Nga ra mắt máy bay chở khách MC-21: Nỗ lực cô đơn

Việc Nga sản xuất được máy bay hành khách công nghệ cao không thể gây được sức ép với các nước châu Âu và Mỹ.

Sức mạnh của Tập đoàn sản xuất động cơ máy bay liên quốc gia

Sau khi Nga giới thiệu một máy bay chở khách MC-21, hay còn gọi là MS-21 với công nghệ cao. Thủ tướng Dmitry Medvedev đã nói rằng việc Nga vẫn nằm trong nhóm các nhà chế tạo máy bay hàng đầu là rất quan trọng.

Trong lúc phương Tây siết chặt trừng phạt, Chính phủ Nga coi đây là cơ hội để khuyến khích các nhà sản xuất công nghiệp trong nước làm cho nước Nga ít phụ thuộc hơn và các công ty nước ngoài.

Được biết, chiếc máy bay được chế tạo bằng các vật liệu composite, hợp kim nhôm và titan, khiến cho nó nhẹ hơn đáng kể so với các máy bay trước đây.

Nó bay bằng 2 động cơ, hoặc PD-14 của công ty Aviadvigatel của Nga, hoặc PurePower PW1400G của công ty Pratt&Whitney's của Mỹ. Cả hai động cơ đều dược phát triển phù hợp với chiếc MC-21.

Trước thông tin trao đổi với Đất Việt, ngày 10/6, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - Nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách khoa TPHCM cho biết:

"Đây chỉ quan điểm đúng cho thời kỳ trước đây, còn bây giờ tình hình công nghệ chế tạo máy bay hành khách đã khác, đã chuyển sang thời kỳ các nước hỗ trợ và phụ thuộc vào nhau.

Quan điểm công nghệ sản xuất hoàn toàn độc lập của một nước, không dùng của nước khác đã quá lạc hậu, không phù hợp với thị trường cũng như công nghệ hiện đại, đặc biệt là các nước phương Tây.

Máy bay chở khách MC-21 công nghệ cao của Nga

Chính điều này, khiến tôi e ngại, liệu việc sản xuất máy bay hành khách dùng tất cả các linh kiện, động cơ do Nga chế tạo, có tạo sự tin tưởng cho khách hàng khác bên ngoài hay không?".

Theo phân tích của ông Tống, nhìn ra thị trường thế giới hiện nay, ngay cả máy bay Airbus của châu Âu, cũng không tập trung mua linh kiện hay động cơ của một nước nào mà rất nhiều nước như cả Đức, Pháp, Anh.

Đặc biệt, hiện nay, động cơ máy bay đã trở thành Tập đoàn liên quốc gia, không phải của một nước nào. Cho nên nói sản xuất động cơ là nói đến công ty liên quốc gia tương đương với cạnh tranh qua lại với nhau. Vì thế máy bay, động cơ của Nga sản xuất chắc chắn không thể hơn tập đoàn động cơ thế giới sản xuất.

"Là một nhà nghiên cứu nhiều năm về hàng không, đặc biệt là máy bay hành khách tôi rất quan tâm đến động cơ do nơi nào sản xuất, riêng phần thân máy bay thì có thể chế tại nước nào cũng được, nhưng động cơ thì mua qua mua lại sẽ tốt hơn nhiều.

Thân máy bay có thể do Nga sản xuất nhưng sử dụng động cơ của châu Âu sẽ tốt hơn nhiều.

Một lý luận về mặt xuất nhập hàng hóa đó là mình làm mình hay, mình giỏi mình bán cho người ta, còn mình mua cái hay của họ để sử dụng, công thức là vậy, còn tự khép kín, tự mua đồ trong nước, về lý thuyết, tính thực tế không hay bằng.

Động cơ thông thường trong các hãng sản xuất máy bay vẫn thường được mua của tập đoàn động cơ quốc tế liên quốc gia như Boing, Airbus, tuy chỉ là lựa chọn một vài loại động cơ để mua. Các hãng bay sẽ đặt hàng mua máy bay với động cơ theo yêu cầu, thích nghi, lắp theo nhu cầu", ông Tống cho hay.

Việc Nga sản xuất được máy bay hành khách công nghệ cao khi còn phải đối phó với cấm vận, chỉ khẳng định được một điều, đó chính là tự mình phát triển được trong trạng thái cô lập, không bị ảnh hưởng. Dù có lệnh trừng phạt vẫn làm được, không cần mua bán, chỉ tiêu thụ nội địa.

Lựa chọn của các hãng bay

So sánh chất lượng và sự hiện đại của máy bay Nga với các nước châu Âu, Mỹ, theo ông Tống, thực sự để đánh giá thì là cả truyền thống lâu đời.

Không phủ nhận, trước đây, thời kỳ Liên Xô còn phát triển, thì về mặt hàng không, không gian Nga dẫn đầu thế giới, nhưng sau này, sự phát triển ở phương Tây rất nhanh chóng. Dần dần các hãng bay chuyển sang mua máy bay hành khách chủ yếu của Boing, Airbus, ít đơn vị mua của Nga.

Tất cả các hãng bay đều hoàn toàn có thể mua những máy bay của Nga, nhưng họ không mua, vì nhiều lý do.

"Tôi biết, Nga giỏi về lý thuyết khoa học sản xuất máy bay, nhưng về công nghiệp chế tạo không bằng phương Tây. Tôi nhớ có lúc Nga liên kết với một số nước châu Âu để sản xuất máy bay chứ không phải độc lập, cộng tác lại dựa trên những ưu điểm của nhau.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/nga-ra-mat-may-bay-cho-khach-mc-21-no-luc-co-don-3310851/