Nga dùng S-400 thách thức Mỹ, dội gáo nước lạnh vào Trung Quốc

Ấn Độ hôm qua (5/10) đã ký một thỏa thuận với Nga để mua các hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 bất chấp mọi lời cảnh báo của Mỹ và cả sự lo ngại của Trung Quốc. Cả Ấn Độ và Nga đều xác nhận thông tin về việc một hợp đồng S-400 đã chính thức được ký kết.

 Hệ thống S-400

Hệ thống S-400

Mặc dù buổi lễ ký kết không được công khai nhưng hợp đồng thực sự đã được ký kết trong chuyến thăm đang diễn ra của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến New Delhi nhằm tham dự hội nghị thượng đỉnh hàng năm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

"Hợp đồng đã được ký kết bên lề hội nghị thượng đỉnh”, phát ngôn viên điện Kremlin – ông Dmitry Peskov cho biết. Hợp đồng được ước tính có giá trị lên tới hơn 5 tỉ USD và giúp trang bị cho quân đội Ấn Độ năng lực có thể bắn hạ các máy bay và tên lửa ở tầm bắn chưa từng có.

"Hai bên đều hoan nghênh việc ký hợp đồng cung cấp các hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-400 cho Ấn Độ", Nga và Ấn Độ đã cho biết như vậy trong một tuyên bố chung được phát đi sau các cuộc hội đàm.

New Delhi và Moscow còn ký kết 8 thỏa thuận khác trong các lĩnh vực vũ trụ, năng lược hạt nhân và đường sắt.

Động thái trên diễn ra ngay sau khi giới chức Mỹ sôi sục cảnh báo việc Ấn Độ có kế hoạch mua các hệ thống phòng không tối tân S-400 của Nga có thể sẽ dẫn tới việc cường quốc Châu Á phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt từ Washington theo Điều 231 của Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA). Được Tổng thống Donald Trump ký thành luật vào tháng 8 năm ngoái, CAATSA áp dụng một loạt các biện pháp trừng phạt khác nhau nhằm vào Nga, Iran và Triều Tiên. Đạo luật này cho cho phép Mỹ trừng phạt các nước thứ ba có hợp tác với ngành tình báo và quốc phòng Nga.

Tuy nhiên, một dự luật quốc phòng mới cho phép Tổng thống Trump có quyền miễn các biện pháp trừng phạt cho một nước nào đó vì lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Và Ấn Độ đang hy vọng họ sẽ thoát khỏi các biện pháp trừng phạt theo CAATSA của Mỹ.

Mỹ đặc biệt lo ngại viễn cảnh Ấn Độ mua các hệ thống phòng không tối tân S-400 của Nga sau khi đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ của họ đã ký một hợp đồng tương tự. Gần đây, Washington “đứng ngồi không yên” khi hàng loạt các đối tác và đồng minh của họ đều tìm cách mua được các tên lửa cực mạnh S-400 của Nga.

Tháng trước, Mỹ từng áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào quân đội Trung Quốc vì việc nước này mua các chiến đấu cơ cũng như hệ thống S-400 của Nga.

Khác với Trung Quốc, Ấn Độ vẫn hy vọng chính quyền của Tổng thống Trump sẽ áp dụng quyền miễn các biện pháp trừng phạt đối với họ bởi quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ đang phát triển tốt đẹp. Hơn nữa, Washington muốn bắt tay với New Delhi để làm đối trọng với Trung Quốc.

Ngoài Mỹ, một nước khác cũng đặc biệt lo ngại về thông tin New Delhi ký được hợp đồng mua S-400 của Nga. Việc Nga bán loại tên lửa có sức mạnh khủng khiếp như vậy cho Ấn Độ chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc không chỉ có cảm giác lo ngại, bất an mà còn tức giận. Quan hệ giữa Trung Quốc và nước láng giềng Ấn Độ không mấy êm đẹp. Giữa hai nước có cuộc tranh chấp lãnh thổ nóng bỏng ở khu vực biên giới. Ngoài ra, còn tồn tại một cuộc đua ngầm rất mạnh giữa hai nước lớn của Châu Á nhằm tranh giành ảnh hưởng về vị thế trong khu vực cũng như quốc tế. Trong những năm qua, New Delhi nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự của họ là nhằm để đối phó với hai nước láng giềng Trung Quốc và Pakistan.

S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn. S-400 được phát triển và cải tiến từ hệ thống tên lửa phòng không S-200 và S-300. NATO gọi S-400 của Nga bằng cái tên SA-21 Growler.

S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.

Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng.

Kiệt Linh (tổng hợp)

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/quoc-te/201810/nga-dung-s-400-thach-thuc-my-doi-gao-nuoc-lanh-vao-trung-quoc-616000/