Nga phản pháo Ukraine chuyện cấp quyền công dân Donbass

Nhiều công dân ở miền Đông Ukraine mong muốn trở thành công dân Nga và được cấp thị thực, Ukraine tố Moscow vi phạm thỏa thuận Minsk.

Thông tấn TASS mới đây dẫn thông báo từ Điện Kremlin cho thấy họ đã thực hiện việc cấp quyền công dân cho những người là dân tộc Nga đang sống tại miền Đông Nam Ukraine.

Cấp thị thực cho người dân tộc Nga sống tại Donbass.Ảnh: TASS

Cấp thị thực cho người dân tộc Nga sống tại Donbass.Ảnh: TASS

Hành động này của Nga đã bị Ukraine chỉ trích, coi rằng đã vi phạm các thỏa thuận hòa bình Minsk, điều được coi là căn cứ duy nhất để giải quyết xung đột tại miền đông Ukraine hiện nay.

Bộ Ngoại giao Ukraine đã lên tiếng phản đối sắc lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong việc nới lỏng các quy định về cấp quyền công dân cho tất cả các cư dân của 2 vùng ly khai là Donetsk và Lugansk của Ukraine.

Kiev mô tả động thái của Nga "nhằm can thiệp công khai vào các vấn đề nội bộ của Ukraine, một quốc gia độc lập và có chủ quyền", đồng thời "gây ra mối đe dọa an ninh nghiêm trọng cho toàn bộ lục địa châu Âu".

Bộ Ngoại giao Ukraine cũng chỉ ra rằng Kiev sẽ không chấp nhận các sắc lệnh cấp quyền công dân như vậy và sẽ yêu cầu các đối tác nước ngoài từ chối công nhận những hộ chiếu đó và thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Tuy nhiên, theo lời người phát ngôn Điện Kremlin, những nguời dân tộc Nga sống ở Ukraine đã bị từ chối, bị phân biệt đối xử và Nga hành động như vậy là để "bảo vệ lợi ích của những người nói tiếng Nga bất kể họ sống ở đâu".

"Không phải Ukraine phải chăm sóc công dân của mình sao? Không phải Ukraine nên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho những người này sao? Ukraine phải đảm bảo có các cơ sở hạ tầng xã hội cần thiết cho họ hay không? Tuy nhiên, nó lại không được thực hiện vì những người này là người dân tộc Nga ở Ukraine" - ông Peskov nhấn mạnh.

Tố ngược lại các cáo buộc của Kiev, ông Peskov cho rằng chính Ukraine mới đang đi ngược lại các nghĩa vụ của họ được quy định trong Thỏa thuận hòa bình Minsk, trong đó có hàng loạt các biện pháp Ukraine phải thực hiện là nghĩa vụ đối với các công dân ở Donbass. Nhưng họ đã từ chối thực hiện, các động thái thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp về một cơ chế tự trị cho Donbass cũng chỉ là "những lời hứa suông" của Tổng thống Volodymir Zelensky.

Theo ông Peskov, các biện pháp Minsk cũng không bao gồm các điều khoản cấm Nga được cấp quyền công dân cho ai.

Trong một tuyên bố trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết chỉ có một trong chín điểm được nêu trong Thỏa thuận hòa bình Minsk mà Ukraine đã thực hiện cho đến nay. Thậm chí, Ukraine còn mới chỉ thực hiện được một phần của một điểm đó.

Moscow nêu rõ quan điểm, việc đảm bảo quy chế đặc biệt của Donbass là một phần của Ukraine là rất quan trọng để giải quyết xung đột. Nhưng đến nay, Kiev đã không chấp thuận sự đối thoại trực tiếp với Donbass để hướng tới việc sửa đổi vấn đề tự trị trong Hiến pháp Ukraine.

"Chúng tôi chỉ ra rằng một trong những điều khoản quan trọng của Thỏa thuận Minsk liên quan đến việc đảm bảo quy chế đặc biệt của Donbass là một phần của Ukraine. Đây là mục tiêu và cơ sở của các nỗ lực giải quyết xung đột" - ông Lavrov nói.

