Nga giật mình trước khả năng MiG-29 Ukraine được trang bị tên lửa AGM-84H SLAM-ER

Tiêm kích MiG-29 mà Ukraine nhận từ Slovakia được cho là có khả năng mang tên lửa AGM-84H SLAM-ER, đây là điều khiến Nga rất lo lắng.

Trong bối cảnh Slovakia chuẩn bị chuyển giao cho Không quân Ukraine lô 12 tiêm kích MiG-29, báo chí Nga đã bày tỏ lo ngại về việc chúng có thể mang tên lửa AGM-84H SLAM-ER do đã trải qua quá trình hiện đại hóa theo chuẩn NATO.

Hiện tại, khả năng chuyển giao tên lửa hành trình AGM-84H cho Ukraine với khả năng tấn công mục tiêu từ cự ly lên tới 270 km đang được xem xét, điều này tạo ra một mối đe dọa rất nghiêm trọng đối với quân Nga.

Ngoài ra còn một thông tin đáng quan tâm đó là Slovakia đã quyết định chuyển giao toàn bộ phi đội MiG-29 của mình cho Ukraine nhằm nhanh chóng nhận được những chiếc F-16 tối tân do Mỹ hứa sẽ "bù đắp".

Đây là một thỏa thuận có lợi cho tất cả các bên, khi Ukraine nhanh chóng có máy bay chiến đấu đúng chủng loại họ cần, còn Slovakia cũng được đền bù bằng loại tiêm kích hạng nhẹ mà họ vẫn hằng mong muốn.

Tên lửa đa năng AGM-84H SLAM-ER có thể đi kèm những chiếc MiG-29 nói trên là một cải tiến sâu từ tên lửa chống hạm AGM-84 Harpoon, để cạnh tranh với AGM-158 JASSM của Lockheed Martin, MBDA Storm Shadow và EADS Taurus KEPD 350 của châu Âu.

Phiên bản AGM-84H SLAM-ER có một thiết kế được nhận xét là rất di thường khi đầu quả đạn có các mặt vát cùng hệ thống cánh bay ổn định, chúng khác xa với các biến thể AGM-84 truyền thống.

Được trang bị 1 động cơ phản lực cực khỏe, tên lửa AGM-84H SLAM-ER dù nặng 635 kg có thể mang đầu đạn nặng 226 kg đi xa 280 km với tốc độ cận âm.

Điều thú vị là loại tên lửa này có thể tiếp nhận dữ liệu về vị trí mục tiêu kể cả khi đã phóng thông qua hệ thống IFFT và kết nối video, đây thực chất là chế độ "khóa mục tiêu sau khi phóng" nổi tiếng trên nhiều tên lửa không đối không.

Chỉ khi đến gần khu vực mục tiêu đã được đánh dấu, AGM-84H SLAM-ER mới kích hoạt cảm biến ảnh nhiệt, sử dụng thuật toán so sánh hình ảnh được cung cấp trước khi phóng với thực địa để xác định vị trí hợp lý chờ lệnh công kích.

Chính tại thời điểm này, phi công có quyền thay đổi lệnh công kích nếu cảm thấy mục tiêu có phần "không ổn", từ đó tránh đi các vụ tấn công nhầm vào đồng minh, hoặc mục tiêu có sự xuất hiện của dân thường.

Ngoài ra, thông tin mục tiêu cũng có thể gửi lại từ tên lửa SLAM-ER để chia sẻ cho các máy bay khác hoặc UAV giúp tăng khả năng gây thiệt hại cho lực lượng đối phương.

Nhờ được trang bị bộ tìm kiếm hình ảnh nhiệt, hệ thống dẫn đường quán tính hiệu chỉnh theo dữ liệu theo NAVSTAR, kết hợp với hệ thống ATA (xác định mục tiêu tự động) cho giai đoạn cuối chuyến bay mà tên lửa SLAM-ER có độ chính xác cực cao.

Loại tên lửa này có thể được phóng và điều khiển bởi nhiều loại máy bay bao gồm F/A-18 Hornet, F/A-18 Super Hornet và P-3C Orion, cũng như F-15E Strike Eagle, F-16 Fight Falcon của Không quân Mỹ.

Với một số sửa đổi trên những tiêm kích thuộc hệ Liên Xô như MiG-29, chủ yếu liên quan đến hệ thống điện tử hàng không theo chuẩn NATO, chúng hoàn toàn có thể mang tên lửa SLAM-ER một cách dễ dàng.

Thông qua tên lửa có khả năng tấn công chính xác từ cự ly 270 km, rõ ràng các tiêm kích MiG-29 Ukraine nhận từ Slovakia có thể gây ra đe dọa nghiêm trọng cho các lực lượng Nga, vì vậy dễ hiểu vì sao Điện Kremlin lại cảm thấy lo lắng.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nga-giat-minh-truoc-kha-nang-mig-29-ukraine-duoc-trang-bi-ten-lua-agm-84h-slam-er-post510536.antd