Ngã rẽ cuộc đời của người đàn ông không kìm nổi dục vọng

Cái đêm định mệnh chỉ có hai người giữa đồng không mông quạnh đã khiến cuộc đời Triệu Văn Hải, SN 1977 trú tại Quảng An, thị trấn Đầm Hà (Quảng Ninh) rẽ sang một hướng khác. Không chỉ người đàn ông trụ cột như Hải trở thành tội phạm mà còn đẩy một gia đình hạnh phúc đến bến bờ tan tác.

“Giá như tối ấy tôi không mở cửa cho cô bé vào ngủ nhờ thì giờ đây gia đình tôi đã khác”, Hải giãi bày về cái đêm định mệnh với nét mặt sượng sùng, đau khổ. Người đàn ông này bị kết án 15 năm tù về tội hiếp dâm trẻ em, hiện đang thi hành án ở trại giam Hồng Ca.

Đêm định mệnh...

Dường như vẫn còn ám ảnh về lầm lỗi của mình nên khi nói chuyện với chúng tôi, Hải luôn tỏ ra lúng túng. Anh ta bảo đã hơn 4 năm trôi qua rồi nhưng chưa khi nào quên được cái đêm tội lỗi đó. Người đàn ông này cho rằng đó là một tai nạn chứ bản thân không có tính lăng nhăng. “Nghĩ lại thì tôi giận bản thân lắm. Thương mẹ già, con nhỏ bao nhiêu tôi càng hận mình bấy nhiêu”, Hải ngắc ngứ mãi không nói được một câu trọn ý.

Theo lời người đàn ông này, đó là một đêm gần cuối năm, khi đó anh ta đang nằm một mình ở đầm nuôi tôm thì loáng thoáng nghe có tiếng người gọi. Hải bảo đấy là khu vực nuôi tôm của nhiều hộ dân nên các đầm tôm nằm san sát nhau, chỉ có một vài chòi canh, rất vắng vẻ. Tiếng người gọi giữa đêm khuya khoắt khiến Hải chột dạ, tưởng có kẻ trộm vào rình mò nên nằm im nghe ngóng.

Nhưng rồi nghĩ nếu kẻ gian mò vào thật thì công sức bao ngày bỏ ra nuôi tôm có nguy cơ mất trắng nên Hải bật dậy, cầm đèn pin đi ra ngoài. Ánh đèn pin loang loáng song cũng đủ để cho anh nhận ra trước mặt mình là một cô gái còn rất trẻ, đang run rẩy vì lạnh. Cô gái nói đi chơi với nhóm bạn về khuya bị một nhóm thanh niên lạ mặt trêu chọc, đuổi bắt nên cả nhóm bỏ chạy toán loạn, vì thế mà lạc nhau. Lúc đi ngang qua chòi canh của Hải, thấy bên trong có tiếng tivi nên xin vào trú nhờ.

Nhìn cô gái co ro vì lạnh, chẳng khác con mèo ngấm nước, đưa cho chiếc áo khoác đang mặc cho rồi bảo vào uống nước cho ấm bụng, anh ta sẽ gọi xe ôm đưa về. Cô gái ngoan ngoãn đồng ý. Trong lúc uống nước, Hải gọi taxi nhưng không được còn cô gái thì không có vẻ muốn rời đi. Nghi ngờ cô gái có thể là đồng bọn của một nhóm trộm cắp nào đấy, mục đích vào chòi là để cầm chân mình nên Hải bảo cô cứ ngồi uống nước, còn bản thân cầm đèn pin đi kiểm tra. Sau một vòng đảo quanh mấy vuông tôm không thấy động tĩnh gì, Hải quay về chòi canh thì cô gái đã chui vào chăn ngủ từ lúc nào.

“Tôi ngồi xem tivi một lúc thì không kìm được cơn buồn ngủ. Và chắc các chị cũng đoán được chuyện gì xảy ra giữa hai người khác giới đắp chung chăn. Sau đêm đó tôi bị bắt, tôi mới biết cô ấy chỉ 16 tuổi”, Hải kể.

