Nga-Mỹ thất bại trong đàm phán cứu vãn Hiệp ước INF

Một cuộc họp ngày 16/1 giữa Nga và Mỹ để giải quyết những cáo buộc của Washington cho rằng Moscow vi phạm Hiệp ước INF, đã kết thúc trong thất bại.

Từ ngày 2/2/2019, Hoa Kỳ sẽ bắt đầu tiến trình rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) 1987. Thứ trưởng phụ trách các vấn đề Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế Andrea Thompson thông báo sau khi thuyết trình cho các đồng minh NATO ngày 16/1.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov

“Ngày hôm qua chúng tôi không thể có được đột phá mới với Nga”, bà Thompson nói về cuộc họp ngày 15/1 với các giới chức Bộ Ngoại giao Nga tại Geneva.

“Căn cứ vào những cuộc thảo luận này, chúng tôi không thấy có chỉ dấu nào là Nga sẽ chọn lựa việc tuân thủ hiệp ước”, bà Thompson nói với các phóng viên.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov ngày 16/1 nói Hoa Kỳ không xem xét một cách thích đáng những đề nghị của Moscow để cứu vãn hiệp ước và ngăn ngừa một cuộc chạy đua vũ trang mới tại châu Âu.

Moscow nói tầm bắn của các tên lửa của Nga nằm ngoài hiệp ước và khoảng cách tên lửa bay đến không xa như Washington cáo buộc, có nghĩa là Moscow hoàn toàn tuân thủ INF.

Hiệp ước INF, được Tổng thống Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Xô-viết Mikhail Gorbachev thời đó thương thuyết và được Thượng viện Mỹ phê chuẩn, tiêu hủy kho tên lửa tầm trung của hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới và giảm thiểu khả năng tấn công hạt nhân.

Trước đó vào ngày 4/12/2018, Bộ Ngoại giao Nga cho biết đã nhận được thông báo chính thức từ Hoa Kỳ rằng họ có ý định rời khỏi Hiệp ước INF.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cùng ngày đã thông báo rằng Washington sẽ đình chỉ các nghĩa vụ của mình nêu trong Hiệp ước INF trong 60 ngày tới do có cáo buộc là Nga "gian lận". Như vậy tính đến ngày 2/2/2019, thời hạn 60 ngày sẽ hết.

Nga đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ và NATO rằng họ đang vi phạm hiệp ước mang tính bước ngoặt đã cấm toàn bộ hạng mục vũ khí nêu trên.

Phát biểu sau thông báo của đại diện Mỹ, ngày 16/1, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết Hoa Kỳ phải đảm bảo "sự sống còn" của Hiệp ước INF và thực hiện phần nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận này, nếu không, trách nhiệm về việc phá vỡ INF sẽ thuộc về Washington.

"Hoa Kỳ phải nhìn lại các khía cạnh riêng của mình trong việc thực hiện Hiệp ước INF để đảm bảo cho thỏa thuận này tồn tại được. Nếu họ chưa sẵn sàng cho điều này, nếu chúng ta tiếp tục quan sát thấy Hoa Kỳ mong muốn trút mọi vấn đề từ người ốm sang người khỏe, đương nhiên chúng ta sẽ kết luận Hiệp ước INF là không cần thiết đối với Hoa Kỳ, "trói tay trói chân" không cho Washington phát triển những hệ thống tương tự", ông Ryabkov nói.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga, ở đây vấn đề "liên quan nhiều hơn đến việc Hoa Kỳ chú trọng tới các ưu tiên quân sự của chính họ trên thế giới, chứ không không liên quan đến Nga". "Đây là những vấn đề của họ. Quan điểm của chúng tôi là cần giải quyết các vấn đề trên cơ sở bình đẳng, cân nhắc lợi ích lẫn nhau, tìm sự cân bằng về quyền và nghĩa vụ. Chúng tôi đã sẵn sàng cho vấn đề này. Chúng tôi đã đưa ra những đề xuất cụ thể về điều này, kể cả trong các cuộc tham vấn ở Geneva. Nếu Mỹ chưa sẵn sàng thì có nghĩa là nếu Washington có cái nhìn khác về toàn bộ vấn đề này. Trách nhiệm phá vỡ hợp đồng sẽ thuộc về họ", ông Ryabkov nhấn mạnh.

Th.Long

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nga-my-that-bai-trong-dam-phan-cuu-van-hiep-uoc-inf-526302.html