Nga giải mã nguồn gốc tên lửa bắn rơi MH17

Bộ Quốc phòng Nga khẳng định tên lửa được cho là bắn rơi MH17 đã không rời khỏi lãnh thổ Ukraine từ năm 1986.

Các số hiệu tìm thấy trên các mảnh vụn tên lửa của hệ thống phòng không Buk, vũ khí được cho là đã bắn rơi máy bay số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines ở miền Đông Ukraine vào tháng 6-2014, cho thấy tên lửa này được sản xuất vào năm 1986 và do chính quân đội Ukraine sở hữu chứ không phải Nga, hãng tin RT dẫn công bố của cơ quan điều tra thuộc Bộ Quốc phòng Nga hôm qua (17-9) cho biết.

Truy ra nguồn gốc tên lửa Buk

Trên các mảnh vỡ của tên lửa Buk, đội điều tra quốc tế do Hà Lan dẫn đầu đã tìm thấy hai số hiệu. Các số hiệu này được ghi trên động cơ và ống phun của tên lửa này. Bộ Quốc phòng Nga cho biết sau quá trình truy tìm thông tin đã xác định các số hiệu trên thuộc về một loại tên lửa có mã số 8868720.

Trước báo chí, tướng Nikolay Parshin thuộc Bộ Quốc phòng Nga đã cung cấp các tài liệu ghi lại lịch sử, quá trình sản xuất và hoạt động của hệ thống tên lửa Buk này. Theo đó, hệ thống Buk 8868720 được sản xuất tại một cơ sở chế tạo vũ khí ở Dolgoprudny thuộc Moscow vào năm 1986. Hệ thống phòng không này sau đó được xuất xưởng vào ngày 29-12-1986 và chuyển đến đơn vị quân đội 20152 nằm ở vùng lãnh thổ mà hiện nay chính là Ukraine, sau đó chưa từng được đưa ra khỏi lãnh thổ Ukraine.

Phía Nga cho biết thêm đơn vị quân đội 20152 trước đây hiện nay chính là trung đoàn phòng không 223rd thuộc lực lượng vũ trang Ukraine. Trung đoàn này, dưới sự chỉ đạo của chính phủ Ukraine, đã tham gia vào các cuộc tấn công chống lại lực lượng nổi dậy ở phía Đông Ukraine vào tháng 6-2014.

Khi phóng viên hỏi liệu có khả năng nhóm quân đội nổi dậy ở miền Đông Ukraine đã chiếm lấy hệ thống Buk từ tay quân đội chính phủ để bắn hạ MH17 hay không, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenko cho biết Nga không có bất kỳ tài liệu nào chứng minh điều này là sự thật. Tuy nhiên, ông Igor Konashenko chỉ ra rằng trong các tuyên bố chính thức, phía Ukraine bác bỏ thông tin quân miền Đông nắm giữ bất kỳ hệ thống Buk nào do Ukraine sở hữu.

Tướng Nikolay Parshin khẳng định bằng chứng mà các nhà điều tra Nga tìm được đủ sức bác bỏ cáo buộc trước đây của Ukraine rằng tên lửa Buk đã được vận chuyển bí mật sang Ukraine từ Nga để bắn rơi MH17. Ông Igor Konashenko cũng cho biết tất cả tài liệu phía Nga điều tra được cũng đã chuyển đến các nhà điều tra Hà Lan. Đồng thời, vị này cho rằng Ukraine cũng cần phải công bố các tài liệu liên quan đến hệ thống tên lửa Buk mà quân đội nước này đã nhận từ năm 1986, trừ khi Kiev tuyên bố các tài liệu ấy không còn tồn tại. Ông Igor Konashenko nhấn mạnh nguyên tắc các loại tài liệu quan trọng như vậy lẽ ra phải còn được lưu giữ ở Ukraine.

