Nga dừng dùng giả dược trong thử nghiệm đối với vắcxin Sputnik V

Viện nghiên cứu Gamaleya cho biết các tình nguyện viên tham gia các cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối quy mô lớn đối với vắcxin Sputnik V sẽ không còn tiếp nhận các giả dược.

Tiêm vắcxin ngừa COVID-19 tại Moskva, Nga, ngày 5/12/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tiêm vắcxin ngừa COVID-19 tại Moskva, Nga, ngày 5/12/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 23/12, Viện nghiên cứu Gamaleya tại thủ đô Moskva, đơn vị phát triển vắcxin đầu tiên phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Nga, thông báo các tình nguyện viên tham gia các cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối quy mô lớn đối với vắcxin Sputnik V sẽ không còn tiếp nhận các giả dược.

Hãng thông tấn RIA dẫn phát biểu của ông Alexander Ginsburg, Giám đốc viện nghiên cứu Gamaleya, cho biết Bộ Y tế Nga đã cho phép dừng việc tiêm giả dược cho những tình nguyện mới tham gia cuộc thử nghiệm giai đoạn 3.

Ông nêu rõ: "Mọi thứ đã được chứng minh và đại dịch vẫn đang diễn ra, vì vậy sử dụng giả dược hoàn toàn không tốt."

Ông Ginsburg cũng cho biết muốn xác định những người đã được tiêm 1 loại giả dược và đề nghị họ tiêm phòng, song "vẫn chưa rõ liệu cơ quan quản lý có cho phép điều này hay không."

Hồi tháng 8, Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép cho vắcxin phòng COVID-19 dù chưa hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3.

Trong tháng 12 này, Nga đã triển khai tiêm vắcxin Sputnik V cho các bác sỹ và những nhân viên y tế ở tuyến đầu, với hơn 200.000 người đã được chủng ngừa.

Các dữ liệu thử nghiệm sơ bộ được công bố vào tuần trước cho thấy vắcxin Sputnik V, được nhà chức trách cấp phép sử dụng hồi tháng 8 năm nay, đạt hiệu quả phòng ngừa lên tới 91,4%.

Thử nghiệm giai đoạn 3 đối với loại vắcxin này diễn ra tại 29 bệnh viện tại thủ đô Mosvka và có 40.000 người tình nguyện tham gia, với 1/4 số người này được tiêm giả dược.

Kết quả cho thấy khả năng mắc COVID-19 ở những người được tiêm vắcxin Sputnik V giảm 92% so với những người được tiêm giả dược.

Trong khi đó, tại Nhật Bản, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Xã hội đang khẩn trương chuẩn bị những bước đi cần thiết để triển khai tiêm chủng vắcxin phòng COVID-19 vào đầu năm 2021.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Bộ trên đã xây dựng dự thảo danh sách các bệnh lý nền được ưu tiên tiêm vắcxin ngừa COVID-19, gồm các bệnh về tim mạch, thận, hệ thống hô hấp, suy giảm hệ thống miễn dịch như ung thư.

Bệnh ngưng thở trong lúc ngủ phải đáp ứng điều kiện đang trong quá trình theo dõi, điều trị tại bệnh viện, trong khi bệnh béo phì phải đảm bảo chỉ số béo phì BMI trên 30.

Cũng theo Bộ trên, có khoảng 8,2 triệu người trưởng thành thuộc diện được ưu tiên tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19.

Lộ trình tiêm chủng dự kiến sẽ bắt đầu từ cuối tháng 2/2021 với đối tượng đầu tiên là các y bác sỹ; từ cuối tháng Ba sẽ bắt đầu tiêm chủng cho nhóm người già trên 65 tuổi có nguy cơ biến chứng nặng; sau đó sẽ bắt đầu triển khai tiêm chủng cho những trường hợp được ưu tiên theo bệnh lý nền.

Danh sách bệnh lý nền thuộc diện ưu tiên và lộ trình tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 sẽ được Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Xã hội Nhật Bản đưa ra thảo luận tại hội nghị chuyên gia ngày 25/12. Sau đó, Chính phủ Nhật Bản đưa ra quyết định chính thức.

Trong tháng này, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua Luật tiêm chủng sửa đổi với các quy định nhằm đẩy nhanh công tác tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 trên diện rộng. Toàn bộ kinh phí tiêm chủng sẽ do Chính phủ Nhật Bản chi trả.

Chính phủ nước này cũng hỗ trợ khoản tiền bồi thường thiệt hại mà doanh nghiệp phải chi trả cho người bệnh trong trường hợp xảy ra biến chứng sau tiêm chủng.

Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng quyết định trích hơn 670 tỷ yen (6,3 tỷ USD) trong ngân sách dự phòng tài khóa 2020 để mua vắcxin ngừa COVID-19 từ các công ty dược phẩm nước ngoài./.

Phương Oanh-Đức Thịnh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nga-dung-dung-gia-duoc-trong-thu-nghiem-doi-voi-vacxin-sputnik-v/685949.vnp