Nga định ngừng cấp RD-180, NASA nhắc mối thâm tình

NASA nhắc lại sự gắn kết giữa Nga và Mỹ trong lĩnh vực nghiên cứu không gian để phản hồi việc Nga có thể ngừng bán RD-180.

Mới đây, đài C-SPAN đã phỏng vấn Giám đốc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) Jim Brydenstain và đề cập đến việc Nga có thể đáp trả trừng phạt mới của Mỹ liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái.

Giám đốc NASA Jim Brydenstain.

Khi đặt câu hỏi về việc Nga có thể lựa chọn ngừng cấp động cơ RD-180 cho Mỹ, ông Jim Brydenstain nói rằng: "Mỹ đang làm việc rất siêng năng để loại bỏ dần sự phụ thuộc vào động cơ của Nga. Chúng ta có muốn bị phụ thuộc không? Không! Nhưng chúng ta muốn hợp tác chứ? Chắc chắn là có!".

"Ngay cả khi chúng tôi có thể có được một vụ phóng tên lửa với các tên lửa hoàn toàn của Mỹ, từ đất Mỹ, với các phi hành gia Mỹ, chúng tôi cũng muốn duy trì mối quan hệ với Nga. Thậm chí, có thể để phi hành đoàn của họ phóng tên lửa của chúng tôi và phi hành đoàn của chúng tôi sẽ phóng tên lửa của họ. Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) thực sự là của quốc tế và nó cần phải hoạt động theo cách đó" - Giám đốc NASA trả lời.

Tại cuộc phỏng vấn, ông Brydenstain nhấn mạnh rằng, ông cũng có mặt khi Tổng thống Trump ký các biện pháp trừng phạt Nga, nhưng đó là việc của chính quyền Mỹ. Còn lại cơ quan mà ông đang quản lý, ông cố gắng duy trì các mối quan hệ hợp tác với Nga.

Ông Jim Brydenstain né tránh đối đầu với ý tưởng đáp trả trừng phạt của Mỹ bằng cách ngừng cấp động cơ RD-180.

"Tôi cũng muốn nói rõ thêm, NASA là cơ quan duy nhất còn lại của Chính phủ liên bang đang có sự gắn kết với Nga trong khi mối quan hệ giữa hai nước đang dần lỏng lẻo. NASA dường như là cơ quan duy nhất có thể duy trì mối quan hệ đó. Chúng tôi có các phi hành gia Mỹ trên trạm vũ trụ quốc tế. Họ đến đó bằng cách bay trên một tên lửa Nga. Đó là mối quan hệ tuyệt vời. Đó cũng là lịch sử.

Chúng tôi muốn nhắc lại là chúng tôi muốn hợp tác về các vấn đề không gian. Đây là thứ quyền lực mềm tuyệt vời của nước Mỹ. Khi các kênh truyền thông liên tiếp loan đi quan hệ của hai nước bị phá vỡ thế nào, hai nước vẫn có thể đối thoại để khám phá không gian và khoa học. Tôi nghĩ đó là một khả năng tuyệt vời mà NASA cần phải bảo tồn" - ông Brydenstain nhận định.

Bất chấp việc Nga đưa ra các biện pháp đáp trả lại Mỹ trong lĩnh vực không gian, ông Brydenstain nhấn mạnh: "Chúng tôi đang nghiên cứu cách chúng tôi duy trì mối quan hệ này với những hạn chế (các lệnh trừng phạt) đó. Tôi rất tự tin rằng chúng tôi sẽ có thể làm việc đó".

Giám đốc NASA đồng thời tiết lộ sắp có cuộc gặp gỡ với người đứng đầu Roskosmos - ông Dmitry Rogozin. Ông Dmitry Rogozin đã bị liệt vào danh sách đen trừng phạt của Mỹ trước đó.

Trước đó, khi được hỏi về các ý tưởng ngừng cấp RD-180 sang Mỹ, đại diện NASA từ chối câu trả lời.

Cơ quan này đã viện dẫn các điều khoản trong hợp đồng để đề cập đến khả năng bị Nga đáp trả trừng phạt.

"Các công ty đảm bảo những vụ phóng vệ tinh và thiết bị công cụ khoa học dành cho NASA cũng như chuyển tải hàng lên Trạm Không gian Quốc tế đều hoạt động trên cơ sở thương mại. Nếu một vài chi tiết do nguyên nhân nào đó gây cản trở, các công ty vẫn phải thực hiện những bước đi cần thiết để hoàn thành trách nhiệm theo hợp đồng" - NASA tuyên bố.

Ý tưởng về việc đáp trả đòn trừng phạt của Mỹ bằng cách ngừng cung cấp RD-180 là của Thượng nghị sĩ Nga Sergei Ryabukhi - người đứng đầu Ủy ban Ngân sách của Hội đồng Liên bang Nga.

Ông Ryabukhi đã nhắc tới việc ngừng cấp cho Mỹ các động cơ tên lửa đời cũ của Nga là RD-180 là một trong những biện pháp đáp trả cứng rắn nhất đối với các động thái gây hấn của Washington.

Nga chỉ dùng được RD-180 để dọa Mỹ?

Cho đến nay, nhiều nghị sĩ, quan chức Nga đã đề cập tới việc có thể ngừng các hợp đồng cung cấp động cơ RD-180 cho Mỹ để đáp trả trừng phạt từ Washington. Tuy nhiên, việc này chưa khi nào được chính quyền Nga đề cập tới.

Hồi tháng 6, Nga đã thông qua một đạo luật nhằm đáp trả lại những "hành động không thân thiện" của nước ngoài. Trong đó nhấn mạnh, các biện pháp phải không gây thiệt hại cho nền kinh tế và các đối tác muốn kinh doanh trên lãnh thổ Nga.

Mỹ sẽ nếm đòn đau

Tờ The Hill dẫn lời các chuyên gia phân tích cho rằng, nếu Washington tiếp tục tung cú sút mới với Nga, chính các lệnh trừng phạt đó sẽ giáng vào nền kinh tế Mỹ.

"Nếu dự luật được thông qua, nó sẽ "đóng một cái nêm" chèn giữa Mỹ và châu Âu. Chúng khiến cả hai vô cùng khó khăn để đạt đến đồng thuận về trừng phạt, gây bất ổn thị trường năng lượng và tài chính. Các công ty Mỹ sẽ bị buộc phải rời khỏi Nga và để thị trường màu mỡ này lại cho các đối thủ của Mỹ từ Trung Quốc và châu Âu" - báo Mỹ phân tích.

Theo ý kiến của tác giả bài viết, nền kinh tế Mỹ sẽ bị chịu tổn hại nghiêm trọng hơn, đặc biệt bởi tác động tiếp nối từ những biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt chống Nga mấy năm qua.

"Trừng phạt sẽ cấp cho các công ty năng lượng Nga quyền kiểm soát lớn hơn với các dự án và nhận hỗ trợ từ đòn bẩy chính trị nhiều hơn" - chuyên gia giải thích.

Hôm 8/8, Washington tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống Nga, nhằm vào các thiết bị điện tử, hàng công nghệ và các bộ phận hai công dụng... Một số hạn chế khác, bao gồm cả việc cấm hãng hàng không quốc gia Nga Aeroflot bay tới Mỹ. Khả năng này có thể sẽ chỉ “nằm trên giấy” trong trường hợp Washington xác nhận rằng, Nga “không còn sử dụng vũ khí hóa học hoặc sinh học”.

Clip NASA phóng tên lửa Atlas V sử dụng động cơ RD-180

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-dinh-ngung-cap-rd-180-nasa-nhac-moi-tham-tinh-3363603/