Một phần của xác máy bay MH17 bị bắn rơi năm 2014. Ảnh: REUTERS

Một phần của xác máy bay MH17 bị bắn rơi năm 2014. Ảnh: REUTERS

Đoạn video chống lại Nga là “giả mạo”

Phía Nga chỉ ra các bằng chứng chống lại đoạn video do nhóm Bellingcat công bố, cho rằng bệ phóng hệ thống Buk bắn hạ MH17 được bí mật chuyển đến Ukraine từ Nga.

Năm 2015, Belligcat, tổ chức có trụ sở tại Anh, chuyên tổng hợp và phân tích những thông tin có khả năng thu thập được trên Internet, đã đưa ra báo cáo cho rằng tên lửa Buk chính là vũ khí đã bắn rơi MH17. Theo đó, bệ phóng của hệ thống tên lửa này đã được vận chuyển từ TP Kursk (thuộc Nga) vào tháng 6-2014, đến thị trấn Snizhne thuộc vùng Donetsk (phía Đông Ukraine) vào đúng ngày xảy ra vụ rơi máy bay. Một ngày sau đó, chính hệ thống Buk này quay trở về vùng Luhansk, gần biên giới Nga-Ukraine, trong tình trạng “mất đi một quả tên lửa”. Các thông tin điều tra của nhóm Bellingcat đã được các nhà điều tra người Hà Lan sử dụng.

Phía Nga hôm qua cho biết họ đã nghiên cứu các bằng chứng, trong đó có đoạn video của Bellingcat. Các nhà điều tra Nga đã trích một số chi tiết từ video của nhóm Bellingcat và chỉ ra một số điểm “mâu thuẫn”. Bộ Quốc phòng Nga khẳng định đoạn video của nhóm Bellingcat đã bị “xào nấu” nhằm ghép hình ảnh hệ thống Buk vào những cảnh quay không phải cảnh quay gốc. Nga đã làm một video mô tả một chiếc xe tăng Abrams được vận chuyển trên các con đường của Ukraine, tương tự như hệ thống Buk được di chuyển từ Nga sang Ukraine trong video của nhóm Bellingcat. Trong đó sử dụng thủ thuật tương tự mà phía Nga cho rằng video của Bellingcat đã áp dụng khi cố gắng chứng minh hệ thống Buk được chuyển đến Ukraine từ Nga.

Cũng tại cuộc họp báo, phía Nga cũng tiết lộ thông tin về cuộc thảo luận của các quan chức Ukraine về rủi ro các chuyến bay qua không phận bị hạn chế của Ukraine. Ông Igor Konashenko cho rằng Ukraine đã không cung cấp các dữ liệu radar cho các nhà điều tra Hà Lan. Theo ông Igor Konashenko, Ukraine chịu trách nhiệm giám sát chuyến bay MH17 vào năm 2014, vì thế nước này có thể vẫn giữ những thông tin vẫn chưa được công bố về thảm họa khiến hàng trăm người thiệt mạng. Phía Ukraine đã không đưa ra bình luận ngay lập tức về báo cáo của phía Nga.

Chuyến bay có số hiệu MH17 của Malaysia đã bị bắn rơi tại miền Đông Ukraine vào ngày 17-7-2014, khu vực đã bị kiểm soát một phần bởi quân nổi dậy. Vụ thảm họa khiến tất cả 283 hành khách, 15 thành viên phi hành đoàn mà hầu hết là người Hà Lan thiệt mạng. Đội điều tra quốc tế do Hà Lan dẫn đầu được lập ra, trong đó có Ukraine nhưng không có thành viên của Nga. Phía Ukraine đến nay vẫn khẳng định vụ việc do quân miền Đông Ukraine thực hiện, trong khi quân miền Đông cho rằng họ không có đủ năng lực quốc phòng để bắn rơi MH17.

ĐẠI THẮNG - THU THẢO

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/nga-giai-ma-nguon-goc-ten-lua-ban-roi-mh17-792717.html