn cứ (trận địa) tổ hợp kiểu này đầu tiên đã triển khai hoạt động tại Romania trong năm 2016.

Gần hai năm sau (2018), một trận địa tương tự như vậy cũng được đưa vào trực chiến tại Ba Lan. Đã triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng để bố trí hai tổ hợp nữa tại Nhật Bản.

Cũng cần nhắc lại rằng việc triển khai “Aegis Ashore” đã trở thành một nguyên nhân dẫn đến nhiều cuộc tranh cãi thường xuyên trên các diễn đàn quốc tế.

Từ cuối thập kỷ trước, Mỹ tiếp tục tổ hợp sử dụng tên lửa đánh chặn động năng (hit-to-kill) phóng từ mặt đất THAAD. Cho đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng một chục đại đội THAAD được triển khai trực chiến.

Chúng được bố trí cả ở những căn cứ trên biển của Mỹ và cả trên lãnh thổ các nước thứ ba. Vài tuần trước, một đại đội THAAD nữa đã bắt đầu trực chiến tại Romania – trong thời gian tổ hợp Aegis Ashore tại đây đang được sửa chữa và hiện đại hóa theo kế hoạch.

Tổ hợp Aegis Ashore. Ảnh: Lockheed Martin / lockheedmartin.com

Cơ quan Phòng thủ (chống) tên lửa (MDA) cũng tham gia vào việc triển khai và sử dụng các tổ hợp tên lửa phòng không Patriot biến thể PAC-3, có khả năng đánh chặn các tên lửa chiến dịch- chiến thuật.

Trong trang bị của Quân đội Mỹ có hơn 400-450 tổ hợp như vậy và chúng được triển khai tại nhiều căn cứ khác nhau.

Ngoài ra, các "Patriot” biến thể mới nhất cũng còn được trang bị cho quân đội một số nước khác, và không loại trừ khả năng Mỹ còn hợp tác với những nước này trong lĩnh vực phòng thủ chống tên lửa.

Trong tương lai gần

Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ đã công bố các kế hoạch trong những năm sắp tới. Hiện tại, sẽ tiếp tục hiện đại hóa và tăng số lượng các tổ hợp hiện có. Đồng thời, cùng sẽ tiếp tục thiết kế các mẫu các kiểu vũ khí khác nhau có tính năng tốt hơn để đưa vào trang bị.

Theo một văn kiện mang tên “Missile Defense Review 2019”, (Mỹ) dự định tăng số lượng tện lửa GBI trực chiến đang làm nhiệm vụ. Tổ hợp GBM bố trí tại Alaska trong mấy năm tới sẽ có thêm 20 bệ phóng mới cho các tên lửa đánh chặn GBI.

Cách đây không lâu, tổ hợp GBM đã được lên kế hoạch hiện đại hóa bằng cách sử dụng tên lửa đánh chặn động năng (RKV) mới, tuy nhiên, mới vừa đầu tháng 6 này lại có thông tin dã dự án trên đã bị đóng băng.

Giới lãnh đạo quân sự đang nghiên cứu các khả năng hiện có và tìm kiếm các “sản phẩm” khác thay thế EKV (Exoatmospheric Kill Vehicle ) và RKV.

Năm 2015, Mỹ đã thông qua một quyết định mang tính nguyên tắc về việc liên tục tăng cường sức mạnh cho thành tố hải quân trong hệ thống phòng thủ (chống) tên lửa chiến lược.

Trong ba thập kỷ tiếp theo, tức đến giữa những năm 40 ,Mỹ sẽ tăng số lượng tàu chiến được trang bị hệ thống Aegis BMD có khả năng trực chiến và đánh chặn tên lửa của đối phương. Trong các năm 2043-45, sẽ có khoảng từ 80 đến 100 tàu kiểu này trực chiến.

Cùng thời gian đó, tên lửa đánh chặn SM-3 sẽ được hiện đại hóa. Hiện nay Mỹ đang thiết kế “sản phẩm” SM-3 Block IIA. MDA đã lập kế hoạch đến cuối năm 2020 sẽ cho thử nghiệm kiểu tên lửa như vậy tấn công các mục tiêu là ICBM mô phỏng.

