Nga: Mỹ đang to tiếng chỉ để dọa nạt

Lo ngại trước bước tiến của Nga như dự án Burevestnik, Mỹ đang thực hiện những 'nỗ lực trẻ con' để khôi phục danh tiếng quân sự của mình.

Nga đợi vũ khí mới của Mỹ

Trang thông tin quân sự warlife của Nga ngày 11/10 cho đăng tải bài viết đánh giá về những nỗ lực của Mỹ trong các dự án vũ khí mới. Tác giả bài viết Alexandr Neukropny cho rằng do lo ngại trước bước tiến của Nga như trong dự án Burevestnik, Mỹ đang thực hiện những “nỗ lực trẻ con” để khôi phục danh tiếng quân sự của mình.

Đích thân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng tuyên bố “dọa nạt” thế giới về một loại vũ khí chưa từng có nào đó. Tuy nhiên, tác giả người Nga cho rằng những vũ khí mà nước Mỹ “đang chế tạo” không có gì khác ngoài sự “khoe khoang”, giống như tính cách của chính người nói vậy.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói chuyện với lãnh đạo tập đoàn Lockheed Martin trước một chiếc F-35 được đặt trong khuôn viên Nhà Trắng

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói chuyện với lãnh đạo tập đoàn Lockheed Martin trước một chiếc F-35 được đặt trong khuôn viên Nhà Trắng

Bài báo đặt câu hỏi liệu Nga có nên bắt đầu sợ hãi ngay từ bây giờ? Phải chăng Mỹ có cơ sở thực sự để nói đến sự vượt trội của mình trong lĩnh vực vực khí hay đây chỉ là một trò lừa bịp thường tình?

Vậy sự vượt trội của Mỹ nằm ở đâu? Phải chăng ở không quân? – Tác giả người Nga đặt câu hỏi. Bài báo thừa nhận không quân Mỹ có rất nhiều máy bay nhưng thực trạng mà ông Donald Trump từng gọi là “tác phẩm thực sự” của những chiếc F/A-18 Hornet đã từng được phơi bày. Theo đó, Tư lệnh không quân hải quân Mỹ đã điều trần trước quốc hội Mỹ hồi năm ngoái và cho biết chưa tới một nửa trong tổng số hơn 500 chiếc loại này có thể cất cánh và khả năng chiến đấu thậm chí chỉ có 1/3.

Chỉ riêng trong năm nay, đã có ít nhất 2 chiếc F-18 của Mỹ bị rơi. Vụ đầu tiên xảy ra hồi tháng 3 vừa qua ở ngoài khơi Florida. Vụ thứ hai xảy ra ở một khu vực gần Thung lũng Chết cách Los Angeles vài trăm cây số. Đây chỉ là những chuyến bay huấn luyện theo kế hoạch chứ không phải tình huống chiến tranh. Tác giả người Nga mỉa mai rằng có lẽ Tổng thống Mỹ đã vội vàng và phung phí lời khen cho những chiếc F-18.

Những chiếc F-16 của Mỹ còn bị tác giả Nga đánh giá là “tệ hơn nữa” dù từng chiếm vị trí là loại máy bay chiến đấu phổ biến nhất thế giới và thống trị bầu trời. Bài viết có đoạn: “Chúng thường rơi xuống từ bầu trời như những quả táo trong một cơn gió to”. Chiếc F-16 bị rơi gần nhất là ở Trier thuộc Tây Đức hôm 8/10. Trước đó, hồi tháng 5 năm nay, trên chính đất Mỹ, một chiếc F-16 trang bị đầy đủ vũ khí đã bị rơi trúng một nhà kho quân sự nhưng máy mắn không phát nổ và không gây thương vong.

Người Nga nhắc tới thực trạng của các máy bay Mỹ như những chiếc F-18

Về các loại tên lửa, bài báo Nga mỉa mai rằng người Mỹ “vẫn đang chế tạo” dù Tổng thống Trump đã nói về sự “hồi sinh và hiện đại hóa lực lượng hạt nhân” của nước Mỹ. Hồi đầu tháng 10, Bộ chỉ huy tác chiến toàn cầu của Không quân Mỹ đã thử nghiệm một tên lửa đạn đạo nhưng tác giả Nga cho rằng “còn quá sớm để sợ”.

Lý do được tác giả Nga đưa ra: đó chỉ là “lão già” Minuteman vốn có trong trang bị của Mỹ nửa thế kỷ qua. Đại tá Mỹ Omar Colbert, chỉ huy đơn vị trực tiếp thử nghiệm, dù mạnh miệng tuyên bố rằng vụ phóng thử là thông điệp đối với các đối thủ tiềm tàng nhưng đành phải thừa nhận vụ phóng nhằm kiểm tra xem các tên lửa này đã biến thành phế liệu trong các hầm phóng hay chưa!

