Nga lo cho phòng thủ tên lửa Mỹ

Những phân tích cho thấy người Nga quả thực rất am hiểu tình thế của nước Mỹ, nhất là trong bối cảnh New START sắp hết hiệu lực.

Mỹ loay hoay với phòng thủ tên lửa

Sau một thời gian “nhùng nhằng” trong đàm phán gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) với Nga, Mỹ bất ngờ có động thái xuống thang khi tuyên bố không theo đuổi nỗ lực đưa Trung Quốc vào cuộc. Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ phụ trách vấn đề kiểm soát vũ khí Marshall Billingslea thừa nhận mục tiêu ưu tiên của Washington hiện nay là đảm bảo một thỏa thuận chính trị với Nga.

Phải chăng Mỹ đã tự “lượng sức” nếu thỏa thuận song phương duy nhất giới hạn kho vũ khí hạt nhân của Nga hết hiệu lực vào tháng 2/2021? Vấn đề nằm ở chỗ, năng lực phòng thủ của Mỹ trước các loại vũ khí chiến lược được cho là đang có vấn đề.

Tên lửa Nga khiến Mỹ suy nghĩ lại về New START?

Tên lửa Nga khiến Mỹ suy nghĩ lại về New START?

Theo New START, Mỹ và Nga mỗi nước chỉ có thể triển khai 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm (SLBM), và máy bay ném bom tầm xa mang bom hạt nhân; không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân tầm xa; và không quá 800 bệ phóng ICBM, SLBM, máy bay ném bom có thể mang bom hạt nhân được triển khai hoặc chưa được triển khai.

Sputnik cho biết, để bảo vệ lãnh thổ Mỹ bằng mọi giá trước các vũ khí chiến lược từ Nga và Trung Quốc, Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ (ABM) dự định tạo ra hệ thống phòng thủ nhiều lớp hiệu quả hơn trước các tên lửa đạn đạo liên lục địa. Mục đích để đảm bảo an toàn khi Lầu Năm Góc phát triển tên lửa đánh chặn trên mặt đất thế hệ mới thay thế tên lửa đánh chặn phòng thủ tầm trung (GBMD) trên mặt đất.

Hiện nay, thành phần chính của hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia Mỹ là khoảng 60 tên lửa GBMD trên mặt đất được triển khai ở Alaska và California. Chúng có khả năng đánh chặn các mục tiêu đạn đạo ở pha giữa quỹ đạo bay.

Tuy nhiên, các thử nghiệm cho thấy GBMD không đủ hiệu quả, có thể chỉ tiêu diệt mục tiêu trong một nửa số trường hợp. Do đó, Mỹ đã khởi động chương trình Redesigned Kill Vehicle (RKV) để tạo ra loại đầu đạn mới nhằm thay thế các tên lửa đánh chặn động năng hiện có. Washington đã phân bổ 5,8 tỷ USD cho chương trình này.

Tàu chiến lớp Ticonderoga của hải quân Mỹ

Các công ty Raytheon, Boeing và Lockheed Martin dự kiến hoàn thành việc phát triển vào năm 2025 nhưng cơ quan ABM hủy hợp đồng hồi tháng 8/2019. Theo truyền thông Mỹ, nguyên nhân là do vấn đề thiết kế sản phẩm.

Lầu Năm Góc khởi động dự án khác mang tên Phương tiện đánh chặn thế hệ tiếp theo. Mỹ muốn sử dụng các yếu tố phòng thủ tên lửa khu vực được triển khai ở các khu vực khác nhau trên thế giới để bảo vệ trực tiếp lãnh thổ Mỹ. Theo đó, kế hoạch tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của Mỹ trước hết là bằng các tàu chiến trang bị Aegis và hệ thống phòng thủ tên lửa Standard. Hầu hết các tàu chiến này hiện đang hoạt động ở Thái Bình Dương.

Sputnik cho biết, khái niệm về hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp của Mỹ được cập nhật dựa trên việc một số tàu khu trục Arlie Burke và tuần dương hạm Ticonderoga sẽ thường xuyên làm nhiệm vụ ngoài khơi bờ biển Mỹ.

