Nga ra mắt nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới

Hôm nay (23/8), nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới mang tên Akademik Lomonosov đã được Nga lai dắt tới vùng Siberia.

Nhà máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonosov của Nga

Nhà máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonosov của Nga

Theo đó, nhà máy điện hạt nhân nổi (FNPP) Akademik Lomonosov chứa đầy nguyên liệu hạt nhân đã bắt đầu hành trình 5.000 km từ cảng Murmansk ở Bắc Cực tới cảng Pevek, Siberia thuộc Nga.

Dự kiến, chuyến đi của Akademik Lomonosov sẽ kéo dài từ 4-6 tuần, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết và lượng băng trên đường. Khi đến thị trấn Pevek, thuộc vùng Chukotka, Siberia, Akademik Lomonosov sẽ thay thế vai trò của một nhà máy hạt nhân địa phương và một nhà máy điện than để cung cấp điện cho hoạt động khai thác dầu khí của Nga tại Bắc Cực.

Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Rosatom của Nga cho biết, nhà máy điện hạt nhân nổi là giải pháp thay thế đơn giản hơn so với việc xây dựng nhà máy điện thông thường ở vùng bị đóng băng quanh năm như Bắc Cực.

Nhà máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonosov sẽ chính thức hoạt động vào cuối năm nay.

Được biết, nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới có chiều dài 144 m, bắt đầu được khởi công xây dựng ở Saint Petersburg hồi năm 2006. Akademik Lomonosov nặng 21.000 tấn, bao gồm hai lò phản ứng hạt nhân với công suất 35 megawatt/lò.

Các nhóm hoạt động vì môi trường trước đó đã cảnh báo về nguy cơ an toàn từ dự án kể trên, thậm chí họ còn gọi nhà máy này là "Chernobyl trên băng" hay "Titanic hạt nhân".

Rashid Alimov, người đứng đầu tổ chức vì môi trường Green Peace của Nga cho rằng: "Bất kỳ nhà máy điện hạt nhân nào cũng tạo ra chất thải phóng xạ và có thể gặp tai nạn. Ngoài ra, Akademik Lomonosov cũng dễ bị ảnh hưởng bởi bão".

Nếu xảy ra sự cố, nhà máy nổi có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường ở Bắc Cực, ông Alimov nhấn mạnh.

Bình An

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nga-ra-mat-nha-may-dien-hat-nhan-noi-dau-tien-tren-the-gioi-547115.html