Phiên tòa sơ thẩm, Hải bị kết án chung thân nhưng sau đó được giảm nhẹ hình phạt xuống 15 năm tù. Ngày Hải bước chân vào trại giam, mẹ anh ta vì suy nghĩ mà đổ bệnh.

Phạm nhân Triệu Văn Hải cùng các phạm nhân khác đánh cá, cải thiện bữa ăn.

Tan tác một gia đình

Nét mặt đau khổ, Hải bảo ngày anh bị bắt giam cũng là thời điểm đặt dấu chấm hết sự nghiệp học hành của hai đứa con. Nhà chỉ có một mẹ một con, từ nhỏ anh đã là chỗ dựa duy nhất của mẹ. Lớn lên lập gia đình, cũng một tay anh chèo chống cho tổ ấm có mẹ già, vợ và hai con. Theo lời Hải thì vợ anh là gái Thủy Nguyên, chỉ “giỏi dưới nước, không giỏi việc trên bờ”, thành ra khi về nhà anh ta làm dâu, chị chỉ biết theo chồng ra đầm nuôi tôm. Thu nhập chính trong nhà vẫn là một tay Hải lo liệu. Hải bảo tiền sinh hoạt hàng ngày, tiền học hành của hai con, tiền thuốc thang cho mẹ già, chưa kể những khoản tiền đột xuất khác,…sơ sơ cũng gần chục triệu một tháng. Thế nên Hải phải nhận thêm việc trông đầm tôm cho một số gia đình trong khu vực để có thêm tiền trang trải. “Vợ tôi cũng đi chợ bán nhì nhằng, gọi là có thêm đồng chi tiêu còn tôi khi nào đầm tôm hết việc thì lại đi làm thuê. Chở hàng, vác hàng, tôi đều làm tất. Từ khi tôi bị bắt, vợ tôi làm sao kiếm đủ tiền trang trải cho gia đình, nói gì đến tiền đóng học phí cho 2 con”, Hải thở dài.

Ngày Hải bị bắt, con gái lớn đang học lớp 12, con trai bé học lớp 10. Có thể vì xấu hổ về tội lỗi của bố hoặc vì kinh tế gia đình nên cả hai đứa con Hải đã không đủ dũng cảm vượt qua sự mặc cảm để tiếp tục đi học. Nghe tin cả hai con đều nghỉ học, ở trong trại giam, Hải khóc hu hu như đứa trẻ ăn đòn đau. Anh ta vật vã hàng tháng trời mới nguôi ngoai. Hải bảo thương hai con lắm nhưng không biết làm thế nào.

Nhắc lại lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng gặp vợ, Hải trầm ngâm: “Tôi đã rất xấu hổ, không dám ngẩng lên nhìn cô ấy. Những câu nói của cô ấy khiến tôi đau đớn lắm. Nhưng mà thôi, chuyện cũng qua rồi”, Hải bộc bạch.

Lần đầu tiên gặp vợ kể từ ngày bị bắt, Hải xấu hổ nhưng khi anh ta còn đang tìm từ để động viên vợ cố gắng tần tảo nuôi dạy hai con, phụng dưỡng mẹ chồng thì vợ anh đã chìa ra lá đơn xin ly hôn. Chết lặng vì bất ngờ nhưng cuối cùng Hải cũng cầm bút ký đơn, trả tự do cho vợ. “Cô ấy bảo anh đi tù chung thân, em không chờ được, hãy để em đi tìm hạnh phúc mới. Hai con đều lớn cả rồi, chúng sẽ tự lo cho bản thân được...”, Hải nhắc lại lời vợ.