Tác giả người Nga cũng nêu ra ví dụ liên quan tới tên lửa đối hạm, tàu ngầm, các hệ thống tên lửa phòng không như Patriot...để cho thấy nước Nga vẫn đang “đợi” xem Mỹ có gì để dọa nạt.

Nguy cơ đua vũ trang

Bài báo trên được báo Nga đăng tải sau khi Điện Kremlin hôm 8/10 bày tỏ quan ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới với Mỹ và cho biết đang giám sát chặt chẽ những động thái của Washington phát triển những hệ thống vũ khí mới.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ: "Chúng tôi đang giám sát chặt chẽ những bước đi mà Washington thực hiện để phát triển các hệ thống vũ khí mới. Các bạn biết đó là các công việc nghiên cứu nhằm tạo ra những tên lửa tầm trung vi phạm Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) hiện không còn tồn tại, là nguyên nhân cốt lõi đằng sau sự sụp đổ của văn kiện vốn rất quan trọng trong vấn đề an ninh quốc tế".

Ông Peskov lưu ý Kremlin quan ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới tiềm ẩn mặc dù tin rằng Nga có lợi thế công nghệ để đảm bảo sự cân bằng sức mạnh.

Nga tự tin có lợi thế công nghệ để cân bằng sức mạnh với Mỹ

Đại diện Mỹ và Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) hồi cuối tháng 8 vừa qua cũng cáo buộc lẫn nhau về nguy cơ một cuộc chạy đua vũ trang mới. Phó Đại sứ Nga tại LHQ Dmitry Polyanskiy cho rằng việc Mỹ phóng thử tên lửa hành trình từ mặt đất hôm 18/8, chỉ nửa tháng sau khi đơn phương hủy INF, chứng tỏ “Mỹ sẵn sàng cho một cuộc chạy đua vũ trang”. Ông nói thêm rằng trái ngược với Mỹ, Nga sẵn sàng “đối thoại nghiêm túc” về kiểm soát vũ trang, đồng thời cáo buộc các nước châu Âu hùa theo các lệnh cấm vận của Mỹ.

Về phần mình, Phó Đại sứ Mỹ tại LHQ Jonathan Cohen bình luận các cuộc thử nghiệm của Mỹ nhằm phát triển tiềm lực vũ khí thông thường, không phải là hành động gây hấn hay gây bất ổn và Mỹ sẽ không chịu ngồi yên khi Nga, Trung Quốc tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự.

Đại diện Mỹ cho biết Washington quan tâm đến các hình thức “kiểm soát vũ trang nghiêm túc” bao gồm cả Trung Quốc và vượt khỏi các hiệp định chỉ tập trung vào giới hạn vũ khí hạt nhân hay tầm bắn của tên lửa. Tuy nhiên, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Zhang Jun khẳng định Bắc Kinh không quan tâm đến việc trở thành một bên của hiệp ước kiểm soát vũ trang cùng Mỹ với Nga.

Mỹ thử tên lửa tầm trung hôm 18/8

Sau khi Mỹ đơn phương hủy bỏ INF, Nga và Mỹ hiện chỉ còn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START Mới) làm cơ sở “kiềm chế nhau”. Tuy nhiên, Mỹ tỏ rõ dấu hiệu không muốn gia hạn thỏa thuận sẽ hết hiệu lực vào tháng 2/2021.

Theo giới phân tích quốc tế, nếu không có Hiệp ước START Mới thì lần đầu tiên sau gần nửa thế kỉ, sẽ không có sự ràng buộc về mặt pháp lý và những giới hạn có thể xác minh được đối với kho hạt nhân của Mỹ hoặc Nga. Một khi Hiệp ước này hết hạn, cả Nga và Mỹ đều có thể đưa thêm hàng trăm đầu đạn hạt nhân vào hệ thống phóng tầm xa của mình so với con số giới hạn 1.550.

Một trong những lý do khiến Mỹ tỏ thái độ không muốn gia hạn START Mới là do Nga phát triển tên lửa siêu thanh Avangard. Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Avangard hay bất cứ một hệ thống phóng vũ khí hạt nhân mới nào của Nga, cho dù là ngư lôi hay tên lửa tầm xa, cũng bị kiểm soát bởi Hiệp ước START mới. Tuy nhiên, người Nga không có vẻ đồng tình với quan điểm này.

Bảo Minh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/nga-my-dang-to-tieng-chi-de-doa-nat-3389328/