Nga-NATO duy trì Bầu trời Mở, Mỹ sẽ phá NEW START?

Châu Âu và Nga sẵn sàng duy trì hợp tác Hiệp ước Bầu trời Mở trong khi Mỹ có thể sẽ tiếp tục kết thúc Hiệp ước NEW START.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi đi thông báo với phía Nga về việc Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở. Lý do được ông Trump nêu ra là do Nga đã vi phạm các quy định của Hiệp ước.

Báo Nga tin rằng, Mỹ tìm cách kéo châu Âu phá Hiệp ước Bầu trời Mở.

Báo Nga tin rằng, Mỹ tìm cách kéo châu Âu phá Hiệp ước Bầu trời Mở.

Động thái của Mỹ gây lo ngại cho các nước thành viên còn lại của tổ chức ở Bắc Đại Tây Dương NATO. Hãng thông tấn TASS của Nga dẫn một nguồn tin ngoại giao tại Brussels cho biết, Mỹ muốn “lôi kéo” các đồng minh ủng hộ quyết định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, với lý do Nga không tuân thủ Hiệp ước.

Theo giới ngoại giao, Mỹ đã nhiều lần đưa vấn đề về Hiệp ước ra thảo luận tại cuộc họp ở nhiều cấp của NATO thời gian gần đây.

Tuy nhiên chưa có cuộc tham vấn nào về chủ đề này giữa các nước thành viên NATO từ đầu tháng 5 đến nay.

Các nước NATO hiện vẫn khẳng định cam kết duy trì Hiệp ước Bầu trời Mở, có tính đến các yêu cầu cảu phía Nga đưa ra giới hạn bay trên bầu trời Kaliningrad hay các khu vực biên giới giữa Nga và Gruzia. Các quốc gia châu Âu nhận thấy, Hiệp ước giúp mỗi nước có quyền giám sát các cam kết của nước khác, đã từng đóng vai trò quan trọng ở Ukraine trong vụ Nga sáp nhập Crimea.

Trong một thông cáo chung, 10 nước Liên Hiệp Châu Âu trong đó có Pháp, Đức, Bỉ, Tây Ban Nha, Hà Lan khẳng định sẽ tiếp tục áp dụng hiệp ước. Sau một cuộc họp khẩn hôm 22/5, đại sứ các nước thành viên NATO cùng với tổng thư ký Jens Stoltenberg nhận định cách tốt nhất để duy trì hiệp ước là Nga phải tôn trọng cam kết. Ông Stoltenberg nêu ra việc Moscow chỉ thực hiện những nghĩa vụ một cách chọn lọc.

Trong khi đó, phía Nga đã liên tục nhấn mạnh sẽ tiếp tục duy trì Hiệp ước này, đánh giá sự từ chối tham gia Hiệp ước của Mỹ là "đáng tiếc".

Bộ Ngoại giao Nga ra thông cáo khẳng định, Moscow sẵn sàng đối thoại với Mỹ về Hiệp ước Bầu trời mở, song chỉ trên cơ sở bình đẳng, có tính tới mối quan tâm của nhau. Moscow nhận định động thái của Mỹ gây thiệt hại đáng kể cho an ninh châu Âu.

Thông cáo nhấn mạnh, Nga sẽ xây dựng chính sách liên quan Hiệp ước Bầu trời mở trên cơ sở lợi ích an ninh quốc gia và phối hợp chặt chẽ với các đồng minh, đối tác.

Giới chức ngoại giao thế giới nhận thấy, người Mỹ đang tích cực xóa bỏ các Hiệp ước cam kết với Nga và điều này có nguy cơ dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang mới với hậu quả khó kiểm soát nếu không có những hiệp ước mới.

Giới chuyên gia nhận định, từ các tiến bộ về vệ tinh, Washington không cần hiệp ước Bầu trời mở để thu thập thông tin. Động thái của Mỹ là một đòn mới đối với các hiệp ước quốc phòng quốc tế, sau khi Washington đã rút lui khỏi hiệp ước về loại bỏ hỏa tiễn tầm trung và tầm ngắn (INF).

Tướng Jean-Paul Palomeros, cựu tư lệnh NATO cho rằng việc này tham gia vào việc phá hủy dần việc xây dựng lòng tin về an ninh châu Âu.

Còn nhà chính trị học Jean-Pierre Maulny nhận định tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp ước này là "thêm một viên đá hướng về việc chấm dứt đa phương, sự gắn kết của NATO và chính sách giải trừ vũ khí".

Ông Corentin Brustlein, giám đốc IFRI lý giải : "Bầu trời mở không phải là một hiệp ước cổ điển nhằm hạn chế năng lực quân sự, nhưng nhằm bảo đảm tính minh bạch trong thời gian dài. Với các vệ tinh, Mỹ không cần đến hiệp ước này để giám sát ; nhưng đối với châu Âu, việc cho phép hoặc từ chối bay qua Nga chẳng hạn, sẽ giúp thiết lập hoặc từ chối đối thoại".

Rõ ràng trong bối cảnh căng thẳng với Nga gia tăng, Hiệp ước Bầu trời mở là một yếu tố then chốt trong khuôn khổ xây dựng lòng tin, nhằm tăng cường tính minh bạch và an ninh ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương, giảm những hiểu lầm có thể leo thang thành xung đột giữa các bên. Việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở cũng có thể báo hiệu cho bước đi tiếp theo xóa bỏ Hiệp ước START mới hết hạn vào tháng 2 năm tới.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nga-nato-duy-tri-bau-troi-mo-my-se-pha-new-start-3403758/