Nga: Không phải cứ mổ động cơ ra là Trung Quốc có thể sao chép được

Nga sẽ không giúp đỡ, sẽ càng không chuyển nhượng công nghệ động cơ cho Trung Quốc. Hàm lượng công nghệ của động cơ rất cao, không phải cứ mổ động cơ ra là có thể sao chép được.

Không quân Trung Quốc (ảnh minh họa)

Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 30/10 dẫn báo chí Mỹ cho hay Trung Quốc tiếp tục lệ thuộc nghiêm trọng vào Nga về động cơ hàng không.

Có phân tích cho rằng Trung Quốc gặp khó khăn trong nghiên cứu phát triển động cơ hàng không, nhưng đối tác Nga sẽ không cung cấp bất cứ sự hỗ trợ nào. Nga vui mừng hơn khi Trung Quốc phải cầu cạnh đến Moscow.

Mặc dù quan hệ giữa Trung Quốc và Nga ngày càng mật thiết, Trung Quốc vẫn không thể có được công nghệ mũi nhọn từ Nga như nước láng giềng Ấn Độ.

Trung Quốc tiếp tục mua 200 động cơ

Nhiều tờ báo Nga gần đây tiết lộ, Trung Quốc vừa ký kết với Nga một hợp đồng mua sắm động cơ trị giá khoảng 1 tỷ USD trong thời hạn 3 năm, liên quan đến mua sắm hai loại động cơ gồm AL-31 và D-30 của Nga, số lượng mua sắm mỗi loại động cơ khoảng 100 chiếc.

Động cơ AL-31 có nhiều loại phiên bản cải tiến, nâng cấp. Các máy bay chiến đấu Su-27 và Su-30 Trung Quốc mua của Nga và vài loại máy bay chiến đấu chủ lực khác của Trung Quốc sao chép từ chúng đều sử dụng loại động cơ này.

Động cơ D-30 sẽ trang bị cho máy bay ném bom H-6K và máy bay vận tải cỡ lớn Y-20, hai loại máy bay được Trung Quốc ra sức tuyên truyền thời gian gần đây.

Động cơ AL-31FN do Công ty Salyut Nga chế tạo. Ảnh: Sina

Một số chuyên gia vũ khí Nga cho rằng từ quy mô mua sắm động cơ của Trung Quốc có thể phán đoán được số lượng máy bay ném bom, máy bay vận tải và các máy bay chiến đấu khác cùng với phương hướng phát triển của Không quân Trung Quốc trong tương lai.

Vẫn chưa học được cách chế tạo động cơ tiên tiến

Bản thân Trung Quốc cũng đang nghiên cứu chế tạo và sản xuất động cơ hàng không. Trung Quốc đang gia tăng nỗ lực để tìm cách thay đổi tình hình yếu thế trong lĩnh vực động cơ hàng không.

Trung Quốc rõ ràng đang gặp khó khăn trong nghiên cứu chế tạo động cơ hàng không, hoặc Trung Quốc tồn tại hạn chế về độ tin cậy và chất lượng của động cơ tự chế, không thể đạt trình độ tương đương với động cơ Nga.

Vì vậy, Trung Quốc mới tiếp tục mua sắm động cơ của Nga, cho dù hai loại động cơ Trung Quốc mua sắm lần này đều không phải là động cơ tiên tiến nhất hiện nay của Nga.

Chuyên gia vũ khí Nga Pyatushkin cho rằng những năm gần đây công nghiệp quân sự Trung Quốc phát triển nhanh chóng, nhưng Trung Quốc vẫn không học được cách chế tạo động cơ hàng không có tính năng tốt và tin cậy.

Chuyên gia Pyatushkin nói: "Trung Quốc đã học được cách phát triển, sản xuất tên lửa, máy bay thân rộng và các máy bay khác. Nhưng nhìn vào tình hình hiện nay, Trung Quốc vẫn không có tiến triển rõ rệt về động cơ.

