Nga đóng băng vấn đề Crimea với Mỹ

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nhấn mạnh Moscow sẽ không thảo luận với Washington về vấn đề Crimea vì đây là một vấn đề đã khép lại.

Nga mệt mỏi vì Mỹ

Tại diễn đàn quốc tế "Đối thoại Fort Ross" ngày 30/11, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nhấn mạnh Moscow sẽ không thảo luận với Washington về vấn đề Crimea vì đây là một vấn đề đã khép lại.

Ông Ryabkov cho rằng Nga và Mỹ nên tích cực hơn nữa trong việc cải thiện quan hệ song phương, nhưng khẳng định "về vấn đề Crimea, không có gì phải bàn ở đây... Đây không phải là một vấn đề, mọi chuyện đã được giải quyết từ lâu".

Thứ trưởng Ngoại giao Nga cho biết Moscow không sẵn sàng trả đũa qua lại các biện pháp trừng phạt với Mỹ về một vấn đề không rõ ràng.

Ông cũng lưu ý: "Nếu Mỹ muốn tăng cường (các biện pháp trừng phạt) thì hãy làm. Nhưng đến một lúc nào đó, chính sách này sẽ trở nên không hiệu quả... Nó sẽ cho thấy rằng điều này là vô ích".

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov

Phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Nga được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh tiếp tục duy trì trừng phạt và sức ép đối với Nga liên quan vấn đề Crimea. Giới phân tích cho rằng, dù đã sáp nhập bán đảo này nhiều năm, song Nga tiếp tục phải “trả giá” trên cả 3 lĩnh vực: kinh tế, chính trị và uy tín.

Theo nghiên cứu được Bloomberg đăng tải, trong năm 2018, kinh tế của Nga đã bị mất đến 10 điểm phần trăm so với mức được dự báo vào cuối năm 2013. Trong đó, có đến 6 điểm bị mất là do các lệnh trừng phạt của phương Tây, phần còn lại là do giá dầu trên thế giới sụt giảm.

Phương Tây vẫn chỉ trích quyết định sáp nhập bán đảo Crimea, cáo buộc Nga làm thay đổi bản đồ thế giới được thiết lập từ sau Thế chiến II.

Bên cạnh các biện pháp trừng phạt, Mỹ duy trì các động thái quân sự xung quanh Crimea. Sau khi Ukraine được cho là chấm dứt các chuyến bay của máy bay không người lái (UAV) gần Crimea từ đầu năm 2020, Mỹ đã “tiếp quản” hoạt động này bằn máy bay do thám "Global Hawk".

Theo một số nguồn tin, Mỹ chia sẻ một số thông tin tình báo với quân đội Ukraine và dường như cố gắng buộc Nga kích hoạt hệ thống phòng không ở Crimea.

Mỹ muốn dùng UAV và B-52 để kiểm tra năng lực phòng không của Nga ở Crimea?

Bên cạnh đó, Mỹ cũng điều máy bay ném bom chiến lược B-52 tiến sát đến vùng trời bán đảo Crimea. Hồi tháng 9 vừa qua, các oanh tạc cơ của Mỹ cất cánh từ căn cứ Fairford ở Anh, sau đó bay qua Hà Lan, Đức và Ba Lan, tiến vào không phận Ukraine và hướng đến Crimea. Từ không phận Ukraine, các máy bay B-52H đã tiếp cận vùng trời bán đảo Crimea ở khoảng cách 53 km.

Trên thực tế, bất chấp sức ép từ Mỹ và các đồng minh, Nga đã nhiều lần tuyên bố không thảo luận về vấn đề chủ quyền của Crimea.

Người phát ngôn Điện Kremlin từng phát biểu trên kênh RT rằng: "Đối với câu hỏi về Crimea trong bất kỳ định dạng nào, cho dù là Normandy hay một số định dạng khác đều không thể chấp nhận. Vấn đề này đã được khép lại đúng lúc. Sẽ không có bất kỳ cuộc thảo luận nào ở tất cả các định dạng đề cập đến vấn đề chủ quyền Crimea".

Con bài trong tay Mỹ?

Bán đảo Crimea trở lại thành phần Liên bang Nga ngày 18/3/2014 sau kết quả cuộc trưng cầu dân ý, trong đó 96% người dân bán đảo này ủng hộ việc sáp nhập vào LB Nga.