Công tác triển khai mẫu vũ khí trên dự kiến sẽ hoàn tất trong các năm 2022- 2023. Rất nhiều khả năng là trong tương lai xa - vào giữa những năm 40 – sẽ có các phiên bản khác của SM-3 hoặc thậm chí là kiểu vũ khí mới về nguyên tắc nhưng có chức năng tương tự được chế tạo.

Các tính năng quy chuẩn của các tổ hợp Aegis BMD và Aegis Ashore. Ảnh của MDA

Các kế hoạch về tổ hợp Aegis Ashore chủ yếu lại liên quan đến việc xây dựng các căn cứ (trận địa) mới và hiện đại hóa các trận địa hiện có. Cụ thể, vài tuần trước đây, Mỹ bắt đầu xây dựng cải tạo trận địa tại căn cứ Deveselu của Romania.

Những công việc này sẽ kéo dài khoảng vài tháng, và sau đó trận đia Aegis Ashore được nâng cấp sẽ trở lại hoạt động bình thường. Mỹ cũng dã triển khai xây dựng hai trận địa ở ngoại ô thành phố Akita và Hagi của Nhật Bản. Những hệ thống này sẽ được đưa vào trực chiến trong các năm 2023-25.

Cần phải thấy rằng việc hoàn thiện và hiện đại hóa các tổ hợp Aegis Ashor có liên quan trực tiếp đến việc phát triển phiên bản bố trí trên tàu của Aegis BMD.

Trong quá trình sửa chữa và cải tiến sắp tới, các tổ hợp mặt đất cũng sẽ được tăng cường những thiết bị và vũ khí như được chế tạo các hệ thống trên tàu.

Các kế hoạch phát triển các tổ hợp THAAD liên quan trực tiếp đến dự án THAAD-ER về việc chế tạo một kiểu tên lửa đánh chặn hoàn toàn mới. Dự án này đã được triển khai từ cuối năm ngoái (2018) và những kết quả đầu tiên sẽ có trong các năm 2022-23.

Tên lửa đánh chặn mới với những tính năng kỹ- chiến thuật ưu việt hơn sẽ đảm bảo đánh chặn hiệu quả tên lửa đạn đạo và các hệ thống tấn công siêu thanh (M>5) của đối phương.

Cùng thời gian đó, Mỹ cũng sẽ thực hiện kế hoạch triển khai các đại đội tên lửa mới tại các căn cứ khác nhau. Mỹ cũng đã rao bán tổ hợp THAAD trên thị trường vũ khí quốc tế và đã có các đơn đặt hàng đầu tiên. Năm 2017, một hợp đồng cung cấp 7 (cơ số) đại đội THAAD cho A rập- Saudi.

Từ năm 2013, đã tiến hành các cuộc đàm phán với Oman về cung cấp THAAD cho nước này. Không lâu sau đó (sau 2013), có thông tin là Nhật Bản và Đài Loan có thể cũng mua THAAD.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại (6/2019), hợp đồng với các nước Nhật Bản và Đài Loan vẫn chưa được ký kết, nhiều khả năng sẽ được ký trong tương lai gần.

Các kết quả hiện đại hóa

Cơ quan MDA đang lập kế hoạch hiện đại hóa liên tục và toàn diện tất cả các hệ thống phòng thủ chống tên lửa hiện có. Hệ thống phòng thủ chống tên lửa sẽ được tăng cường cả về lượng và cả về chất.

Ngoài ra, một số nước thứ ba hợp tác với Mỹ cũng có những đóng góp rất quan trọng trong việc phát triển hệ thống phòng thủ chống tên lửa- mà cụ thể nhất là cho phép Mỹ bố trí các căn cứ của mình hoặc mua các hệ thống (chống tên lửa) thành phẩm của Mỹ.

Nhưng cũng cần phài nói rằng trong các kế hoạch phòng thủ tên lửa hiện tại của Cơ quan phòng thủ chống tên lửa Mỹ không có các phương án tái cơ cấu một cách căn bản hệ thống phòng thủ chống tên lửa hiện có hoặc đưa vào trực chiến các mẫu vũ khí mới về nguyên tắc.

