Nga hay Mỹ, ai cần START-3 hơn?

Mỹ đã đưa ra điều kiện nhằm buộc Nga thực hiện để gia hạn Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân, Nga có thực sự ngây thơ?

Mới đây, các chuyên gia Mỹ nhận thấy Nga đang tiến hành cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của họ. Giới chức Mỹ cho rằng, động thái này của Nga cho thấy Moscow đang tin tưởng vào khả năng Mỹ sẽ thực hiện lời hứa gia hạn Hiệp ước kiểm soát vũ khí START-3.

Tên lửa RS-28 Sarmat là "cơn ác mộng" mà Mỹ buộc lòng ép Moscow vào Hiệp ước hạt nhân mới?

Tên lửa RS-28 Sarmat là "cơn ác mộng" mà Mỹ buộc lòng ép Moscow vào Hiệp ước hạt nhân mới?

Cụ thể, theo số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ, từ tháng 9/2019 đến nay, Nga đã hủy bỏ 100 đầu đạn hạt nhân trong kho vũ khí hạt nhân của mình, trong khi đó Mỹ chỉ giảm 3 đầu đạn. Sự chênh lệch này cho thấy Nga đang thực hiện nghiêm túc thỏa thuận, đồng nghĩa với việc Moscow thấy được các lợi ích mà START-3 mang lại cho họ.

Cần chú ý rằng, theo thông tin được công bố trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ, tính đến ngày 1/3, Nga đã triển khai 485 tên lửa đạn đạo liên lục địa và tên lửa đạn đạo chiến thuật trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng (tháng 9/2019 là 513 tên lửa), còn Mỹ có 655 tên lửa đạn đạo (tháng 9/2019 có 668 tên lửa). Trên các tên lửa này, Nga có 1.326 đầu đạn hạt nhân (tháng 9/2019 có 1.426 đầu đạn).

Trong khi đó, Mỹ có 1.373 đầu đạn (tháng 9/2019 có 1.376 đầu đạn). Ngoài ra, Nga có 754 bệ phóng (tháng 9/2019 có 757 bệ phóng) và Mỹ có 800 bệ phóng (số lượng không thay đổi kể từ tháng 9/2019).

Do đó, điều Washington có thể làm hiện nay là tăng cường thêm áp lực với Nga, ra điều kiện, tăng cường siết các vũ khí mới hiện đại vào "vòng kim cô" Hiệp ước START-3.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra một số yêu cầu đối với Nga về những "át chủ bài" của Moscow, bao gồm tên lửa đạn đạo RS-28 Sarmat và một số loại vũ khí tối tân khác liên quan đến hiệp ước START-3 dự kiến sẽ được ký kết trong tương lai.

Trước việc Mỹ ra điều kiện như vậy, có quan điểm cho rằng, phía Nga đã "ngây thơ" để Mỹ đưa vào tròng, bằng chứng là nhiều nỗ lực để chế tạo vũ khí mới cuối cùng chỉ cần Mỹ nói sẽ rút khỏi thỏa thuận là đành phải chấp thuận điều kiện để Washington tham gia vào Hiệp ước mới.

Giả định là Nga, với năng lực tiềm tàng về kỹ thuật quân sự không dễ gì lại chấp nhận "chui đầu vào rọ" là một Hiệp ước kiểm soát vũ khí với Mỹ. Do vậy, Mỹ lại là bên cần START-3 hơn là Nga.

Các loại vũ khí siêu vượt âm của Nga đang khiến Mỹ trở nên "bế tắc"?

Theo đánh giá của chuyên gia về vũ khí hạt nhân hàng đầu của phương Tây Hans M. Christensen, nhờ quy định của START-3 cả Nga và Mỹ đã duy trì sự ổn định về mặt số lượng của kho vũ khí hạt nhân chiến lược. Điều này giúp cả Moscow và Washington có thêm nguồn lực dành cho các ưu tiên quốc phòng khác.

Chuyên gia Hans M. Christensen cho biết, kho vũ khí hạt nhân của Mỹ tính tới thời điểm năm 2020 vẫn được duy trì ổn định ở mức 3.800 đầu đạn, gồm 1,750 đầu đạn ở trạng thái chiến đấu và 2.050 đầu đạn được niêm cất. Những con số trên chứng minh Mỹ rất tuân thủ START-3. Điều này giúp Washington tiết kiệm được đáng kể nguồn lực cho các dự án quốc phòng ưu tiên hơn.

Chính nhờ START-3, Mỹ trong thập niên qua đã có đủ nguồn lực dành cho các chương trình phát triển vũ khí thông thường hiện đại để duy trì vị thế siêu cường.

Bên cạnh đó, thông qua cơ chế kiểm tra chéo thường niên, với START-3, Mỹ được phép giám sát kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Nga để duy trì cân bằng cán cân chiến lược.

Chính sách vũ khí hạt nhân của Mỹ chỉ thay đổi vào năm 2018, sau khi Nga công bố hàng loạt vũ khí siêu vượt âm hiện đại vốn không bị ràng buộc bởi START.

Nga cũng có kế hoạch nâng cấp quy mô lớn kho vũ khí hạt nhân trị giá tới hơn 1.000 tỷ USD trong vài thập niên tới chính là để đáp ứng linh hoạt với những mối đe dọa trong tương lai.

Cũng vì Nga công bố hàng loạt loại vũ khí siêu vượt âm mới có khả năng phá vỡ thế cân bằng chiến lược hạt nhân đã được duy trì nhờ START-3, Mỹ đã phải tính tới việc ràng buộc Nga thông qua START mới.

Do đó trong bối cảnh này, Mỹ muốn thông qua Hiệp ước START mới để thăm dò vũ khí mới của Nga, đồng thời muốn kéo thêm đối thủ đáng gờm là Trung Quốc vào vòng kiểm soát.

Đến nay thì Moscow đang ở "ghế trên" và ông Putin hoàn toàn có cớ để buộc Mỹ phải tự hoàn thiện những điều kiện của mình bởi hơn ai hết, Mỹ mới là người mang tham vọng thống trị mà không màng tới hợp tác.

Về vấn đề "đau đầu" nhất của Mỹ là sự tham gia của Trung Quốc vào Hiệp ước vũ khí mới, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nói rằng, theo quan điểm của Moscow, kiến trúc lực lượng hạt nhân của Trung Quốc chỉ là thuần túy, hoàn toàn khác so với Nga và Mỹ nên chưa thể đưa vào Hiệp ước.

Do đó, Nga sẽ không cố gắng thuyết phục Trung Quốc tham gia vào START mới. Còn Mỹ kiên quyết với việc phải đưa Trung Quốc vào Hiệp ước thì họ mới chính là người cần thuyết phục Bắc Kinh.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nga-hay-my-ai-can-start-3-hon-3399814/