Hồi tháng 9 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã kể lại cuộc gặp với cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sau cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea năm 2014, trong đó nhà ngoại giao Mỹ gần như thừa nhận sự việc đã rồi.

Ông Lavrov kể: “Ông John Kerry nói với tôi: ‘Sergei, tất cả chúng tôi hiểu rằng Crimea là của các ngài, chúng tôi hiểu người dân Crimea muốn trở lại với các ngài, nhưng các ngài đã tổ chức cuộc trưng cầu dân ý quá nhanh nên nó không phù hợp với tiêu chuẩn của loại sự kiện này”.

Người dân Crimea ăn mừng sau cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga hồi đầu năm 2014

Theo Ngoại trưởng Nga, ông Kerry đề nghị ông yêu cầu Tổng thống Vladimir Putin tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác và thông báo trước, cũng như mời các quan sát viên quốc tế. Đồng thời, ông Kerry lưu ý rằng kết quả cuộc trưng cầu dân ý sẽ không thay đổi, tuy nhiên "tính chính đáng" sẽ được tuân thủ.

Đáp lại, Ngoại trưởng Nga đã nói: “Tôi nói với ông ấy: “John, nếu ngài hiểu rằng đó là sự thể hiện ý chí của người dân, thì tại sao còn tổ chức những màn kịch như thế?”.

Trên thực tế, phía Mỹ dường như chấp nhận vụ Crimea như một sự việc đã rồi. Tuy nhiên, Washington coi đây là con bài quan trọng làm đòn bẩy trong quan hệ với Nga và với cả Ukraine. Với những hứa hẹn và động thái kinh tế, quân sự của Mỹ, Ukraine không ít lần tỏ rõ quyết tâm “lấy lại” Crimea.

Hồi tháng 9, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, ông Oleksandr Turchynov đã kêu gọi Tổng thống Volodymyr Zelenskiy phát động một cuộc tấn công nhằm vào bán đảo Crimea.

Phát biểu tại một buổi họp báo, ông Turchynov nêu rõ: “Tổng thống Zelenskiy hiện có các công cụ, kể cả quân đội. Tiến lên! Sao họ không làm điều đó?”.

Khi được một phóng viên hỏi về việc lực lượng Ukraine ở bán đảo Crimea án binh bất động hồi năm 2014, thời điểm mà ông Turchynov đang giữ cương vị Tổng thống tạm quyền của Ukraine, ông Turchynov cho rằng lỗi thuộc về “các chính khách” đã giải giáp quân đội Ukraine và hủy hoại nền quốc phòng của Ukraine khiến nước này mất đất.

Hai binh sĩ Nga đứng gác bên ngoài một căn cứ quân sự của Ukraine ở Crimea hồi đầu năm 2014

Trong khi đó, truyền thông Ukraine cũng dẫn tuyên bố của Tổng thống Zelenskiy rằng cần có một cuộc thảo luận chính trị về vấn đề lấy lại Crimea. Theo Tổng thống Zelenskiy, để thực hiện mục tiêu vừa đề cập, Ukraine cần tạo ra một sân chơi quốc tế, vì “Định dạng Normandy” không muốn đề cập đến vấn đề này. Trước những động thái từ Kiev, Thủ tướng Cộng hòa Crimea, ông Sergei Aksyonov đã gọi ý định trên là “hoang tưởng”.

Trước đó, trong cuộc diễu binh của hạm đội Ukraine ở Odessa ngày 5/7, Tổng thống Ukraine Zelenskiy tuyên bố Kiev sẽ không bao giờ tha thứ cho những kẻ đã “tước đoạt” bán đảo Crimea của Ukraine.

Ông Zelenskiy nói: “Chúng tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho những kẻ lấy Crimea của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho những kẻ không cho phép các thủy thủ Ukraine ngăn chặn điều này”.

Tổng thống Ukraine không nêu tên cụ thể song giới phân tích cho rằng ông ám chỉ đến những người dân Crimea đã đồng loạt bao vây các căn cứ quân sự của Ukraine trên bán đảo này sau cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga.

Về mặt lịch sử, trong thời Liên Xô trước đây, Crimea là của Nga nhưng sau đó lại được Moscow đưa vào thành phần Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Ukraine (Ukraine ngày nay). Sau khi Liên Xô sụp đổ, Bán đảo Crimea thuộc về Ukraine.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-dong-bang-van-de-crimea-voi-my-3423532/