Nga muốn bán tàu tên lửa tàng hình tối tân Karakurt cho Việt Nam

Tàu hộ vệ tên lửa tàng hình cỡ nhỏ Karakurt - Dự án 22800 được xem như ứng viên sáng giá nối tiếp lớp Molniya 1241.8 đang phục vụ trong biên chế Hải quân Việt Nam.

 Hãng thông tấn Sputnik của Nga mới đây đã đăng tải thông tin rất đáng chú ý liên quan tới tuyên bố của Phó Thủ tướng Nga Yury Borisov về triển vọng xuất khẩu vũ khí của nước này.

Hãng thông tấn Sputnik của Nga mới đây đã đăng tải thông tin rất đáng chú ý liên quan tới tuyên bố của Phó Thủ tướng Nga Yury Borisov về triển vọng xuất khẩu vũ khí của nước này.

Ông Borisov nói rõ: “Những chiếc tàu này có khả năng cơ động cao, chuyên chở hàng hóa lớn, trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại. Quan trọng nhất là được trang bị các tên lửa hành trình Kalibr".

"Tôi cho rằng tàu hộ vệ Dự án 22800 có tiềm năng xuất khẩu sang hàng loạt quốc gia đặc biệt là ở khu vực Thái Bình Dương bao gồm Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác", Sputnik dẫn lời ông Borisov.

Việc Nga có ý định xúc tiến xuất khẩu lớp tàu tên lửa tàng hình cỡ nhỏ tiên tiến nhất của mình cho các quốc gia đối tác ở châu Á - Thái Bình Dương được xem là diễn biến rất đáng chú ý.

Trong 3 quốc gia được ông Borisov nêu tên thì dễ nhận thấy Trung Quốc không có nhu cầu với lớp tàu này, Ấn Độ cũng đang muốn tung lực lượng hải quân ra xa bằng cách đóng mới và mua sắm tàu lớn, cho nên Việt Nam được nhận xét chính là đích ngắm số 1 của Nga.

Tàu hộ vệ tên lửa tàng hình cỡ nhỏ Karakurt theo đánh giá sẽ là đối tượng xứng đáng nhất tiếp nối sự thành công của lớp chiến hạm Molniya 1241.8 trong biên chế Hải quân Việt Nam khi nó có nhiều ưu điểm vượt trội.

Tàu có chiều dài 65 m; chiều rộng 10 m; mớn nước 2 m; lượng giãn nước đầy tải 800 tấn; tốc độ tối đa 30 hải lý/h; tầm hoạt động 2.500 hải lý; thời gian bám biển liên tục 15 ngày.

Hệ thống điện tử của Karakurt gồm 4 radar mảng pha quét chủ động (AFAR) quay về 4 hướng, tạo góc bao phủ kín 360 độ và không có góc chết, đây là thiết kế thường gặp trên các chiến hạm hiện đại.

Chính giữa tàu là cụm bệ phóng thẳng đứng đa năng UKSK, mang 8 tên lửa hành trình chống hạm siêu âm 3M-54 Kalibr-NK, bên cạnh đó tàu còn phóng được cả tên lửa hành trình đối đất 3M-14T hoặc tên lửa chống ngầm 91RE.

Phía trước cabin chỉ huy là pháo hạm AK-176MA với tháp pháo được thiết kế theo dạng tàng hình hóa đi kèm các thiết bị ngắm bắn quang điện tử tối tân hơn.

Hỏa lực phòng không của lớp Karakurt cũng rất đáng chú ý khi nó được lắp đặt module tên lửa - pháo phòng không tiên tiến Pantsir-M có tầm bắn tối đa 20 km, phát huy tác dụng tốt nhất khi chống lại tên lửa đối hạm bay thấp.

Thiết kế phần thượng tầng của Karakurt còn có nhiều bề mặt giúp tán xạ sóng radar, khiến cho tín hiệu của con tàu trên màn hiện sóng của đối phương là cực nhỏ.

Với những ưu điểm vượt trội trên, nếu được trang bị tàu tên lửa tàng hình lớp Karakurt thì chắc chắn sức mạnh của Hải quân Việt Nam sẽ gia tăng vượt bậc so với hiện tại.

Tuy nhiên vấn đề khó khăn gây cản trở kế hoạch trên cũng đã được nhắc tới, đó chính là đơn giá rất cao của con tàu, ước chừng không thua gì chiếc Gepard 3.9.

Nếu Nga thực sự muốn xuất khẩu lớp tàu tiên tiến này cho Việt Nam thì có lẽ họ sẽ phải có những gói tín dụng ưu đãi để đẩy nhanh tiến độ đặt hàng.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-nga-muon-ban-tau-ten-lua-tang-hinh-toi-tan-karakurt-cho-viet-nam/776744.antd