Hải bảo ngày đó bị tuyên án tù chung thân nên muốn giải thoát cho vợ. Nhưng sau phiên phúc thẩm, án tù của Hải là 15 năm, anh ta hy vọng vợ sẽ nghĩ lại nhưng chị đã đi lấy chồng rồi. Hải bảo không trách vợ vội vàng mà chỉ thương hai con vì bố mà thiệt thòi. Bố vào tù, mẹ bỏ đi lấy chồng khác, hai đứa con Hải phải tự chăm nhau và phụng dưỡng bà nội ốm đau, bệnh tật. “Trời vẫn còn thương tôi. Số tôi vẫn còn may mắn”, Hải bảo. Từ ngày mẹ bỏ đi, con gái Hải biết ra chợ buôn bán, giờ đã có một chỗ ngồi bán hàng ở chợ thị trấn Đầm Hà. Con trai Hải có sức khỏe nên đi làm cho một đại lý gas. Thu nhập của hai chị em đủ để trang trải cuộc sống của ba bà cháu.

Hải bảo thời gian đầu chấp hành án, không đêm nào trọn giấc vì lo cho mẹ già và hai con nhưng khi biết tin các con không chỉ tự lo được cho bản thân còn chăm sóc bà nội khỏe mạnh thì Hải thấy nhẹ lòng. Ngày nghe tin hai con bỏ học, Hải từng rơi nước mắt rồi tưởng tượng ra cảnh các con mình hư hỏng vì bị bạn xấu rủ rê. Cho tới ngày hai đứa con cùng bà nội vào thăm, nhìn chúng rắn rỏi, Hải mới tạm yên lòng. Hải bảo con gái còn đỡ vì dẫu sao nó cũng khôn lớn, nữ tính nên có sức chịu đựng hơn chứ thằng em thì tính sốc nổi, sợ nó hồ đồ làm điều dại dột thì ân hận suốt đời.

Hải bảo mới tháng trước con gái vào thăm, đưa cả người yêu vào giới thiệu và xin phép được thành vợ chồng. “Biết chuyện của tôi, nhà trai cũng không làm khó dễ con bé. Họ còn đồng ý cho con trai về ở nhà tôi để tiện chăm sóc bà nội. Nghe con nói thế tôi mừng lắm, mặc dù trong lòng cũng cảm thấy thiệt thòi cho con bé”, Hải bộc bạch.

Trại cải tạo cách xa nhà nên việc thăm gặp của Hải với gia đình cũng có nhiều hạn chế. Nam phạm nhân này bảo chủ yếu là liên lạc qua điện thoại mà mỗi tháng anh ta có mấy phút được gọi về cho gia đình. Còn chuyện thăm gặp thì mỗi năm một lần vào dịp giáp Tết. “Trong này tôi cũng không thiếu gì cả. Tuổi này rồi, việc ăn uống cũng không đòi hỏi nhiều. Quan trọng là tư tưởng phải thật thoải mái thì sẽ yên tâm cải tạo”, Hải kể. Làm việc ở đội nông nghiệp, Hải bảo coi đó là cơ hội để rèn luyện sức khỏe để sau này trở về còn giúp được con cái. “Con trai tôi bảo sẽ cố gắng dành dụm để mua một chiếc xe bán tải, sau này tôi về bố con sẽ dùng để đi chở hàng thuê. Tôi mừng vì nó còn ít tuổi nhưng đã biết suy nghĩ cho cả tôi, biết lập kế hoạch cho cả ngày về của bố”, Hải tâm sự.

Hải cho biết đã rất xúc động khi nghe con nói điều đó và cảm giác có cái gì đó nghẹn nơi cổ họng. Cố che đi những giọt nước vừa chợt hiện ra nơi khóe mắt, Hải nở nụ cười bảo giờ chẳng còn phải lo gì ngoài việc yên tâm cải tạo.

Nghe anh ta nói thế, tôi thầm tiếc cho người đàn ông chỉ vì một phút không kìm được lòng mình mà phạm tội để rồi không chỉ đưa cuộc đời mình rẽ sang một lối khác mà còn khiến người thân liên lụy.

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nga-re-cuoc-doi-cua-nguoi-dan-ong-khong-kim-noi-duc-vong-181434.html