Nga 'lật tẩy' âm mưu của Mỹ sau thỏa thuận với Hà Lan

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, việc Hà Lan đồng ý cho Mỹ sử dụng đảo Curaçao thực chất là bàn đạp giúp Mỹ can thiệp vào chuyện nội bộ của Venezuela dưới vỏ bọc viện trợ nhân đạo.

Máy bay chở hàng viện trợ của Mỹ tới Venezuela đỗ tại sân bay Camilo Daza, Colombia.

Máy bay chở hàng viện trợ của Mỹ tới Venezuela đỗ tại sân bay Camilo Daza, Colombia.

Phát biểu trong buổi họp báo thường kỳ ngày 28/3, bà Maria Zakharova nêu rõ: "Chúng tôi đã lưu ý tới bản thỏa thuận được ký kết giữa Hà Lan và Mỹ về việc sử dụng cơ sở hạ tầng trên đảo Curaçao để phục vụ mục đích viện trợ nhân đạo cho Venezuela”.

Theo bà Zakharova: “Nếu nhìn qua thì thỏa thuận này chỉ đơn thuần là việc cho phép quan chức Mỹ tiếp cận và sử dụng cơ sở hạ tầng tại đảo Curaçao, nhưng thực chất, ta không thể loại trừ khả năng [Washington] sẽ sử dụng thỏa thuận này nhằm mục đích triển khai những phương tiện khác ngoài phương tiện dân sự. Và những thứ đó là gì? Rõ ràng là phương tiện quân sự”.

“Chúng tôi hy vọng rằng chính quyền Curaçao sẽ không cho phép [Washington] sử dụng hòn đảo này làm bàn đạp cho một cuộc phiêu lưu chính trị mới, có nguy cơ khiến khu vực trở nên bất ổn", bà Zakharova nhấn mạnh.

Trước đó, Mỹ và và Hà Lan ngày 15/3 đã đạt được thỏa thuận cho phép Mỹ dùng các cơ sở trên đảo Curacao của Hà Lan làm nơi phân phối hàng viện trợ cho Venezuela.

Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hà Lan, đảo Curacao sẽ chỉ được dùng cho các hoạt động dân sự để chuyển hàng viện trợ như thuốc men và thực phẩm tới Venezuela nếu chính phủ Venezuela cho phép.

Về phía Venezuela, Tổng thống Nicolas Maduro nhất mực không nhận hàng viện trợ của Mỹ. Ông gọi nỗ lực viện trợ của Mỹ là vỏ bọc của một sự xâm lược nhằm phế truất ông. Ngược lại, lãnh đạo đối lập Venezuela, Juan Guaido, kêu gọi cho phép hàng viện trợ nhập cảnh.

Venezuela đang chứng kiến thời kỳ căng thẳng sôi sục, sau khi thủ lĩnh đối lập Juan Guaido tự nhận là "tổng thống lâm thời", trực tiếp thách thức quyền lực của Tổng thống Nicolas Maduro và nhận được sự hậu thuẫn của khoảng 50 quốc gia, trong đó có Mỹ và Hà Lan.

Tuy nhiên, ông Maduro vẫn nhận được sự hậu thuẫn của quân đội và nhiều quốc gia như Nga, Trung Quốc, Cuba, Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng kiểm toán chính phủ Venezuela Elvis Amoroso hôm 28/3 mới đây thông báo trên truyền hình quốc gia rằng thủ lĩnh đối lập Juan Guaido không giải thích được ông chi trả 94.000 USD cho 90 chuyến đi nước ngoài như thế nào kể từ khi làm việc tại quốc hội do phe đối lập kiểm soát.

Guaido cũng bị tố cáo gây tổn hại Venezuela thông qua những sự tương tác của ông với các chính phủ nước ngoài. Với những kết luận trên, Guaido bị cấm giữ chức vụ công trong 15 năm.

Ông Guaido gọi quyết định của Tổng kiểm toán chính phủ Venezuela là không có hiệu lực vì ông không được bổ nhiệm hợp pháp. Theo thủ lĩnh đối lập, cơ quan duy nhất có thể bổ nhiệm Tổng kiểm toán là quốc hội.

Thanh Tú

Theo TASS

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/nga-lat-tay-am-muu-cua-my-sau-thoa-thuan-voi-ha-lan-20180504224221547.htm