Nga muốn ký Hiệp ước hòa bình với Nhật Bản cùng điều khoản 'láng giềng tốt'

Ngày 21-2, hãng thông tấn TASS dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định Nga sẵn sàng ký một Hiệp ước Hòa bình với Nhật Bản vào bất kỳ thời điểm nào nếu văn bản này có một điều khoản về quan hệ láng giềng tốt.

Phát biểu tại một cuộc gặp của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (AEB), ông Lavrov nói: "Như Tổng thống Vladimir Putin đã đề xuất tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông, giờ đây chúng tôi hoàn toàn sẵn sàng soạn thảo và ký kết một bản hiệp ước hòa bình. Nhưng đó không phải là một bản hiệp ước hòa bình theo kiểu các hiệp ước được ký kết ngay sau khi kết thúc chiến tranh, bởi tình trạng chiến tranh giữa hai nước đã kết thúc ngay sau khi hai bên ký kết Tuyên bố Chung 1956. Bởi vậy chúng tôi muốn chuẩn bị một bản hiệp ước với vị thế của hàng thập kỷ cùng tồn tại và hợp tác trong nhiều lĩnh vực, từ đó đặt ra những quy định nền tảng cho mối quan hệ hữu nghị và láng giềng thân thiện của chúng ta".

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga cho biết các đồng nghiệp Nhật Bản của ông "có một hướng tiếp cận khác đối với bản hiệp ước hòa bình".

Ông cho rằng việc ký kết một hiệp ước hòa bình đòi hỏi Tokyo phải hoàn toàn công nhận kết quả Chiến tranh Thế giới thứ hai. Ông nói: "Việc ký kết hiệp ước hòa bình sẽ không thể hoàn tất nếu không có sự thừa nhận bắt buộc kết quả cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai, đã được nêu ra trong nhiều văn bản, nhưng quan trọng nhất là Hiến chương Liên hợp quốc". Theo ông Lavrov: "Hiến chương LHQ tuyên bố rằng tất cả những gì mà các cường quốc chiến thắng đã làm sẽ không phải chịu sự nghi ngờ, do đó đơn giản là không thể đi lệch khỏi những từ ngữ này". Tuy nhiên, "tới nay, chúng tôi không thấy Nhật Bản sẵn sàng xác nhận những gì mà họ đã ký kết trước khi gia nhập LHQ".

Kể từ những năm giữa thế kỷ 20, Nga và Nhật Bản đã tổ chức nhiều cuộc tham vấn nhằm thống nhất một bản hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Quần đảo Kuril hiện vẫn là điểm gây trở ngại chính bởi sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, quần đảo này đã được trao cho Liên xô trong khi Nhật Bản yêu cầu chủ quyền đối với bốn đảo phía nam của quần đảo.

Tháng 11-2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN ở Singapore và nhất trí rằng, hai nước sẽ đẩy nhanh đàm phán hiệp ước hòa bình trên cơ sở Tuyên bố chung năm 1956. Theo văn bản này, hai nước chấm dứt tình trạng chiến tranh và chính phủ Liên Xô sẽ trao trả đảo Shikotan và một nhóm các hòn đảo nhỏ có tên là Habomai cho Nhật Bản sau khi hai bên ký kết hiệp ước hòa bình.

Tuy nhiên, sau khi Nhật Bản và Mỹ ký kết Hiệp ước An ninh và Hữu nghị năm 1960, Liên xô đã từ chối thực hiện nghĩa vụ trao trả các hòn đảo. Tháng 1-1960, Chính phủ Xô-viết đã đưa ra một bản ghi nhớ tuyên bố rằng sẽ chỉ trao trả những hòn đảo này một khi toàn bộ các lực lượng nước ngoài rút ra khỏi Nhật Bản. Còn chính phủ Nga nhiều lần chỉ ra rằng văn bản không quy định rõ các điều kiện trao trả và bởi vậy hai bên cần phải làm rõ thêm.

THẢO NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/39278702-nga-muon-ky-hiep-uoc-hoa-binh-voi-nhat-ban-cung-dieu-khoan-lang-gieng-tot.html