Nga đề xuất dùng tàu ngầm hạt nhân vận chuyển khí đốt từ Bắc Cực

Việc vận chuyển khí đốt từ Bắc Cực có nhiều khó khăn với nguy cơ các tàu va chạm với băng trôi. Các nhà khoa học Nga đã đưa ra một giải pháp khả thi.

Các tàu ngầm hạt nhân có thể mang khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các mỏ ngầm dưới nước ở Bắc Cực và vận chuyển nó đến các trung tâm năng lượng mà không cần nổi lên mặt nước, Giám đốc trung tâm nghiên cứu của Viện Kurchatov cho biết.

Việc các tàu chở dầu đụng chạm với các tảng băng trôi có thể gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

"Nếu chúng ta nói về các cơ sở sản xuất khí đốt dưới nước thì tại sao không xem xét ý tưởng vận chuyển chúng dưới nước", ông Mikhail Kovalchuk, tiến sĩ vật lý khoa học và toán học Nga, đề xuất ý tưởng trong Diễn đàn Bắc cực Quốc tế đang diễn ra tại St. Petersburg.

"Hãy tưởng tượng rằng chúng ta tạo ra tàu vận chuyển khí đốt dưới nước với khung thân tàu ngầm và động cơ hạt nhân", ông nói.

Tiến sĩ cũng cho biết những phương tiện như vậy có thể lấy khí trực tiếp tại các mỏ dưới nước và làm việc ở chế độ tàu con thoi để cung cấp đến tay người tiêu dùng.

Ngoài ra, ông Kovalchuk cũng cho rằng tàu ngầm có thể trở thành phương án vận chuyển khí đốt an toàn hơn so với các tàu chở dầu lớn. Tuy nhiên, nhà khoa học Nga thừa nhận rằng chưa thể xác định vấn đề tài chính cho các con tàu vận chuyển dưới nước.

Tàu ngầm hạt nhân Yury Dolgoruky thuộc lớp 955 Borei của Nga. Ảnh: Sputnik.

Tàu ngầm hạt nhân Yury Dolgoruky thuộc lớp 955 Borei của Nga. Ảnh: Sputnik.

Theo Elena Fedorova từ Đại học Dầu khí và Gas Gubkin của Nga, bằng sáng chế cho việc vận chuyển khí hóa lỏng dưới nước đã được đệ trình lên các cơ quan hữu quan và việc vận chuyển nó bằng tàu ngầm có vẻ như là giải pháp hợp lý.

"Tuy nhiên, giờ rất khó để nói rằng dự án như này có thể được thực hiện nhanh tới đâu, vì nó đòi hỏi các giải pháp kỹ thuật đột phá", cô Fedorova nói với RT.

Tàu ngầm có thể là giải pháp an toàn để vận chuyển khí đốt ở Bắc Cực vì chúng có thể di chuyển bên dưới lớp băng, do vậy giải quyết được vấn đề va chạm với băng trôi, cô giải thích.

Còn theo nhà phân tích Anton Pokatovoch, người đứng đầu công ty tư vấn Premier BKS, việc triển khai tàu ngầm sẽ tốn kém hơn so với các loại tàu chở dầu lớn đang được sử dụng,.

"Sức chứa của một siêu tàu chở dầu là khoảng 110.000 tấn khí tự nhiên hóa lỏng, trong khi ngay cả các con tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớn nhất từng được sản xuất ở Liên Xô và Nga chỉ có công suất tối đa 10.000 tấn. Nó thấp hơn 11 lần so với một chiếc tàu chở dầu", ông Pokatovoch nêu ra khuyết điểm của tàu ngầm hạt nhân.

Để đưa các tàu ngầm hạt nhân vận chuyển khí đốt đi vào hoạt động sẽ đòi hỏi phải phát triển hàng loạt công nghệ mới trong việc "xây dựng cơ sở hạ tầng, nạp, dỡ nhiên liệu và nhiều yếu tố khác".

Do đó, với cùng lượng khí đốt, quá trình vận chuyển bằng tàu ngầm sẽ tốn kém hơn nhiều lần so với việc phá băng và sử dụng tàu chở dầu, Pokatovoch giải thích.

Hà Lan

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nga-de-xuat-dung-tau-ngam-hat-nhan-van-chuyen-khi-dot-tu-bac-cuc-post935015.html