Nhiều lớp nhưng chắp vá

Tuy nhiên, người Nga chỉ ra “vấn đề” của Mỹ nằm ở chỗ dòng phương tiện đánh chặn Standard được thiết kế để tiêu diệt các tên lửa tầm ngắn, tầm trung và thực sự không có khả năng đánh chặn các mục tiêu đạn đạo liên lục địa. Cơ quan phòng thủ tên lửa lưu ý thành công của khái niệm mới phần lớn phụ thuộc vào các cuộc thử nghiệm cải tiến mới nhất của tên lửa đánh chặn Standard SM-3 Block IIA. Dự kiến vào cuối năm 2020, Mỹ sẽ cố gắng bắn hạ một mục tiêu mô phỏng ICBM ở quần đảo Hawaii.

Phó Đô đốc John Hill, Giám đốc Cơ quan phòng thủ tên lửa, nói: "Chúng tôi sẽ cho SM-3 Block IIA thử sức. Nó được thiết kế để đánh chặn các mục tiêu ở tầm ngắn và tầm trung. Chúng tôi sẽ phóng nó vào mục tiêu tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm xa. Mọi thứ sẽ ổn thỏa. Các cuộc thử nghiệm trải rộng theo nhiều múi giờ. Chúng tôi sẽ sử dụng cùng một thiết bị mô phỏng ICBM làm mục tiêu mà chúng tôi đã sử dụng trong vụ bắn thử nghiệm GBMD".

Tên lửa SM-3 Block IIA

ABM cũng không loại trừ việc bố trí biến thể Aegis trên mặt đất (Aegis Ashore) tại Mỹ, cụ thể là ở Hawaii. Các thành phần tương tự của các tổ hợp như vậy đã được người Mỹ triển khai ở Ba Lan và Romania. Mỹ cũng dự định đặt tại Nhật Bản nhưng đã bị Tokyo đã từ chối.

Một lớp khác của hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia Mỹ được Sputnik nhắc tới là hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), đặc biệt được triển khai ở Hàn Quốc và đảo Guam. Hồi đầu năm nay, ABM đã yêu cầu 273 triệu USD để nâng cấp số vũ khí này. THAAD được cho là có khả năng bắn hạ đầu đạn tên lửa trong pha cuối của quỹ đạo bay. Không có thông tin về việc sẽ cần đến bao nhiêu tổ hợp này để bao phủ Mỹ.

Theo Lầu Năm Góc, điều khó khăn nhất trong việc tạo ra một hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia nhiều lớp cập nhật là liên kết 3 thành phần GBMD, Aegis và THAAD với nhau. Phó Đô đốc Hill giải thích: "Giả sử một số ICBM được phóng vào khắp nước Mỹ, thời gian tính bằng phút, các GBMD quyết định nhường cuộc tấn công đánh chặn đầu tiên cho các tàu Aegis. Hiện nay, hạm đội chúng ta có thể tấn công thành công các mục tiêu đạn đạo nhưng vẫn chưa được thử nghiệm như một phần trong hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp”.

Tên lửa THAAD của Mỹ

Theo Phó Đô đốc Hill, “để có sự phối hợp hành động của các lớp khác nhau, cần phải tạo ra một mạng lưới thông tin liên lạc, thiết lập cơ chế tương tác hiệu quả của tất cả các yếu tố thuộc hệ thống phòng không. THAAD cũng như tên lửa Patriot cần phải được đưa vào mạng lưới này".

Sputnik dẫn lời các nhà phân tích Mỹ nhận định, một hệ thống phòng thủ nhiều lớp sẽ tạo sự thay đổi trong các quyết định về cách ứng phó với mối đe dọa. Các tên lửa đánh chặn thế hệ tiếp theo của Mỹ được cho là đầy hứa hẹn và sẽ được bổ sung sau. Mỹ đã phân bổ 4,9 tỷ USD để tiếp nhận vũ khí này vào trang bị trong giai đoạn 2027-2029.

Những phân tích trên của Sputnik cho thấy người Nga quả thực rất am hiểu tình thế của nước Mỹ, nhất là trong bối cảnh thỏa thuận song phương duy nhất giới hạn kho vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ là New START sắp hết hiệu lực.

Thái Minh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/nga-lo-cho-phong-thu-ten-lua-my-3418057/