Nga nhắm Trung Quốc là khách hàng lớn về khí đốt

Cũng liên quan tới khí đốt, Nga mới đây công bố dự án xây dựng đường ống Sức mạnh Siberia 2 dẫn tới Trung Quốc. Nga cũng không dấu mục đích là nhằm thay thế đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 qua châu Âu, và nhắm tới khách hàng lớn là Trung Quốc.

THAM VỌNG THAY THẾ DÒNG CHẢY PHƯƠNG BẮC 2

Tổng thống Nga VLADIMIR PUTIN: “Nga nhận thấy sự phát triển hợp tác với Trung Quốc và Mông Cổ trong lĩnh vực năng lượng là vô cùng hứa hẹn. Việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt Soyuz-Vostok từ Nga đến Trung Quốc qua lãnh thổ của Mông Cổ đang nằm trong chương trình nghị sự."

Đây là thông báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và và Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh bên lề Tổ chức Hợp tác Thượng Hải lần thứ 22. Theo đề xuất, đường ống dẫn khí đốt Sức mạnh Siberia 2 sẽ đi qua nửa phía đông của Mông Cổ, đến khu vực Nội Mông, phía bắc Trung Quốc.

Gazprom bắt đầu thực hiện nghiên cứu tính khả thi của dự án vào năm 2020 và đặt mục tiêu bắt đầu vận hành từ năm 2030. Dự án đường ống 2.600km này có thể vận chuyển 50 tỷ m3 khí đốt tự nhiên mỗi năm, gần như ngang bằng với công suất của Dòng chảy phương Bắc 1 dẫn từ Nga sang Đức qua đáy biển Baltic.

Trước khi đường ống Sức mạnh Siberia đi vào hoạt động, hầu như toàn bộ hệ thống đường ống của Nga đều hướng tới việc vận chuyển khí đốt cho châu Âu, khiến việc xoay trục sang phía Đông trở thành nỗ lực tốn kém và tốn thời gian đối với Moscow.

TRUNG QUỐC – KHÁCH HÀNG LỚN THAY THẾ CHÂU ÂU

Ngày 7/9 vừa qua, tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông 2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo, tập đoàn Gazprom đã đạt một thỏa thuận với đối tác Trung Quốc, bắt đầu việc thanh toán cho nguồn cung khí đốt tới nước này bằng cả đồng nhân dân tệ và đồng rúp thay vì sử dụng đồng USD.

Tổng thống Nga VLADIMIR PUTIN: "Giờ đây sức ảnh hưởng của đồng đô la, đồng euro và đồng bảng Anh, vốn là những đơn vị tiền tệ để thanh toán toán, dự trữ và định giá tài sản đã suy yếu. Từng bước chúng ta đang chuyển dần sang sử dụng các tiền tệ đáng tin cậy hơn.”

Việc thanh toán bằng đồng rúp của Nga và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ đem lại lợi ích cho cả 2 quốc gia do việc thanh toán được đơn giản hóa, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế.

Trước đó, Công ty Gazprom của Nga đã cung cấp khí đốt sang Trung Quốc qua đường ống Sức mạnh Siberia theo hợp đồng 30 năm trị giá 400 tỷ USD, được vận hành từ cuối năm 2019. Hồi tháng 2/2022, Bắc Kinh cũng đã đồng ý mua khí đốt từ Đảo Sakhalin ở vùng Viễn Đông của Nga, dự kiến được vận chuyển qua một đường ống mới đi qua Biển Nhật Bản tới tỉnh Hắc Long Giang. Đường ống này sẽ đạt công suất 10 tỷ m3/năm.

Theo các chuyên gia, Nga hiện đang đẩy mạnh thiết lập và phát triển các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với các quốc gia không thuộc khối đồng minh Mỹ và EU, tạo bàn đạp xuất khẩu hydrocacbon tới các thị trường mới nổi hơn để tiêu thụ.

Thực hiện : Đỗ Lê Ngọc Anh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nga-nham-trung-quoc-la-khach-hang-lon-ve-khi-dot