Nga động binh, Mỹ - EU đứng nhìn

Sự mạnh mẽ của Nga đang khiến các bên liên quan lúng túng, mọi phản ứng mới chỉ dừng lại ở những tuyên bố. Tuy nhiên, nỗi lo về một cuộc xung đột quân sự vẫn hiện hữu.

Hai bạn trẻ tò mò quan sát những người lính không rõ phù hiệu ở Sevastopol, Ukraine

Mỹ vẫn cần Nga

Thực sự, Mỹ có muốn và có khả năng đối đầu với Nga không? Vấn đề là, Ukraine có đáng để Mỹ đối đầu không? Quyền lợi của Mỹ ở Ukraine là có, nhưng không phải quyền lợi sát sườn. Trong khi đó, Mỹ rất cần Nga, đó là mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau. Các vấn đề ở Triều Tiên, Iran, Syria, Afghanistan, Mỹ đều cần đến Nga để thực hiện các kế hoạch của mình. Mục tiêu của Mỹ bây giờ là châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ đã bỏ qua cuộc không kích Syria để tránh sa lầy, hy vọng toàn tâm toàn ý chuyển từ Trung Đông sang Thái Bình Dương. Mỹ không hề muốn hành trình của cuộc chuyển trục này phải lạc vào một Ukraine nhỏ bé ở Đông Âu, nơi đã có rất nhiều đồng minh của mình ở đó.

Hiện có khoảng 10.000 người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống ở Ukraine, chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn: Kharkov, Kiev và Odessa. Hôm qua (4/3), Vietnamplus dẫn lời ông Trần Đức Tựa - Chủ tịch Hội người Việt Nam ở Kharkov, một trong những điểm nóng tại Ukraine cho biết, ở đây có khoảng 6.000 người Việt. Họ vẫn an toàn, chưa có bất kỳ ai gặp nguy hiểm do căng thẳng chính trị. Tuy nhiên, việc buôn bán của bà con tại chợ Barabansova, nơi có đông đảo người Việt kinh doanh nhất ở Kharkov, cũng bị ảnh hưởng do người dân địa phương đi biểu tình.

Còn các quốc gia châu Âu thân Mỹ, những thế lực đã hứa hẹn đủ điều với chính phủ lâm thời Ukraine, ngoài sự phản đối qua kênh ngoại giao và Liên hợp quốc, chưa quốc gia nào gửi quân ủng hộ hay hứa hẹn viện trợ chính phủ mới. Điều đơn giản, với EU, 28% khí đốt là nhập khẩu từ Nga, riêng ở Đức là 40%, từ đó cho thấy, EU không thể tách rời lợi ích của mình khỏi Nga. Mặt khác, họ đang chờ đợi động thái của người “anh cả Mỹ”. Nhớ lại chuyện cũ, ở Syria, khi quân Anh, Pháp, Arab Saudi, Israel… đã sẵn sàng, tàu ngầm mang tên lửa đã đến bờ biển Syria, nhưng chỉ vì Mỹ chưa “khai mạc” nên chẳng ai dám động binh.

Hôm qua (4/3), hãng tin Dogan đưa tin 2 tàu chiến của Nga - tàu đổ bộ “Saratov” 150 và tàu tấn công “Yamal” 156- đã đi qua eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ và đang trên đường tới Biển Đen sau khi Nga lệnh cho 2 tàu này trở về do cuộc khủng hoảng giữa Kiev và Moscow.

Phản ứng của Trung Quốc

Những cuộc biểu tình nhằm lật đổ chính quyền thân Nga ở Ukraine đều có bàn tay của Mỹ và châu Âu đứng sau, đều có tiền của hai chủ thể này. Nhưng khi Nga làm căng, đối đầu với Nga tại Đông Âu thì có khi “lợi bất cập hại”, lại làm xao nhãng những mặt trận khác và chỉ khiến tình cảm Nga - Trung Quốc càng khăng khít tại Thái Bình Dương.

Và dấu hiệu đó đã nhìn thấy qua nhận định của ông Tần Cương - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi đề cập tới việc lãnh đạo một số nước phương Tây cho rằng, cách làm của Nga trong vấn đề Ukraine vi phạm luật pháp quốc tế: “Trung Quốc am hiểu tường tận lịch sử và tính phức tạp hiện nay của vấn đề Ukraine. Tình hình Ukraine đi đến nước này là có nguyên nhân của nó. Trung Quốc mong các bên liên quan có thể giải quyết bất đồng thông qua đối thoại hiệp thương chính trị, không để tình hình tiếp tục leo thang, cùng gìn giữ hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đều bày tỏ quan điểm đồng thuận trong cách giải quyết tình hình khủng hoảng Ukraine.

Tình hình đang căng như dây đàn

Đối với chính phủ hiện nay ở Ukraine, là “chính phủ của những kẻ nổi dậy” không được Nga công nhận, phải “đưa vấn đề vào luồng chính trị trong các khuôn khổ hiến pháp”, quay về với thỏa thuận ký ngày 21/2 và thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc, chấm dứt mưu toan nói chuyện bằng vũ lực với các đối thủ kể cả sắc tộc lẫn chính trị. Họ phải tự mình tách khỏi những phần tử cực đoan, thay vì cho phép họ cưỡi cổ trên lãnh thổ Ukraine, vì đó là những động thái có thể dẫn đến các diễn biến rất nghiêm trọng mà Nga đang cố gắng ngăn chặn.

Đối với phương Tây, đã tới lúc họ nên chấm dứt sự “xâm lược gián tiếp” đối với Nga, như cách diễn đạt của nhiều nhà quan sát. Sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych từ chối ký thỏa thuận liên kết với EU, những cơ chế bạo lực đã được vận dụng để lật đổ chính quyền hợp pháp, để bứt Ukraine khỏi Nga. Nga đã nhiều lần đề nghị phương Tây ngừng làm như vậy để tiến hành thương lượng. Câu trả lời của phương Tây là tiếp tục gây hấn, cho đến khi tồn tại một vạch đỏ giới hạn như hiện nay và Nga sẽ không cho phép bất cứ ai vượt qua giới hạn đó.

Tình hình đang căng như dây đàn. Nhưng đỉnh điểm của nó có thể là các bên liên quan: Nga, Mỹ, EU, Ukraine sẽ phải ngồi vào bàn thương lượng và đàm phán lối thoát cho cuộc khủng hoảng. Trong đó, các cam kết và thỏa thuận được thông qua phải đảm bảo lợi ích của Nga và các dân tộc Nga ở Ukraine.

Nguyên Phong

Nguồn Giao Thông: http://giaothongvantai.com.vn/the-gioi/ho-so-tu-lieu/201403/bat-on-o-ukraine-nga-dong-binh-my-eu-dung-nhin-458090/