Ngã rẽ mới của Dự án metro số 1 Hà Nội

Sau hơn 15 năm triển khai mà không có tiến triển đáng kể nào trên hiện trường, Dự án Xây dựng đường sắt đô thị TP. Hà Nội, tuyến số 1, Ngọc Hồi - Yên Viên (Dự án metro số 1 Hà Nội) đột ngột bẻ ghi với nhiều thay đổi lớn liên quan đến mục tiêu đầu tư.

Phối cảnh tuyến metro số 1 Hà Nội, Ngọc Hồi - Yên Viên

Phối cảnh tuyến metro số 1 Hà Nội, Ngọc Hồi - Yên Viên

Dâu bể

Số phận hẩm hiu của Dự án metro số 1 Hà Nội đang đứng trước những dâu bể lớn nếu chiểu theo những đề xuất mới đây của chủ đầu tư đương nhiệm là Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT).

Cụ thể, trong Công văn số 7821/BGTVT - KHĐT gửi tới Thủ tướng Chính phủ vào đầu tuần này, Bộ GTVT đề nghị người đứng đầu Chính phủ chấp thuận thực hiện tuyến metro số 1 Hà Nội chỉ đáp ứng chức năng đường sắt đô thị, không đầu tư xây dựng hợp phần đường sắt quốc gia chạy chung với đường sắt đô thị.

Đối với Khu tổ hợp Ngọc Hồi, Bộ GTVT xin tiếp tục triển khai và thực hiện Dự án đầu tư giai đoạn I (tập trung phạm vi phần đường sắt quốc gia và giao UBND TP. Hà Nội tiếp nhận, thực hiện đầu tư các hạng mục còn lại thuộc Khu tổ hợp Ngọc Hồi, bao gồm các khu chức năng, công trình liên quan đến đường sắt đô thị và toàn tuyến từ Ngọc Hồi đến Yên Viên.

“Giao Bộ Tài chính thực hiện thủ tục điều chỉnh Hiệp định vay VN12 - P4 ký kết với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản năm 2013 về việc tài trợ vốn ODA cho Dự án”, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT đề nghị.

Đây là những đề xuất rất mới so với chính kế hoạch thực hiện và xử lý thủ tục điều chỉnh Dự án metro số 1 Hà Nội, từng được Bộ GTVT đề xuất với Thủ tướng Chính phủ vào tháng 2/2019.

Theo Bộ GTVT, do tuyến metro số 1 Hà Nội có mục tiêu ban đầu là tuyến đường sắt chạy chung giữa đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia (khổ 1.000 mm), nên thời gian vừa qua, Bộ GTVT là cơ quan chủ quản đầu tư dự án. Trong quá trình rà soát, đặc biệt tại kết quả nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được Bộ GTVT trình Thủ tướng vào giữa tháng 2/2019, tư vấn đã đề xuất đoạn từ Ngọc Hồi về ga Hà Nội đường sắt tốc độ cao đi chung với tuyến đường sắt đô thị số 1 (không đầu tư đường sắt khổ 1.000 mm).

Với phương án này, thời kỳ đầu khi nhu cầu vận tải đường sắt đô thị chưa cao sẽ xem xét tổ chức khai thác tàu tốc độ cao tiếp cận vào tới ga Hà Nội; ngược lại, khi nhu cầu đường sắt đô thị cao sẽ xem xét dừng tàu tại Ngọc Hồi. Như vậy, việc khai thác tuyến đường sắt này trong tương lai sẽ chỉ phục vụ đường sắt đô thị là chủ yếu (có kết hợp khai thác đường sắt quốc gia vào một số thời điểm cụ thể nếu phù hợp). Bên cạnh đó, với tốc độ đô thị hóa nhanh trên địa bàn Thành phố, các ga đường sắt quốc gia (như ga Giáp Bát, Văn Điển) cũng đã dần đi vào khu vực trung tâm, tiến tới đảm nhận chức năng của ga đường sắt đô thị.

Giải thích về đề nghị chuyển đổi chủ đầu tư, Bộ GTVT cho biết, xuất phát từ các quy hoạch trước đây, tuyến metro số 1 Hà Nội là tuyến chạy chung giữa đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia khổ 1.000 mm, nên thời gian vừa qua, Bộ phải sắm vai cơ quan chủ quản đầu tư dự án. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 73 - Luật Đường sắt, việc tổ chức đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác đường sắt đô thị trên địa bàn TP. Hà Nội sẽ do UBND TP. Hà Nội thực hiện; đồng thời, theo quy định tại Điều 33 - Luật Quản lý nợ công, UBND TP. Hà Nội thuộc đối tượng được vay lại nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.

