Nga, Mỹ đối đầu tại Liên hợp quốc về vũ khí hóa học ở Syria

Nga và Mỹ vừa có cuộc tranh cãi nảy lửa tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về cáo buộc tấn công hóa học ở Syria. Trong khi Mỹ tìm cách thúc đẩy cơ quan này ra một tuyên bố chỉ trích với 'ngôn từ mạnh nhất' thì Nga lại đổ lỗi cho Mỹ đang làm phức tạp hóa nỗ lực điều tra của cộng đồng quốc tế về các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại quốc gia Trung Đông này.

Đại sứ Mỹ Nikki Haley tại HĐBA LHQ ngày 2-2. Ảnh: Reuters

Tranh cãi nảy lửa

Phát biểu trong cuộc họp tại HĐBA LHQ, Đại sứ Mỹ Nikki Haley khẳng định đã có "bằng chứng rõ ràng từ hàng chục nạn nhân" về các vụ tấn công này ở khu vực Đông Ghouta do phe nổi dậy kiểm soát. Theo dự thảo tuyên bố do Mỹ soạn thảo, Washington đề xuất HĐBA thông qua một tuyên bố chỉ trích với "ngôn từ mạnh nhất" về một vụ tấn công được cho bằng khí clo tại thị trấn Douma, khiến 20 dân thường bị thương, trong đó có trẻ em.

Trong khi đó, Đại sứ Nga Vassily Nebenzia đã cáo buộc Mỹ đang phát động "chiến dịch tuyên truyền" nhằm quy trách nhiệm sai cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad về các vụ tấn công hóa học. Theo ông, đến nay chưa thể xác định thủ phạm thực hiện những vụ việc này. Phía Nga đã đề xuất một tuyên bố sửa đổi, theo đó không đề cập đến vụ tấn công ở Đông Ghouta và nhấn mạnh rằng những vụ việc này cần được "tiến hành điều tra một cách đáng tin cậy và chuyên nghiệp". Theo các nhà ngoại giao, phía Mỹ đã bác những thay đổi này và do đó HĐBA đã không thông qua bất kì tuyên bố nào.

Việc sử dụng vũ khí hóa học trong chiến tranh ở Syria làm dân thường thiệt mạng luôn là vấn đề hết sức nhạy cảm. Từ năm 2014, Syria đã giao nộp toàn bộ kho vũ khí hóa học của mình và một phái bộ chung giữa LHQ và Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học (OPCW) đã tiến hành giám sát việc tiêu hủy toàn bộ số vũ khí này.

Tuy nhiên, ngày 4-4-2017, vụ tấn công bằng khí độc tại Khan Shaykhun, tỉnh Idlib của Syria đã làm hơn 80 người thiệt mạng. Hai tháng sau vụ tấn công Khan Shaykhun, nhóm điều tra của OPCW đã công bố kết quả tìm hiểu và khảo sát thực địa hiện trường vụ tấn công, theo đó xác định chất độc hóa học đã được sử dụng là sarin, một loại khí độc thần kinh. Tuy nhiên, Nga một lần nữa bác bỏ báo cáo của OPCW, cho rằng tài liệu này là vô căn cứ đồng thời không trả lời được câu hỏi “Kẻ nào phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công?” và “Vũ khí hóa học đã được sử dụng như thế nào?”

Chưa đi đến hồi kết

Tranh cãi giữa Nga và Mỹ xung quanh vấn đề vũ khí hóa học được sử dụng tại Syria đến nay vẫn chưa đi đến hồi kết. Ngày 2-2 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã cáo buộc Chính phủ Syria đã nhiều lần sử dụng khí clo trong các cuộc giao tranh. Giới chức Mỹ khẳng định các cuộc tấn công sử dụng vũ khí hóa học giống như “một phương tiện khủng bố”. Tuy nhiên, rất khó để truy tìm nơi cất giấu vũ khí hóa học của Syria. Một ngày trước đó, chính quyền Mỹ cũng đưa ra cảnh báo sẵn sàng tính đến hành động quân sự nếu cần thiết nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công có sử dụng vũ khí hóa học.

Các chuyên gia vũ khí hóa học LHQ tại Syria. Ảnh: AP

Tuy nhiên, cả Nga và Syria đều tố cáo Mỹ đang “nói dối” về các cuộc tấn công vũ khí hóa học trong cuộc xung đột Syria, như một cách để đánh lạc hướng các nỗ lực nhằm chấm dứt giao tranh tại quốc gia đầy bất ổn này. Bộ Ngoại giao Syria nhấn mạnh, cáo buộc mà phía Mỹ đưa ra vào thời điểm này có thể hủy hoại những nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng Syria thông qua con đường hòa bình mà không cần có sự can thiệp của nước ngoài.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, các cuộc điều tra sẽ sử dụng những thông tin "xác thực và không thể chối cãi tiếp nhận từ các nguồn tin minh bạch và đáng tin cậy..., theo đó tạo nên những bằng chứng cho HĐBA trong việc xác định thủ phạm sử dụng vũ khí hóa học".

Giới quan sát cho rằng, mặc dù Đại hội đối thoại dân tộc Syria diễn ra tại thành phố Sochi của LB Nga ngày 30-1 đã thông qua những nguyên tắc chủ yếu để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, song việc Mỹ-Nga liên tục hục hặc, từ vấn đề chính trị cho tới quân sự, có thể tạo thêm nhiều rào cản lớn cho nỗ lực giải quyết khủng hoảng tại Syria. Theo thống kê, cuộc xung đột kéo dài gần 7 năm qua ở Syria đã cướp đi hơn 340.000 sinh mạng, buộc 7 triệu người phải đi sơ tán ở trong nước và 5,3 triệu người phải đi lánh nạn sang nhiều nước khác. Trong khi đó, 10 triệu người khác đang phải sống trong cảnh rất khó khăn và nguy hiểm.

Ngọc Oanh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nga-my-doi-dau-tai-lien-hop-quoc-ve-vu-khi-hoa-hoc-o-syria/