Ngã ở đâu thì đứng dậy chỗ đó

Gần 18 năm gắn bó cùng sự nghiệp trồng người với biết bao khó khăn, gian khổ nơi bản dốc cheo leo, hoang vu, hẻo lánh, những khi gặp trời mưa trơn trượt, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Nhung thường nói vui với đồng nghiệp: 'Vì tình yêu thương con trẻ, ngã ở đâu thì đứng dậy chỗ đó, bởi mình là cô giáo mầm non mà!'.

Ánh mắt trẻ thơ xua tan ý định bỏ nghề

Xã Trường Sơn, nơi gắn liền với con đường Trường Sơn huyền thoại trong lịch sử hào hùng của dân tộc, nơi Nguyễn Thị Hồng Nhung sinh ra và lớn lên, là một xã biên giới thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Xã có 19 thôn, bản, trong đó có 4 thôn và 15 bản người Bru - Vân Kiều.

Khi còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường, nhìn những ánh mắt hồn nhiên của trẻ thơ, Nguyễn Thị Hồng Nhung (sinh năm 1984) đã ấp ủ trong mình ước mơ trở thành cô giáo mầm non để được dìu dắt, dạy dỗ các em. Thế rồi cô đến với nghề giáo viên mầm non như một cái duyên. Năm 2006, Nguyễn Thị Hồng Nhung tốt nghiệp ra trường và về công tác tại Trường Mầm non Trường Sơn, nơi cô sinh ra và lớn lên nên bản thân cô hiểu những khó khăn, vất vả của quê hương.

Niềm vui của học trò là động lực để cô giáo Nguyễn Thị Hồng Nhung cố gắng mỗi ngày.

Nguyễn Thị Hồng Nhung ấp ủ trong mình ước mơ trở thành cô giáo mầm non khi còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường.

Lúc mới vào nghề, có đôi lúc cô giáo trẻ nghĩ rằng mình phải đứng trước sự lựa chọn có tiếp tục với nghề nữa hay không? Bởi sự khó khăn, vất vả của nghề giáo viên mầm non cùng với mức phụ cấp ít ỏi mỗi tháng không đủ trang trải cho cuộc sống. Thế nhưng, nhìn sự thiếu thốn về mọi mặt, cả những ánh mắt ngơ ngác của các em nhỏ, những học sinh thân yêu đã níu giữ chân cô ở lại. Để rồi đến hôm nay, cô đã gắn bó với nghề gần 18 năm.

Lúc mới tốt nghiệp, nhà trường phân công Nguyễn Thị Hồng Nhung dạy tại điểm trường bản Chân Trộng, một điểm trường có đường sá đi lại rất khó khăn. Mặc dù đã biết được những khó khăn và có sự chuẩn bị từ trước về tâm lý nhưng khi vào đến bản, cô giáo trẻ không khỏi ngỡ ngàng trước cuộc sống khó khăn của đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều nơi đây.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Nhung đã có gần 18 năm gắn bó với nghề.

“Tôi nhớ như in ngày đầu đến nhận lớp. Trước mắt tôi không phải là một phòng học mà là một mái nhà nho nhỏ được lợp và xung quanh che tạm bợ bằng lá cọ. Đồ dùng, đồ chơi cho trẻ rất nghèo nàn, cô giáo đã nhặt những viên sỏi nhỏ để cho các em chơi trò xây dựng. Không chỉ vậy, ở đây, trẻ giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Bru - Vân Kiều, tôi thực sự không hiểu gì hết. Lúc đó tôi đã có những phút xao lòng, không muốn dạy nữa và định bỏ nghề”, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Nhung nhớ lại cảm xúc buổi ban đầu.

Nhưng rồi, nghĩ đến những đồng nghiệp đi trước đã không ngại khó khăn, vất vả băng rừng, lội suối đến những điểm trường xa hơn, khó khăn hơn mà vẫn vượt qua và tình yêu thương con trẻ đã thôi thúc cô gắn bó với bản làng, con người nơi đây. Chứng kiến đời sống khó khăn, vất vả của con em đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều, cô càng cảm thấy mình cần có trách nhiệm hơn với các em, với bà con, cùng đồng cảm, sẻ chia, yêu thương với đồng nghiệp để vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

"Lúc mới vào nghề, có đôi lúc tôi nghĩ rằng mình phải đứng trước sự lựa chọn có tiếp tục với nghề nữa hay không? Bởi sự khó khăn, vất vả của nghề giáo viên mầm non cùng với mức phụ cấp ít ỏi mỗi tháng không đủ trang trải cho cuộc sống. Thế nhưng, sự thiếu thốn về mọi mặt, ánh mắt ngơ ngác của các em nhỏ, của những học sinh thân yêu đã níu giữ bước chân tôi ở lại".

