Nga dùng tên lửa phòng không S-300 để tấn công mục tiêu mặt đất của Ukraine?

Tỉnh trưởng Mikolaivcủa Ukraine nói rằng quân đội Nga đã phóng 12 tên lửa phòng không S-300 gắn định vị vệ tinh vào mục tiêu mặt đất ở tỉnh này. Hiện Moscow chưa bình luận về thông tin trên.

"Quân đội Nga đang sử dụng tên lửa phòng không tầm xa S-300 để tập kích mục tiêu mặt đất. Họ đã phóng 12 quả đạn vào tỉnh Mikolaiv, chúng có độ chính xác thấp dù được lắp thiết bị định vị vệ tinh", Vitaly Kim, tỉnh trưởng tỉnh Mykolaiv ở miền nam Ukraine, cho biết trên ứng dụng nhắn tin Telegram hôm 8/7.

Hiện cả Bộ Quốc phòng Nga và quân đội Ukraine chưa bình luận về thông tin này.

Nga và Ukraine đang sử dụng nhiều phiên bản của hệ thống phòng không tầm xa S-300 trong chiến sự, bao gồm các biến thể thuộc dòng S-300P đặt trên khung gầm bánh lốp và lá chắn tên lửa đạn đạo S-300V trên khung gầm bánh xích.

Năng lực tấn công mục tiêu mặt đất của hệ thống phòng không S-300 ít được phương Tây đề cập, nhưng đã được truyền thông Belarus tiết lộ từ nhiều năm trước.

"Các nhà phát triển đã tích hợp khả năng tấn công mục tiêu cố định trên mặt đất vào thiết kế tên lửa S-300 được biên chế từ năm 1979, cũng như những biến thể sau này. Hệ thống S-300 Belarus lần đầu diệt mục tiêu mặt đất từ khoảng cách hàng chục km trong đợt diễn tập năm 2011", trang tin Naviny cho hay.

Hệ thống dẫn đường quán tính và cập nhật tham số mục tiêu qua đường truyền vô tuyến cho phép hệ thống S-300 tấn công mục tiêu cỡ lớn trên mặt đất.

Các quả đạn S-300 cũng rất khó đánh chặn vì tốc độ cao và đường bay tương tự tên lửa đạn đạo.

Chưa rõ lý do Nga sử dụng tên lửa phòng không S-300 để tấn công mục tiêu mặt đất tại Ukraine.

Giới chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng đây là dấu hiệu kho tên lửa dẫn đường chính xác của Nga đang cạn kiệt, trong bối cảnh Moscow đã sử dụng hơn 1.500 quả đạn các loại sau 4 tháng giao tranh và bị cắt nguồn cung nhiều thiết bị bán dẫn quan trọng.

Không loại trừ khả năng số tên lửa tấn công mặt đất của Nga đang cạn dần, vì thế Moscow có thể tận dụng thêm các loại tên lửa khác cho nhiệm vụ tấn công mặt đất.

Tuy nhiên, cũng có khả năng hệ thống S-300 được triển khai dựa trên lý do thực tế, như mục tiêu nằm ngoài tầm bắn của pháo binh nhưng lại trong tầm tập kích của khẩu đội phòng không.

"Sử dụng S-300 để tấn công mục tiêu như vậy là điều hợp lý, thay vì huy động đòn đánh bằng tên lửa hành trình đắt tiền. Tên lửa hành trình sẽ phải bay xa và lâu hơn, trong khi tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander thường được dành cho mục tiêu trọng yếu", cây bút Thomas Newdick của Drive nhận xét.

"Nga đã loại biên nhiều đơn vị S-300 để thay bằng tổ hợp S-400 và có kho dự trữ đạn khổng lồ, phù hợp để tiêu diệt mục tiêu cố định trên mặt đất, thay vì dùng cho các tình huống đánh chặn có rủi ro cao", Thomas Newdick cho biết thêm.

S-300 có khả năng tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu tên lửa đạn đạo, đồng thời được coi là một trong những hệ thống chống máy bay mạnh nhất hiện nay với tầm bắn lên đến hơn 150 km.

S-300 bao gồm một loạt hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa do Tổng công ty Khoa học Công nghiệp Almaz-Antey của Nga sản xuất.

Liên Xô triển khai hệ thống này lần đầu năm 1979 nhằm hỗ trợ các cơ sở công nghiệp, hành chính lớn, các căn cứ quân sự và kiểm soát không phận của nước này phòng thủ trước những cuộc không kích từ kẻ thù.

S-300 có khả năng tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu tên lửa đạn đạo, đồng thời được coi là một trong những hệ thống chống máy bay mạnh nhất hiện nay với tầm bắn lên đến hơn 150 km.

S-300 cũng sở hữu sức mạnh ngăn chặn cả chiến đấu cơ tàng hình.

"S-300 là hệ thống phòng không hàng đầu của Nga", ông Robert Hewson, cây bút từ tạp chí quốc phòng IHS Janes, bình luận.

"Đây là hệ thống phòng thủ đủ khả năng bắn hạ bất kỳ loại tên lửa hay mẫu chiến đấu cơ tiên tiến nào", ông nhấn mạnh.

Hệ thống tên lửa S-300 có thể đồng thời theo dõi đến 100 mục tiêu và xử lý được từ 12 đến 36 chiếc trong số đó.

Ở những phiên bản S-300PMU1/2 trở về sau, khả năng của radar được tăng cường, theo dõi đến 300 mục tiêu và xử lý cùng lúc tới 72 vật thể bay xâm phạm.

Thời gian để triển khai S-300 là 5 phút. Các tên lửa S-300 được đặt trong những ống kim loại kín và không cần bảo trì trong suốt quá trình sử dụng.

Quy trình hoạt động cơ bản của một hệ thống S-300 gồm 4 bước. Đầu tiên, các radar giám sát tầm xa xác định mục tiêu và chuyển tiếp thông tin về các xe chỉ huy để tiến hành đánh giá, phân tích.

Sau khi xác nhận mục tiêu, xe chỉ huy truyền lệnh bắn tới radar điều hướng. Khi tiểu đoàn ở vị trí tốt nhất nhận được lệnh bắn này, họ lập tức khai hỏa tên lửa đất đối không.

Radar điều hướng giúp dẫn tên lửa tới chính xác mục tiêu cần tiêu diệt.

S-300 có nhiều phiên bản nâng cấp được trang bị những loại tên lửa, radar khác nhau với khả năng chống các phương pháp tấn công điện tử tốt hơn, tầm bắn xa hơn và ứng phó với nhiều tình huống hơn.

Hiện có ba biến thể chính gồm: S-300V, S-300P và S-300F. Mỗi biến thể lại chia ra nhiều loại với từng tính năng riêng biệt.

Theo nhận định từ các chiến lược gia quân sự, S-300 là hệ thống tên lửa đất đối không đa năng "bất khả chiến bại".

Hiện S-300 đang được cả Nga và Ukraine sử dụng với cường độ cao trong cuộc xung đột đang diễn ra.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nga-dung-ten-lua-phong-khong-s-300-de-tan-cong-muc-tieu-mat-dat-cua-ukraine-post510124.antd