Nga - Israel tháo ngòi căng thẳng sau vụ máy bay Nga bị Syria bắn rơi

Vụ chiếc máy bay do thám Il-20 của Nga bị phòng không Syria bắn rơi rạng sáng 18.9 cho thấy những nguy hiểm từ các quyền lợi đối chọi của các thế lực ở không phận Syria đông nghẹt, và đe dọa quan hệ an ninh thân cận giữa Nga với Israel.

Máy bay do thám Il-20 của Nga - Ảnh : Bộ Quốc phòng Nga

Máy bay do thám Il-20 của Nga - Ảnh : Bộ Quốc phòng Nga

Để duy trì quan hệ này, Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Israel mau chóng gọi điện thoại cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, chia buồn với cái chết của 15 thành viên tổ bay, quy trách nhiệm hoàn toàn cho Syria và đề nghị cử tư lệnh không quân Israel sang Moscow để chia sẻ thông tin về sự cố.

Quân đội Nga nói chiếc Il-20 bị bắn rơi khi đang bay trên vùng biển Địa Trung Hải, cách bờ biển Syria 35km, trong lúc đang trở về căn cứ không quân Hmeymim ở tỉnh Latakia (Syria). Chiếc Il-20 mất tích khỏi màn hình radar lúc 23 giờ khuya 17.9 (giờ Moscow).

Vụ việc gây ra khẩu chiến quyết liệt giữa Israel với Nga. Israel nói chiến đấu cơ F-16 của họ tấn công một cơ sở quân sự Syria cung cấp vũ khí cho quân ủy nhiệm Hezbollah thân Iran.

Israel lưu ý đã cảnh báo trước với Nga về vụ không kích, theo một thỏa thuận tránh gia tăng căng thẳng giữa Israel với Nga. Israel nhấn mạnh chiếc Il-20 bị tên lửa phòng không Syria bắn rơi, khi chiến đấu cơ của họ đã về đến lãnh thổ Israel.

Nhưng Bộ Quốc phòng Nga nói lời cảnh báo của Israel chỉ được đưa ra chưa đầy một phút trước vụ không kích, và máy bay Nga bị lọt vào tầm bắn. Thiếu tướng Igor Knashenkov, người phát ngôn của Bộ cáo buộc phi công Israel lợi dụng máy bay Nga như một tấm khiên để đưa nó vào tầm bắn của tên lửa S-200 do Nga sản xuất hệ thống phòng không Syria, và Bộ tuyên bố sẽ trả đũa.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu gọi điện cho người đồng nhiệm Israel, ông Avigdor Lieberman, để tuyên bố “Israel phải hoàn toàn chịu trách nhiệm” vụ máy bay Nga bị bắn rơi, và cảnh báo “Nga có quyền trả đũa”.

Bộ trưởng Shoigu cũng cảnh báo đồng nhiệm Israel rằng “chúng tôi sẽ không để yên hành động này”.

Một số nghị sĩ và cựu quan chức quân sự Nga kêu gọi phản ứng mạnh, nói Nga nên cung cấp tên lửa phòng không S-300 cùng các vũ khí hiện đại để phòng chống các cuộc không kích khác.

Nhưng Tổng thống Putin đã gọi sự cố này là “một chuỗi tình huống bi thảm tình cờ”, cùng lúc nói Nga sẽ phản ứng bằng cách tăng cường các bước bảo vệ tài sản và quân nhân Nga ở Syria.

Tổng thống Nga nói “Sẽ là các động thái mà mọi người sẽ được báo trước”, nhưng ông không cho biết chi tiết.

Thủ tướng Israel đã lập quan hệ cá nhân thân thiện với ông Putin, thường đi Nga nói chuyện Syria. Ông lưu ý Nga-Israel cần tiếp tục điều phối hoạt động ở Syria. Nhưng ông nhấn mạnh Israel sẽ không tha thứ sự hiện diện quân sự của Iran ở Syria.

Ông Putin nói với ông Netanyahu: cuộc không kích của Israel là xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Syria, và vi phạm thỏa thuận tránh gia tăng căng thẳng mà Nga-Israel đã ký. Ông yêu cầu Israel “không cho phép tái diễn các tình huống này”.

Israel không theo phe nào trong cuộc nội chiến Syria, nhưng không kích chống kình địch Iran và lực lượng vũ trang Hezbollah. Israel thừa nhận đã không kích các mục tiêu Iran ở Syria khoảng 200 lần, và Nga-Israel có đuồng dây nóng để đề phòng quân đội hai bên xung đột ở Syria. Trước đây, các quan chức quân sự Israel nói đường dây nóng này hoạt động hiệu quả.

Charles Lister, một chuyên gia về Syria ở Viện Trung Đông (Mỹ) nói cho đến nay, quân sự Nga để chiến đấu cơ Israel tự do tấn công các mục tiêu ở Syria, với điều kiện báo trước cho Nga biết.

Nga đã chơi một canh bạc ngoại giao tinh tế, nhằm duy trì quan hệ hữu nghị với cả Israel lẫn Iran. Hồi tháng 7, Nga-Iran đạt một thỏa thuận, qua đó các quân nhân Iran rút khỏi Cao nguyên Golan khoảng 85 km, để hạ giảm quan ngại an ninh của Israel. Nga cũng không triển khai hệ thống phòng hiện đại như tên lửa tầm xa S-300 vốn có thể đe dọa máy bay Israel.

Nhưng vụ chiếc máy bay Nga bị trúng tên lửa Nga của phòng không có thể làm thay đổi tình hình. Sima Shine, cựu điệp viên tình báo Mossad (Israel) và là một cựu quan chức Bộ Các Vấn đề Chiến lược Israel, nói sự cố có thể có các “hệ lụy chiến lược” cho hoạt động tự do của Israel ở Syria. Bà nói: “Tôi cho rằng nó sẽ gây hạn chế rất nghiêm trọng cho sự tự do hoạt động của Israel”.

Nga can thiệp quân sự vào nội chiến Syria từ tháng 9.2015, và hồi cuối năm 2015 xảy ra vụ máy bay Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Nga, đặt hai nước vào thế đối đầu quân sự, nhưng sau đó hai nước cùng Iran đàm phán một loạt thỏa thuận giảm trừ căng thẳng cho Syria.

Mỹ cũng bày tỏ sự thương tiếc binh lính Nga chết trong vụ máy bay rơi, với Ngoại trưởng Mike Pompeo nói sự cố nhắc nhớ cần tìm ra các giải pháp hòa bình và chính trị thường trực cho cuộc nội chiến nhiều bên tham gia này.

Tổng thống Donald Trump nói đó là một sự cố buồn, không là một tình hình tốt. Nhưng ông cũng nói Mỹ đã rất nỗ lực đánh bọn khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, đồng thời nói ám chỉ hoạt động của quân Mỹ ở Syria “đã rất gần với sự chấm dứt”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói sự cố gây phức tạp cho quan hệ Nga-Syria, nhưng không tác động đến nỗ lực Mỹ đánh bại bọn IS ở Syria.

Vĩnh Thụy (theo AP)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/nga-israel-thao-ngoi-cang-thang-sau-vu-may-bay-nga-bi-syria-ban-roi-96895.html