Nga không quan tâm khi NATO dọa trừng phạt vì Crimea

Phát biểu trong phiên họp của NATO, Tổng thư ký Jens Stoltenberg lên án việc Nga tăng cường khả năng quân sự tại Crimea và tuyên bố sẽ có cách đáp trả.

Phát biểu của ông Stoltenberg cho biết: "Chúng tôi đã xem xét tình hình an ninh ở khu vực có tầm quan trọng chiến lược là Biển Đen.

NATO đang đáp trả bằng cách tăng cường sự hiện diện của mình trên đất liền, trên biển và trên không", ông Stoltenberg nói.

Máy bay Mỹ bị tiêm kích Nga áp sát trên Biển Đen.

Trước đó, vị tổng thư ký NATO nói rằng, ngoại trưởng các nước thành viên NATO đã thảo luận về hoạt động của Liên minh ở khu vực Biển Đen trong cuộc họp trực tuyến hôm 2/12, có sự tham gia của các Bộ trưởng Gruzia và Ukraine.

Ông này cũng một lần nữa cáo buộc Nga "vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ" của Ukraine và Gruzia, đồng thời lưu ý là "Nga đang tăng cường hiện diện quân sự ở Crimea".

Tuyên bố của Tổng thư ký NATO đưa ra ngay sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nhấn mạnh Moscow sẽ không thảo luận với Washington về vấn đề Crimea vì đây là một vấn đề đã khép lại.

Ông Sergei Ryabkov nhấn mạnh Moscow sẽ không thảo luận với Washington về vấn đề Crimea vì đây là một vấn đề đã khép lại.

Nga và Mỹ nên tích cực hơn nữa trong việc cải thiện quan hệ song phương, nhưng khẳng định "về vấn đề Crimea, không có gì phải bàn ở đây... Đây không phải là một vấn đề, mọi chuyện đã được giải quyết từ lâu", ông Ryabkov nhấn mạnh.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga cho biết thêm, Moscow không sẵn sàng trả đũa qua lại các biện pháp trừng phạt với Mỹ về một vấn đề không rõ ràng.

"Nếu Mỹ muốn tăng cường (các biện pháp trừng phạt) thì hãy làm. Nhưng đến một lúc nào đó, chính sách này sẽ trở nên không hiệu quả... Nó sẽ cho thấy rằng điều này là vô ích", Thứ trưởng Nga nhấn mạnh.

Những tuyên bố qua lại giữa 2 bên được đưa ra trong bối cảnh Mỹ cùng đồng minh châu Âu tiếp tục duy trì trừng phạt và sức ép đối với Nga liên quan vấn đề Crimea.

Giới phân tích phương Tây cho rằng, dù đã sáp nhập bán đảo này nhiều năm, song Nga tiếp tục phải "trả giá" trên cả 3 lĩnh vực: kinh tế, chính trị và uy tín.

Nghiên cứu được Bloomberg cho biết, trong năm 2018, kinh tế của Nga đã bị mất đến 10 điểm phần trăm so với mức được dự báo vào cuối năm 2013. Trong đó, có đến 6 điểm bị mất là do các lệnh trừng phạt của phương Tây, phần còn lại là do giá dầu trên thế giới sụt giảm.

Phương Tây vẫn chỉ trích quyết định sáp nhập bán đảo Crimea, cáo buộc Nga làm thay đổi bản đồ thế giới được thiết lập từ sau Thế chiến II. Bên cạnh các biện pháp trừng phạt, Mỹ duy trì các động thái quân sự xung quanh Crimea.

Sau khi Ukraine được cho là chấm dứt các chuyến bay của máy bay không người lái (UAV) gần Crimea từ đầu năm 2020, Mỹ đã tiếp quản hoạt động này bằng máy bay do thám Global Hawk.

Theo một số nguồn tin, Mỹ chia sẻ một số thông tin tình báo với quân đội Ukraine và dường như cố gắng buộc Nga kích hoạt hệ thống phòng không ở Crimea.

Cùng với đó, Mỹ cũng điều máy bay B-52H tiến sát đến vùng trời bán đảo Crimea. Hồi tháng 9 vừa qua, các oanh tạc cơ của Mỹ cất cánh từ căn cứ Fairford ở Anh, sau đó bay qua Hà Lan, Đức và Ba Lan, tiến vào không phận Ukraine và hướng đến Crimea.

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-khong-quan-tam-khi-nato-doa-trung-phat-vi-crimea-3423637/