Theo nhà ngoại giao hàng đầu của Nga, tiến bộ trên con đường này sẽ tạo điều kiện cho tiến bộ trong các lĩnh vực khác, bao gồm các vấn đề an ninh, xã hội, kinh tế và nhân đạo.

"Thật không may, Chính quyền Kiev không muốn xây dựng đối thoại trực tiếp với Donetsk và Lugansk, mặc dù các bên cần tổ chức đối thoại trực tiếp để thống nhất về tất cả các khía cạnh pháp lý liên quan đến quy chế đặc biệt vĩnh viễn" - ông Lavrov nhấn mạnh.

Ông nói thêm rằng không có tiến bộ nào trong nỗ lực đưa ra các quyết định cụ thể liên quan đến việc kết hợp Công thức Steinmeier vào luật pháp Ukraine.

"Tôi muốn chỉ ra rằng Công thức Steinmeier thiết lập mối liên hệ giữa các kế hoạch tổ chức bầu cử và việc cung cấp tình trạng đặc biệt cho Donbass" - ông Lavrov lưu ý.

Ngoại trưởng Nga đã một lần nữa kêu gọi các quốc gia trong định dạng Bộ Tứ Normandy cùng thúc đẩy Nhóm liên lạc thực hiện quyết định đã được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh Paris được tổ chức vào tháng 12/2019.

Thực hư tin đồn Donbass sẽ sớm đầu hàng

Cuối tháng 10 từng xuất hiện các thông tin cho rằng, các đại diện ở Donetsk và Lugansk đã trình bày cái gọi là Lộ trình giải quyết hòa bình xung đột. Một trang mạng của Nga gọi đây là "một kế hoạch đầu hàng", "một sự đầu hàng trong danh dự" trước một cuộc nội chiến đẫm máu diễn ra suốt 6 năm qua, kể từ năm 2014. Động thái dẫn tới việc "thanh lý" hai vùng lãnh thổ này là do Donbass nhấn thấy Ukraine đang "có ý định phát động một chiến dịch quân sự toàn diện", sử dụng máy bay quân sự, máy bay không người lái, pháo binh, và thậm chí cả tàu chiến trong vùng biển Azov… Ngoài ra, theo tin đồn, một yếu tố quan trọng là, hiện Kiev đang nhận được sự hỗ trợ lớn từ Thổ Nhĩ Kỳ. Trước các vũ khí thô sơ của Donbass, họ nhanh chóng quyết định đầu hàng trước sức ép quân sự mạnh mẽ của Ukraine.

Tuy nhiên, các tin tức này đã nhanh chóng bị bác bỏ bởi quan chức chịu trách nhiệm Ngoại giao của Donetsk. Bà Natalya Nikonorova hôm 6/11 đã chỉ trích một kế hoạch hành động của phái đoàn Ukraine trình với Nhóm liên lạc bởi chúng mâu thuẫn với các thỏa thuận Minsk và một loạt các biện pháp nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm quân sự trong khu vực.

Bầ Nikonorova cũng cho biết, Donetsk đã liên tuc gánh chịu các vụ tấn công pháo kích nhằm vào lãnh thổ này từ lực lượng vũ trang Ukraine. Sự leo thang này đi ngược lại các nỗ lực hòa giải trước đó, bao gồm ngừng bắn và trao đổi tù binh.

Kế hoạch của Kiev được bà Nikonorova đề cập đến ở trên đã quy định việc tự giải tán hai nước cộng hòa tự xưng ở Donbass, rút các đội vũ trang bất hợp pháp khỏi Donbass và giải trừ quân bị khỏi khu vực, theo Phó Thủ tướng Ukraine, Phó Trưởng phái đoàn Ukraine trong nhóm liên lạc Alexei Reznikov.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nga-phan-phao-ukraine-chuyen-cap-quyen-cong-dan-donbass-3422074/