Nga giới thiệu bản nâng cấp cực mạnh của chiến hạm Karakurt, Việt Nam có quan tâm?

Tàu hộ vệ tên lửa cỡ nhỏ lớp Karakurt - Dự án 22800 được xem như một ứng viên sáng giá để Hải quân Việt Nam lựa chọn nhằm kế thừa lớp Molniya 1241.8.

Hiện nay Hải quân nhân dân Việt Nam có trong biên chế những tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya 1241.8 cực kỳ lợi hại do chúng ta chế tạo trong nước theo giấy phép của Nga.

Cho dù lượng giãn nước đầy tải chỉ 500 tấn nhưng Molniya có dàn vũ khí cực mạnh với 16 tên lửa chống hạm Kh-35 Uran-E, pháo phòng không AK-630M và pháo hạm AK-176M.

Tuy vũ khí rất mạnh nhưng Molniya cũng có nhược điểm là thời gian hoạt động ngắn, khó hoạt động tốt khi thời tiết xấu so với chiến hạm lớn, do vậy trong tương lai Hải quân Việt Nam cần một lớp tàu mới có kích thước và tính năng ưu việt hơn.

Tàu hộ vệ tên lửa tàng hình cỡ nhỏ Karakurt - Dự án 22800 theo đánh giá sẽ là đối tượng xứng đáng nhất tiếp nối sự thành công của lớp chiến hạm Molniya 1241.8 trong biên chế Hải quân Việt Nam khi nó có nhiều ưu điểm vượt trội.

Chiến hạm Karakurt có chiều dài 65 m; chiều rộng 10 m; mớn nước 2 m; lượng giãn nước đầy tải 800 tấn; tốc độ tối đa 30 hải lý/h; tầm hoạt động 2.500 hải lý; thời gian bám biển liên tục 15 ngày.

Hệ thống điện tử của Karakurt gồm 4 radar mảng pha quét chủ động (AFAR) quay về 4 hướng, tạo góc bao phủ kín 360 độ và không có góc chết, đây là thiết kế thường gặp trên các chiến hạm hiện đại.

Chính giữa tàu là cụm bệ phóng thẳng đứng đa năng UKSK, mang 8 tên lửa hành trình chống hạm siêu âm 3M-54 Kalibr-NK, bên cạnh đó tàu còn phóng được cả tên lửa hành trình đối đất 3M-14T hoặc tên lửa chống ngầm 91RE.

Phía trước cabine chỉ huy là pháo hạm AK-176MA với tháp pháo được thiết kế theo dạng tàng hình hóa đi kèm các thiết bị ngắm bắn quang điện tử tối tân hơn.

Hỏa lực phòng không của lớp Karakurt cũng rất đáng chú ý khi nó được lắp đặt module tên lửa - pháo phòng không tiên tiến Pantsir-M có tầm bắn tối đa 20 km, phát huy tác dụng tốt nhất khi chống lại tên lửa đối hạm bay thấp.

Thiết kế phần thượng tầng của Karakurt còn có nhiều bề mặt giúp tán xạ sóng radar, khiến cho tín hiệu của con tàu trên màn hiện sóng của đối phương là cực nhỏ.

Tuy rằng sức mạnh hiện tại của chiến hạm lớp Karakurt đã là rất đáng gờm nhưng mới đây Nga còn cho ra mắt phiên bản nâng cấp có kích thước và hỏa lực mạnh hơn nhiều.

Nhìn vào mô hình dễ nhận thấy tàu được tích hợp tới 2 cụm ống phóng UKSK với 16 tên lửa Kalibr; bên cạnh đó là 2 cụm VLS khác dành cho tên lửa phòng không Redut, mang được 8 đạn tầm trung 9M96 hoặc tới 32 đạn tầm ngắn 9M100.

Tàu còn có hệ thống định vị thủy âm (sonar) và ngư lôi săn ngầm Paket-MK cỡ 330 mm, pháo phòng không bắn nhanh kiểu AK-630M2 Duet dự kiến vẫn được giữ lại tạo ra bức màn chắn tin cậy ở cự ly gần và còn rất hữu ích khi tiêu diệt các mục tiêu cỡ nhỏ.

Dự kiến phiên bản mới của chiếc Karakurt sẽ có lượng giãn nước trên 1.000 tấn, nhưng so sánh về hỏa lực thì nó còn tỏ ra vượt trội nhiều khinh hạm 2.000 tấn khác, thậm chí chẳng hề thua kém chiếc Gremyashchy - Dự án 20385.

Nếu bản nâng cấp của Karakurt được lựa chọn như một bước phát triển của lớp chiến hạm Molniya 1241.8 thì chắc chắn sức mạnh của hạm đội tàu mặt nước Hải quân nhân dân Việt Nam sẽ tăng vọt so với hiện nay.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-nga-gioi-thieu-ban-nang-cap-cuc-manh-cua-chien-ham-karakurt-viet-nam-co-quan-tam/838503.antd