Nga-Mỹ liệu có cải thiện quan hệ?

Cuộc gặp của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã đạt được kết quả ngoài mong đợi với thiện chí đối thoại. Dẫu vậy, cả hai bên vẫn chưa thể khôi phục lòng tin và chưa thể kỳ vọng về sự đột phá bởi nguy cơ bất đồng vẫn còn hiện hữu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (bên trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga tại thành phố Geneva, ngày 16-6. Ảnh: Reuters

Những ngày qua, mọi con mắt đều đổ dồn về thành phố Geneva, Thụy Sỹ, nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ đầu tiên kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1 năm nay. Đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai siêu cường quốc ngày càng xấu đi.

Cuộc gặp của hai nguyên thủ hàng đầu thế giới không bao gồm bữa ăn chung và họp báo chung. Điều này đã cho thấy mức độ căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai nước vẫn ở mức rất cao. Trước cuộc gặp này, quan hệ hai nước liên tục chứng kiến những “đòn trả đũa” ngoại giao căng thẳng, khiến quan hệ đạt mức xấu nhất trong 3 thập kỷ đầy biến động vừa qua.

Điểm lại một vài nét chính trong Hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ vừa qua, phân tích từ giới chuyên gia chính trị quốc tế chỉ ra 3 nội dung quan trọng nhất. Trước hết, việc hai bên đưa ra Tuyên bố chung cho thấy thiện chí đối ngoại và bước đầu tìm được tiếng nói chung. Tuyên bố chung nhấn mạnh việc hai nước sẽ sớm khởi động đối thoại toàn diện về ổn định chiến lược, nhất trí tham vấn về việc triển khai Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START-3).

Tiếp đó, hai bên nhất trí nối lại hoạt động tham vấn ngoại giao với việc cử đại sứ của mình quay trở lại cơ quan đại diện ngoại giao ở hai nước. Việc nối lại hoạt động của các cơ quan ngoại giao cho thấy, cả hai bên cùng nhận thức về tầm quan trọng và cần thiết trong việc giảm nhiệt căng thẳng, hơn hết là thiện chí đối thoại với tinh thần xây dựng, đặc biệt là việc bình thường hóa quan hệ song phương sẽ mang tới những lợi ích cho cả Nga và Mỹ. Vấn đề an ninh mạng cũng trở thành “điểm nhấn” quan trọng hàng đầu tại cuộc gặp khi cả hai bên đạt được thống nhất sẽ làm việc cùng nhau ở cấp chuyên gia để giải quyết những mâu thuẫn về an ninh mạng lâu nay.

Theo các nhà quan sát, sau cuộc gặp, hai nguyên thủ tổ chức họp báo riêng nhưng tinh thần chung là khá tích cực khi cùng cho thấy giọng điệu lạc quan, cởi mở, thẳng thắn, tôn trọng lẫn nhau. Hơn hết là quan điểm sẵn sàng hợp tác mang tính xây dựng, cùng đề cao lợi ích chung, thay vì tìm cách gây áp lực, tiếp tục leo thang căng thẳng.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng, hai nhà lãnh đạo đã mang đến một kết quả vượt ngoài mong đợi, thể hiện rõ nét thiện chí đối thoại và cùng khẳng định sự cấp thiết của các hoạt động hợp tác nhằm ngăn chặn việc leo thang, từng bước giảm nhiệt căng thẳng. Điều này cũng khẳng định cho nỗ lực hiện thực hóa những mong muốn cải thiện mối quan hệ song phương của hai nước.

Dù được đánh giá là có kết quả tích cực, song, các nhà phân tích vẫn cho rằng, đây chỉ là bước đầu thuận lợi, bởi thực tế cả hai bên chưa cho thấy việc có thể khôi phục lòng tin. Tựu chung, kết quả của cuộc gặp giữa hai Tổng thống cũng không cho thấy khả năng Nga - Mỹ có thể đạt được bất kỳ bước đột phá nào trong quan hệ bởi những nguy cơ bất đồng vẫn rất cao.

Trước những hoài nghi về hiệu lực và sự thực chất của cuộc gặp này, giới chuyên gia chính trị quốc tế cho rằng, trong bối cảnh căng thẳng ở đỉnh điểm, rất khó để ngay lập tức đạt được triển vọng cải thiện quan hệ, nên đây chỉ được xem là một “bước đầu”. Trước mắt, kết quả tích cực trong cuộc gặp sẽ giúp hai nước tạm lắng các hành động leo thang căng thẳng để tạo động lực khởi động quá trình nối lại đối thoại trong những tháng tới với nhiều khả năng từng bước đạt được tiến bộ.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nga-my-lieu-co-cai-thien-quan-he-post440964.html