Kết cấu của cả hệ thống và các thành tố chính của nó về cơ bản sẽ không thay đổi. Mỹ sẽ chỉ đưa nhiều hơn các GBI, các tàu trang bị Aegis BMD vào trực chiến.

Phóng tên lửa THAAD. Ảnh: US Army

Kết quả thực hiện tất cả các kế hoạch hiện tại nói trên sẽ là- hệ thống phòng thủ chống tên lửa chiến lược của Mỹ sẽ có nhiều tổ hợp tên lửa hơn và các tính năng kỹ- chiến thuật của các tổ hợp sẽ hoàn thiện hơn.

Thêm nữa, ngoài các hệ thống của Mỹ, nước này sẽ mua bổ sung các mẫu mới đã được đưa vào trang bị cho quân đội các nước thứ ba. Theo tinh toán, cách làm như vậy sẽ tăng hiệu quả tác chiến chung của toàn hệ thống, và do đó, sẽ có tác động tích cực đến đảm bảo an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, cũng không nên đánh giá quá cao hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ- cả trong tình trạng hiện tại và cả sau khi đã được hiện đại hóa theo các kế hoạch nói trên.

Hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ vẫn có một số nhước điểm đặc trưng không cho phép Mỹ đạt được tất cả các kết quả mong muốn. Các chuyên gia Mỹ sẽ còn phải cố gắng nhiều trong lĩnh vực này để giải quyết một số các vấn đề cấp thiết.

Cụ thể như: hiện vẫn chưa giải quyết xong nhiệm vụ phát hiện kịp thời và bám các tên lửa đang phóng lên của kẻ thù tiềm năng. Mạng lưới các trạm đài radar và vệ tinh trinh sát hiện có có thể không đáp ứng các yêu cầu hiện đại.

Trong mấy năm trở lại đây, hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ còn buộc phải theo dõi không chỉ các “đối thủ tiềm năng truyền thống”, mà còn thêm cả một số quốc gia tại những khu vực khác nhau trên lục địa Á- Âu, - vì thế khả năng của cả hệ thống trinh sát chung cần phải được tăng cường.

Vẫn còn một số vấn đề với hiệu quả hoạt động tổng thể của hệ thống phòng thủ chống tên lửa. Theo tính toán, để tiêu diệt được một ICBM của đối phương, cần ít nhất hai quả tên lửa đánh chặn kiểu này hoặc kiểu khác.

Và nếu như vậy, toàn bộ cụm tên lửa đánh chặn hiện có của Mỹ chỉ có thể đanh chặn được một số lượng ICBM hoặc các khối tác chiến nhất định.

Chính vì vậy mà hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ vào thời điểm hiện tại chỉ có thể “xử lý” hiệu quả mối đe dọa tên lửa của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên hoặc Iran, - còn trong trường hợp có một cuộc tấn công tên lửa ồ ạt từ phía Trung Quốc hoặc Nga thì hệ thống này sẽ bị chọc thủng và hậu quả - thì ai cũng biết.

Rõ ràng là Cơ quan Phòng thủ chống Tên lửa Mỹ và Bộ Quốc phòng Mỹ biết quá rõ “thực tiễn” này và đang tiến hành các biện pháp cần thiết để giải quyết.

Tiếp tục xây dựng các cơ sở phòng thủ chống tên lửa mới và tiếp tục chế tạo các mẫu vũ khí tiên tiến mới.

Đã có các kế hoạch phát triển từng thành tố cấu thành của hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược Mỹ- những kế hoạch này được lập chi tiết cho vài thập kỷ tới và Mỹ hy vọng sau khi hiện thực hóa các kế hoạch đó sẽ đảm bảo chắc chắn an ninh cho mình trước các tên lửa đạn đạo của các nước thứ ba.

Vì thế, các đối thủ của Mỹ cũng phải tính đến điều này và phát triển hoàn thiện lực lượng tấn công chiến lược để không cho đối thủ chiếm ưu thế quyết định trong một cuộc xung đột giả định.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/nga-de-choc-thung-phong-thu-my-hau-qua-ai-cung-biet-3395524/