Nga quằn quại vì dầu nhưng vẫn chiếm thế thượng phong

Giữa lúc cả Nga và Mỹ cùng thiệt hại vì giá dầu giảm sâu và triển vọng u ám, Nga đã tranh thủ tình hình để giành thế thượng phong trước Mỹ.

Nga thiệt hại nặng

Dữ liệu của Tổng cục Hải quan LB Nga (FCS) cho thấy trong tháng 5, doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ của Nga đã giảm 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 3,604 tỷ USD.

Giá trị xuất khẩu giảm trong khi về số lượng, lượng dầu Nga xuất khẩu trong tháng 5 tăng nhẹ khoảng 1%, lên hơn 19 triệu tấn. Tuy nhiên, nếu tính từ đầu năm, lượng dầu Nga xuất khẩu đã giảm 3,3% và doanh thu giảm 32,6%.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do giá dầu giảm mạnh. Dù đã tăng 70% so với tháng 4, giá dầu chuẩn Urals của Nga trong tháng 5 vẫn rẻ hơn 2,3 lần so với một năm trước, chỉ ở mức 31,03 USD/thùng so với 70,93 USD/thùng.

Tương tự, khối lượng các sản phẩm dầu xuất khẩu trong tháng 5 tăng 10,8%, tuy nhiên giá trị lại giảm 16%. Kể từ đầu năm, những con số này giảm lần lượt là 1% và 23,3%.

Ngoài ra, theo FCS, trong 5 tháng đầu năm 2020, doanh thu xuất khẩu khí đốt của tập đoàn Gazprom cũng giảm hơn một nửa (53%) so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, Chủ tịch Quỹ Skolkovo, cựu Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich cho rằng Nga chỉ mới bước vào giai đoạn khó khăn nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 và giá dầu giảm.

Ngân sách Nga thất thu hàng tỷ USD mỗi tháng vì giá dầu giảm sâu

Ngân sách Nga thất thu hàng tỷ USD mỗi tháng vì giá dầu giảm sâu

Giá dầu đã phục hồi mạnh trong quý II/2020 với mức tăng lần lượt 80% của giá dầu Brent Biển Bắc và 91% cho dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI). Đây là mức tăng hàng quý cao nhất trong vòng 30 năm qua, song cả hai giá dầu trên vẫn thấp hơn 30% so với hồi đầu năm nay.

Tình hình được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đánh giá nhu cầu dầu toàn cầu sẽ giảm trung bình 8 triệu thùng/ngày trong năm nay, tức giảm khoảng 8% so với năm ngoái.

Mặc dù IEA ước tính nhu cầu dầu sẽ tăng 5,7 triệu thùng/ngày vào năm tới, nhưng nhu cầu tổng thể vẫn sẽ thấp hơn so với năm 2019 do sự không chắc chắn đang diễn ra trong lĩnh vực hàng không.

Các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Goldman Sachs thì nhận định nhu cầu dầu thô toàn cầu sẽ phục hồi về mức trước đại dịch COVID-19 vào năm...2022, nhờ hoạt động đi lại gia tăng và xu hướng chuyển sang phương tiện giao thông cá nhân cũng như chi tiêu cho cơ sở hạ tầng cao hơn.

Trên thực tế, không chỉ mình Nga chịu tổn thất do giá dầu giảm. Ngay cả ngành công nghiệp dầu đá phiến hùng mạnh của Mỹ cũng lâm nguy.

Mới đây, công ty Chesapeake Energy, một trong những công ty tiên phong trong ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ, đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào ngày 29/6, đồng thời cho biết công ty sẽ thực hiện việc tái cơ cấu để được xóa khoản nợ 7 tỷ USD.

Ngành công nghiệp dầu đá phiến hùng mạnh của Mỹ cũng lao đao vì COVID-19 và cuộc chiến giá dầu

Ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ đang phải đối mặt với một viễn cảnh u ám, do đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu tiêu thụ dầu giảm mạnh, trong khi nguồn cung gia tăng khiến các kho chứa "vàng đen" trở nên khan hiếm.

Ngành khai thác dầu đá phiến của Mỹ đã được phát triển bởi các nhà sản xuất có quy mô vừa và nhỏ, sử dụng các kỹ thuật sản xuất mới và tạo ra sự bùng nổ trong ngành công nghiệp dầu mỏ toàn cầu.

Chính sự tăng trưởng mạnh mẽ sản lượng dầu đá phiến đã giúp Mỹ vượt qua Saudi Arabia để trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới.