Động cơ D-30KP-2 do Nga sản xuất. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu

Điều này có thể giải thích lý do tại sao Trung Quốc đã ký kết hợp đồng mua sắm động cơ mới này. Rõ ràng, nếu Trung Quốc có khả năng sản xuất động cơ thì Trung Quốc sẽ không tiếp tục mua sắm động cơ của Nga".

Lý do Nga vui

Chuyên gia cho rằng quan hệ giữa Trung Quốc và Nga ngày càng mật thiết, nhưng khi Trung Quốc gặp khó khăn về phát triển động cơ, Nga sẽ không giúp đỡ, sẽ càng không chuyển nhượng công nghệ động cơ cho Trung Quốc.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc và Nga cũng thường xuyên đàm phán về vấn đề hợp tác trong lĩnh vực phát triển động cơ, nhưng hoàn toàn không có bất cứ kết quả thực tế nào.

Một số nhà nghiên cứu vũ khí cho rằng Nga lo ngại Trung Quốc nắm được công nghệ động cơ, để rồi sau đó không còn tiếp tục nhờ cậy Nga nữa, thậm chí, Trung Quốc có thể tranh đoạt thị trường xuất khẩu máy bay chiến đấu của Nga.

Sự nghi kỵ giữa Trung Quốc và Nga cũng khiến cho hai nước hầu như không có chương trình hợp tác cụ thể nào trong lĩnh vực phát triển công nghệ quân sự. Điều này tồn tại sự khác biệt to lớn với hợp tác thuận lợi giữa Nga và Ấn Độ trong lĩnh vực có liên quan.

Nga và Ấn Độ sớm đã thành lập công ty liên doanh, hợp tác phát triển, nghiên cứu, sản xuất tên lửa hành trình BrahMos. Hai bên còn hợp tác chặt chế trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm và các vũ khí trang bị khác.

Máy bay chiến đấu J-10 Không quân Trung Quốc trang bị động cơ AL-31FN của Nga (ảnh tư liệu)

Động cơ khó sao chép

Chuyên gia phân tích Nga Pyatushkin cho rằng so với việc Trung Quốc đã sao chép các vũ khí trang bị khác của Nga, hàm lượng công nghệ của động cơ hàng không rất cao, Trung Quốc không có nhiều khả năng sao chép thành công một cách dễ dàng.

Chuyên gia Pyatushkin nói: "Đặc biệt là đối với một số động cơ hiện đại, tuyệt đối không phải đơn giản là cứ mổ động cơ ra là có thể sao chép được. Vật liệu, công nghệ chế tạo động cơ không thể có được từ sao chép".

Chuyên gia vũ khí cho rằng Trung Quốc hiện đầu tư to lớn cho phát triển động cơ. Trước khi chưa hoàn toàn giải quyết vấn đề động cơ, Trung Quốc sẽ tiếp tục mua sắm của Nga.

Hiện còn chưa rõ hợp đồng vừa ký kết có phải là hợp đồng động cơ cuối cùng của hai bên hay không, hay là hai nước sẽ tiếp tục đạt được hợp đồng mới trong tương lai.

Động cơ hàng không là lĩnh vực quan trọng trong giao dịch vũ khí giữa Trung Quốc và Nga. Những năm gần đây, Trung Quốc liên tục mua sắm rất nhiều các loại động cơ hàng không của Nga.

Trên báo chí Nga cũng thường xuyên đưa tin về việc hai bên ký kết hợp đồng mua sắm động cơ mới. Những động cơ này ngoài trang bị cho các loại máy bay chiến đấu của Trung Quốc, còn được lắp cho các máy bay chiến đấu xuất khẩu của Trung Quốc.

Trung Quốc đang phát triển động cơ WS-15 cho máy bay chiến đấu J-20. Ảnh: Sohu

Phong Vân -

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/nga-khong-phai-cu-mo-dong-co-ra-la-trung-quoc-co-the-sao-chep-duoc-85959.html