Băng rừng, lội suối đi gieo chữ

Trong ký ức những ngày đầu đi dạy của Nguyễn Thị Hồng Nhung là hình ảnh lớp ghép ba độ tuổi có 21 em không biết tiếng Việt, bản thân cô lại không biết tiếng Bru - Vân Kiều. Trẻ đi học không đều, nhút nhát khi đến lớp, có em chỉ mặc được cái áo. Đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học thiếu thốn đủ thứ. Lúc đó cô nghĩ bản thân chẳng nề hà vất vả, chỉ là không thể kìm lòng khi nhìn thấy cuộc sống cơ cực của các em nhỏ cơm không đủ no, áo không đủ mặc, mùa đông co ro dưới cái lạnh tái tê.

Thương các em, cô đã đến từng gia đình tìm hiểu, động viên cha mẹ cho con được đến trường. Người dân nơi đây tuy nghèo nhưng sống rất tình cảm, có mớ rau, củ sắn, bắp chuối rừng... cũng chia sẻ cùng cô, động viên cô có thêm nghị lực, gắn bó với các em, với đồng bào.

Những khi gặp trời mưa trơn trượt, cô thường nói vui với đồng nghiệp: “Vì tình yêu thương con trẻ, ngã ở đâu thì đứng dậy chỗ đó, bởi mình là giáo viên mầm non mà!".

Cô cùng các đồng nghiệp vượt qua biết bao tháng ngày gian khổ, đóng góp không ít tâm huyết, trí lực để nâng cao chất lượng giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Cô giáo Nhung đi vào bản, đến từng nhà vận động người dân cho con, cháu đi học. Bà con trong bản nghèo lắm, có những gia đình trong nhà không có gì đáng giá. Anh chị ở nhà trông em, bố mẹ không có nhà thì tự nấu cơm, rồi lấy tay bốc cơm trắng cho em ăn. Để trẻ bớt lạnh trong mùa đông, cô Nhung đã gom góp quần áo cũ nhưng còn dùng được của con cháu và người thân của mình để đưa các em mặc. Thấy ánh mắt vui tươi của trẻ nhỏ khi mặc những bộ quần áo ấm, cô Nhung càng thương các em nhiều hơn và tự nhủ sẽ làm hết sức mình có thể để các em được đến trường.

Từ đó, cô giáo Nhung luôn chăm chỉ làm tốt công việc chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường. Cô còn tìm hiểu, nắm được tâm tư, tình cảm của phụ huynh và đặc biệt là tranh thủ học thêm tiếng Bru - Vân Kiều từ những người dân ở đây. Nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ rất nhiệt tình của mọi người, cô đã biết được những từ ngữ thông dụng để giao tiếp với trẻ.

Cô Nhung thường xuyên tìm, gom góp những nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương để làm đồ dùng, đồ chơi phục vụ dạy học.

Trong quá trình giảng dạy, cô Nhung thường xuyên tìm, gom góp những nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương như đá cuội, lá cây, bìa các-tông, chai nhựa... để làm đồ dùng, đồ chơi phục vụ dạy học một cách hiệu quả. Cô cũng nghiên cứu các tài liệu, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy giúp các em tích cực, hứng thú hơn khi tham gia vào hoạt động học tập.

Thấm thoắt thời gian trôi qua, cô Nhung đã gắn bó với nghề, với bà con dân bản gần 18 năm, cùng các đồng nghiệp vượt qua biết bao tháng ngày gian khổ, đóng góp không ít tâm huyết, trí lực để nâng cao chất lượng giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Cô không nhớ hết mình đã bao lần băng rừng, lội suối đến những bản xa, như: Bản Sắt dốc núi cheo leo; bản Ploang, bản Rìn Rìn đường đi hẻo lánh, hoang vu... Có những khi gặp trời mưa trơn trượt, cô thường nói vui với các đồng nghiệp: “Vì tình yêu thương con trẻ, ngã ở đâu thì đứng dậy chỗ đó, bởi mình là cô giáo mầm non mà!”.

Với sự phấn đấu, nỗ lực, tình yêu thương hết lòng với con trẻ và những thành tích trong giảng dạy, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Nhung được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2023 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.

ĐÀO THẠNH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/nga-o-dau-thi-dung-day-cho-do-750903