Nga 'núp gió' hướng Đông đua Mỹ

Moscow không có lý do gì để phản đối 'Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương' của Mỹ vì khái niệm này có thể bổ sung cho chính sách hướng Đông của Nga.

Nga quyết chí hướng Đông

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 33 và các hội nghị liên quan vừa kết thúc tại Singapore khiến giới phân tích đồn đoán về chính sách của các nước lớn đối với khu vực. Trong khi Mỹ chỉ cử Phó Tổng thống Mike Pence tham dự thì đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tới tham dự sự kiện diễn ra trong các ngày 13-15/11.

Theo các chuyên gia, điều này đã làm dấy lên hy vọng rằng Nga và các nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ có những phối hợp hành động hiệu quả, nhất là trong bối cảnh quan hệ giữa Nga với Mỹ và châu Âu ngày càng căng thẳng. Bên cạnh đó, một Đông Á đang mắc kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc đang muốn Nga đóng vai trò tích cực hơn để thúc đẩy ổn định khu vực.

Tổng thống Nga Putin tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) ở Singapore ngày 15/11

Theo trang mạng Câu lạc bộ Valdai của Nga, điểm đến Singapore, vốn được coi là "trung tâm Đông Nam Á", mang lại cho Tổng thống Putin những cơ hội lớn để mở rộng hợp tác thương mại và khoa học kỹ thuật với khu vực. Các hiệp định kinh tế song phương mà Tổng thống Nga có thể ký kết với Singapore sẽ trở thành động lực mạnh mẽ cho các nước khác trong khu vực xét trên phương diện tăng cường quan hệ với Moscow.

Đông Á được giới phân tích Nga đánh giá cao bởi vì từ những năm 1990 đã trở thành đầu tàu tăng trưởng kinh tế. Sự gia tăng xung đột giữa Nga với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt sau cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014, cũng buộc Nga phải tập trung vào khu vực Á-Âu.

Một lý do rất “nhạy cảm” khiến Nga phải mở rộng các mối quan hệ trong khu vực là do lo ngại phụ thuộc vào Trung Quốc. Tất cả đều biết rằng, trong bối cảnh sức ép chính trị từ phương Tây và các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Nga gia tăng, mối quan hệ giữa Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình càng được củng cố. Điều này góp phần mở rộng không gian hành động trong mối quan hệ giữa Nga và phương Tây, nhưng cũng đặt Moscow trước mối đe dọa trở thành "đối tác dưới cơ" của Bắc Kinh tại Đông Á.

Do đó, Moscow buộc phải có cách tiếp cận độc lập đối với Tây Thái Bình Dương bởi những thỏa thuận giữa Nga và Mỹ vẫn chưa có triển vọng, trong khi sự phụ thuộc của Moscow vào Bắc Kinh được cho là đang gia tăng.

Giới phân tích cũng chỉ ra 4 nhân tố thôi thúc Nga quay sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, gồm kinh tế, kỹ thuật quân sự, hợp tác với ASEAN và vấn đề chiến lược.

Tổng thống Putin chụp ảnh cùng các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á tại Singapore

Về kinh tế, do chịu nhiều thiệt hại từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, các nước châu Á có thể mang lại nhiều lợi ích cho các công ty của Nga trên phương diện hợp tác. Nhiều quốc gia trong số đó có thể giúp Nga mở rộng cơ hội phát triển ở khu vực Viễn Đông.

Trong vấn đề hợp tác kỹ thuật-quân sự, Nga xuất khẩu vũ khí sang một loạt nước trong khu vực. Nga đã hiện đại hóa Bộ Tư lệnh ở Viễn Đông, khôi phục Hạm đội Thái Bình Dương và đang tăng cường cơ sở vật chất tại Thái Bình Dương.

Với việc sử dụng hợp lý các phương tiện có trong tay, sức mạnh quân đội Nga có thể trở thành bộ phận cấu thành quan trọng trong sự phát triển năng động chính trị-quân sự.

Giới phân tích cũng đánh giá cao sự hợp tác giữa Ng với ASEAN vì tổ chức ở Đông Nam Á khác với EU, theo truyền thống thực hiện chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác do đó có thể hợp tác với Nga dễ dàng hơn.

Về mặt chiến lược, việc tham gia các diễn đàn của ASEAN giúp Nga củng cố nỗ lực khôi phục vai trò quan trọng trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên, bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản và phối hợp hành động với Mỹ bên ngoài các khuôn khổ châu Âu, Đại Tây Dương.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-nup-gio-huong-dong-dua-my-3369368/