Nga lại bị đe dọa tẩy chay như Sochi 2014

Ủy ban Helsinki đề xuất chuyển nghi lễ trao thưởng World Cup 2018 ở ngoài nước Nga.

Ủy ban về An ninh và Hợp tác châu Âu còn có tên là Ủy ban Helsinki của Mỹ đã nêu một đề xuất là chuyển nghi lễ trao giải thưởng cho người chiến thắng trong World Cup 2018 ra bên ngoài nước Nga.

Tài liệu này được nêu trong báo cáo chuyên đề về World Cup 2018 được gửi tới Liên đoàn Bóng đá Thế giới FIFA.

EU và Mỹ đều muốn Nga không thể được lợi vì World Cup 2018

Theo đó, Ủy ban Helsinki đã đề xuất FIFA chuyển nghi lễ trao giải thưởng cho đội chiến thắng tại World Cup 2018 ra một vùng lãnh thổ trung lập ở bên ngoài nước Nga.

"Lý tưởng nhất là FIFA nên tổ chức nghi lễ trao giải thưởng World Cup trên một lãnh thổ trung lập bên ngoài nước Nga" — tài liệu ghi rõ.

Ngoài ra các thành viên Ủy ban này cũng kêu gọi ngừng đưa tin quá nhiều về sự hiện diện của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong các sự kiện ở World Cup 2018.

Ông Putin trước đó đã xác nhận sẽ có mặt tại Vòng Chung kết sẽ diễn ra ở Moscow và tại lễ bế mạc của giải đấu. Ông cũng có thể sẽ xem một số trận cầu nào đó.

Không chỉ Ủy ban Helsinki của Mỹ ra đề xuất có tính chất tiêu cực, Ủy ban Helsinki của Na Uy cũng phát đi một cuốn sổ tay dành cho các nhà báo tác nghiệp ở World Cup 2018 ở Nga.

Theo đó, cuốn sổ tay phát hành hôm 15/5 đề cập tới các vấn đề xã hội ở Nga bên ngoài sân bóng, kêu gọi các nhà báo viết về những nội dung bên ngoài đấu trường như: tham nhũng, ô nhiễm, bắt giữ người khác tùy ý, lao động bị cưỡng bức, các mối đe dọa bạo lực...

Cuốn sổ tay có nội dung kêu gọi các nhà báo đừng quá thu hút tới những gì trên sân cỏ.

"Đối với Tổng thống Putin, giải đấu này là cơ hội để Nga thể hiện là một quốc gia hiện đại và đáng kính nể, tạo ra những bức bình phong khiến người nước ngoài mất tập trung vào các vấn đề trong nước" - cuốn sổ tay có đoạn.

Sổ tay của Ủy ban Helsinki Na Uy muốn nhà báo đến Nga phải nói về tham nhũng, bạo lực ở xã hội Nga.

Theo Tổng Thư ký của Ủy ban Helsinki Na Uy - ông Bjorn Engesland, các nhà báo nước ngoài nếu đến thăm Nga thì có trách nhiệm phải viết về sự thực ở xã hội Nga.

“Chúng tôi rất tự hào về cuốn sổ tay nhỏ này" - ông nói, đồng thời phủ nhận đây là tài liệu chống Nga, đây chỉ là những thông tin quan trọng cho các nhà báo tới dự World Cup.

Tổng thư ký Engesland nhấn mạnh rằng chính phủ Nga "nên đối phó với những vấn đề thay vì lên án những người đang góp phần giải quyết những vấn đề ở Nga".

Phản ứng mạnh mẽ đối với thông tin từ Ủy ban Helsinki của Na Uy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, đây là một "tài liệu lạ lùng" nhằm "vu khống và chống lại nước Nga".

"Cái gọi là 'sổ tay' là tuyển tập các khuôn mẫu đặc trưng chống lại Nga mà chẳng liên quan gì tới báo chí thể thao" - bà Zakharova nói.

Bà Zakharova cũng cáo buộc chính quyền Na Uy ủng hộ việc xuất bản cuốn "sổ tay" này và thông tin rằng, Ủy ban Helsinki Na Uy năm 2018 đã nhận được 4 triệu USD của Chính phủ.

"Chúng tôi thấy ấn phẩm này là một hành động không thân thiện khác của phía Na Uy, được thực hiện trong các khung chiến dịch chống Nga của phương Tây" - bà Zakharova nhấn mạnh.

Hồi giữa tháng 5, trên trang Twitter của Bộ Ngoại giao Ukraine, Ngoại trưởng nước này là ông Pavel Klimkin đã lên tiếng kêu gọi người Ukraine không tham dự World Cup tại Nga.

Nhà ngoại giao cảnh báo người dân về "các mối đe dọa nghiêm trọng có liên quan đến an ninh cá nhân". Ông Klimkin cho biết thêm: "Chắc chắn sẽ có những hành động khiêu khích, mà chẳng có ai đảm bảo được an ninh ở đó".

Đại diện chính thức của Cơ quan biên phòng, ông Oleg Slobodyan cũng đã đưa ra phát ngôn tương tự. Theo ông, người hâm mộ Ukraine "chẳng có việc gì để làm ở Nga cả". Ông cũng nói thêm rằng các công dân Ukraine tại Nga sẽ bị tìm cách "tuyển mộ".

Các thành viên nghị viện châu Âu (MEP) cũng kêu gọi chính phủ các nước châu Âu tẩy chay World Cup 2018 tổ chức tại Nga như một cách để 'trừng phạt' liên quan đến động thái quân sự của Moscow tại Syria.

Bà Rebecca Harms - một thành viên đại diện của Đức tại Nghị viện châu Âu, là người khởi xướng việc tập trung khoảng 60 nhà hoạt động MEP viết lá thư ngỏ tuyên bố Tổng thống Nga cần được “dạy một bài học”.

"Tổng thống Putin không phải là chủ nhà tốt cho World Cup, khi mà chiến tranh ở Syria và Ukraine vẫn đang tiếp diễn” - bà Harms kêu gọi chính phủ các nước châu Âu “không góp phần vào việc tự xây dựng hình ảnh một người mạnh mẽ của Putin, một người vĩ đại và có quyền lực được cả thế giới tôn vinh”.

Những đề xuất của Ủy ban Helsinki Mỹ và Na Uy hay châu Âu, Ukraine giống như cách Nga đã phải đối đầu với những điều bất lợi ở Thế vận hội mùa Đông Olympic Sochi 2014.

Khán đài môn trượt băng nghệ thuật thưa thớt khán giả ở Sochi 2014

Chắc vẫn chưa ai quên những hình ảnh khán đài trống vắng trong những sân vận động hoành tráng ở Nga trong sự kiện Sochi 2014. Dù đã có sự chuẩn bị, các ghế khán giả của Nga vẫn trống vắng. Việc vắng khán giả có vẻ không phải là do không bán được vé. Vấn đề là những người mua vé đã không xuất hiện.

Theo các nhà tổ chức Thế vận hội cho biết khoảng 80% vé đã được bán ra. Tuy vậy, mối đe dọa của các cuộc tấn công khủng bố, các vấn đề hậu cần và thiếu sự quan tâm đã để lại những lo ngại nhất định cho khán giả và họ đã không đến Sochi như dự định.

Đã có khoảng 4.000 người không sử dụng vé của mình trong 2 ngày đầu tiên diễn ra Thế vận hội. Tại Sochi 2014, số vé ế ẩm khoảng 500.000 chiếc.

Sơn Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nga-lai-bi-de-doa-tay-chay-nhu-sochi-2014-3359715/