Nga âm thầm thắng Mỹ

Giữa lúc cả Nga và Mỹ cùng thiệt hại vì giá dầu giảm sâu và triển vọng u ám, giới phân tích lại chỉ ra một thực tế có lợi cho Nga.

Những diễn biến địa chính trị, dịch bệnh và cả sai lầm của Mỹ đang giúp Nga kiểm soát một trong những “vựa” dầu mỏ lớn nhất thế giới là Venezuela.

Theo chuyên trang giá dầu quốc tế Oilprice, các biện pháp trừng phạt của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang làm gia tăng những thiệt hại kinh tế mà Venezuela và người dân nước này đang phải chịu đựng.

Cuộc sống của người dân Venezuela ngày càng khốn khó do lệnh trừng phạt đang khuếch đại tình cảm chống Mỹ đáng kể ở tất cả các cấp độ của xã hội Venezuela, do lịch sử lâu dài của sự hống hách của Mỹ và sự can thiệp của khu vực.

Nga khiến Mỹ không thể thực hiện các mưu đồ ở Venezuela

Điều này tạo ra một cơ hội lý tưởng để Moscow củng cố mối quan hệ với Venezuela và có được vị thế đáng kể ở Mỹ Latinh. Khác với Mỹ, Nga không có quá khứ thực dân mới trong khu vực.

Moscow từ lâu đã khao khát có một vai trò nổi bật ở Mỹ Latinh để tấn công sự bá quyền khu vực của Mỹ, giành quyền kiểm soát khu vực nhiều dầu mỏ và củng cố hình ảnh của Nga như một cường quốc thế giới.

Theo Oilprice, để đổi lấy các khoản vay hào phóng, Chính phủ Venezuela không chỉ cam kết giao các lô hàng dầu mỏ để trả nợ mà còn thế chấp tài sản năng lượng cho công ty dầu mỏ Rosneft của Nga, bao gồm quyền sở hữu hơn 49,9% cổ phần của nhà máy lọc dầu Venezuela Citgo - viên ngọc quý của PDVSA và các mỏ dầu.

Mới đây, một công ty quốc doanh của Nga đã mua lại tài sản năng lượng của Rosneft ở Venezuela. Điều đó cho phép chính phủ của Tổng thống Putin giúp Venezuela lách luật trừng phạt của Mỹ, đồng thời ngăn chặn chúng tác động đến Rosneft vốn đã tham gia tạo điều kiện cho Venezuela bán dầu mỏ.

Nga thể hiện quyết tâm và tầm nhìn chiến lược xa hơn Mỹ trong cuộc chiến dầu mỏ

Oilprice khẳng định việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp đối với Caracas, bất chấp những tác động mạnh mẽ đến người dân Venezuela và không thể làm thay đổi chế độ ở Venezuela, đang khuếch đại ảnh hưởng của Moscow ở Mỹ Latinh. G

iới phân tích cho rằng cách xử lý sai lầm kết hợp với một lịch sử lâu dài gây bất ổn chính sách đối ngoại và thói ngạo mạn của Mỹ ở khu vực Mỹ Latinh đang thúc đẩy tình cảm chống Mỹ vốn có ở tất cả các cấp độ xã hội ở nhiều quốc gia trong khu vực.

Theo Oilprice, bằng cách giành được ảnh hưởng đáng kể đối với Caracas, Moscow giành quyền kiểm soát trữ lượng dầu lớn của Venezuela, tăng cường khả năng kiểm soát giá dầu.

Điều đó sẽ kết hợp với ảnh hưởng đáng kể mà Moscow đã tích lũy được thông qua hợp tác chặt chẽ với OPEC, đặc biệt là Saudi Arabia.

Oilprice nhấn mạnh, mở rộng ảnh hưởng ở Mỹ Latinh và quyền tiếp cận an toàn đối với trữ lượng dầu mỏ khổng lồ của khu vực là một phần trong chiến lược của Moscow nhằm mở rộng sức mạnh địa chính trị toàn cầu và giành quyền kiểm soát lớn hơn đối với các nguồn cung dầu mỏ trên thế giới, từ đó tăng cường khả năng thao túng giá năng lượng.

Điều đó sẽ nâng cao vị thế của Nga, bảo vệ nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ, đảm bảo doanh thu tài chính và gây sức ép lên ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ.

Thái Minh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-quan-quai-vi-dau-nhung-van-chiem-the-thuong-phong-3411198/