Trong khi đó, Bộ GTVT cũng như Ban QLDA đường sắt không thuộc đối tượng được vay lại theo quy định tại Điều 33 - Luật Quản lý nợ công nêu trên. Do đó, với việc Bộ GTVT là cơ quan chủ quản đầu tư, quản lý khai thác dự án sẽ khó khăn trong việc xác định được chủ thể vay lại và chồng chéo về tổ chức khai thác.

Liên quan đến việc huy động vốn thực hiện Dự án hiện đã đội vốn gấp 9 lần so với kế hoạch ban đầu, Bộ GTVT cho biết, thời gian qua, một trong các phương án có tính khả thi đã được UBND TP. Hà Nội đề xuất để huy động nguồn lực đầu tư phát triển mạng lưới đường sắt đô thị là việc khai thác quỹ đất trên địa bàn Thành phố.

Trong khi đó, Bộ GTVT là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của bộ quản lý chuyên ngành đối với các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch và nguồn vốn được cấp có thẩm quyền giao (tiến độ thực hiện các dự án phụ thuộc vào nguồn vốn được bố trí), việc chủ động xây dựng cơ chế khai thác quỹ đất để huy động vốn nhằm sớm triển khai, thúc đẩy tiến độ các dự án (trong đó có Dự án metro số 1) gặp nhiều khó khăn.

Đi trước, về sau

Về tiến độ triển khai Dự án giai đoạn I, tại Công văn số 7821, Bộ GTVT đã thừa nhận là khó hoàn thành mục tiêu điều chỉnh vào năm 2014. Cụ thể, do khó khăn về nguồn vốn đối ứng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Khu tổ hợp Ngọc Hồi (từ năm 2009 đến 2017, Dự án mới được bố trí 388 tỷ đồng, kế hoạch vốn trung hạn 2016 - 2020 được giao 512 tỷ đồng và mới được bổ sung thêm 1.000 tỷ đồng) nên khả năng hoàn thành giải phóng mặt bằng đáp ứng tiến độ hoàn thành giai đoạn I vào năm 2024 là khó đạt được.

“Đáng lo ngại là, với khối lượng mặt bằng đã được giải phóng tương đối lớn, trong khi đó, tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng phần còn lại chậm sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý chống tái lấn chiếm của địa phương”, lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận.

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có ý kiến chính thức liên quan đến kế hoạch thực hiện và xử lý thủ tục điều chỉnh Dự án metro số 1 Hà Nội, do Bộ GTVT đề xuất.

Trong Công văn số 2866/BKHĐT - KCHTĐT ngày 6/5/2019, Bộ KH&ĐT cho rằng, Dự án đã được Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư từ năm 2004, phê duyệt Dự án giai đoạn I từ năm 2008, nhưng đến nay, công trình vẫn chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu và triển khai thi công. Dự án giai đoạn IIA được phê duyệt vào năm 2012, nhưng cũng chưa thực hiện xong công tác đấu thầu lựa chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật. Trong khi đó, các dự án đường sắt đô thị khác như Bến Thành - Suối Tiên (TP.HCM); Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) có cùng thời gian phê duyệt với tuyến metro số 1 đều sắp được đưa vào sử dụng.

Điều đáng nói là, nguồn vốn bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã được cân đối đủ theo nhu cầu của Dự án giai đoạn I và giai đoạn II A. Việc thực hiện Dự án quá chậm, theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, đã ảnh hướng rất lớn đến hiệu quả đầu tư và làm tăng tổng mức đầu tư của Dự án từ 9.197 tỷ đồng lên khoảng 81.537 tỷ đồng.

“Chủ đầu tư cần rà soát, xác định rõ nguyên nhân chậm triển khai thực hiện và đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm giải quyết triệt để các vấn đề tồn tại, vướng mắc. Đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện Dự án cụ thể và báo cáo, chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về tiến độ hoàn thành công trình”, Công văn 2866/BKHĐT-KCHTĐT của Bộ KH&ĐT đề nghị.

Bộ KH&ĐT cũng đề nghị, Bộ GTVT nghiên cứu và đề xuất phương án đầu tư Dự án giai đoạn IIB nhằm hoàn thành toàn bộ tuyến metro số 1 theo đúng quy hoạch, chủ trương đầu tư và chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư công trình.

Cần phải nói thêm rằng, tại Tờ trình số 1471/TTr- BGTVT gửi Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 2/2019, liên quan đến kế hoạch thực hiện và xử lý thủ tục điều chỉnh Dự án metro số 1 Hà Nội, trong số các nội dung quan trọng mà Bộ GTVT cần xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đáng lưu ý là vướng mắc liên quan đến thẩm quyền điều chỉnh các dự án thành phần vốn được phân kỳ nhiều lần trong quá trình nghiên cứu tuyến metro số 1.

Cụ thể, Luật Đầu tư công năm 2014 không quy định cụ thể việc điều chỉnh dự án đang trong quá trình thực hiện mà phát sinh các tiêu chí thuộc dự án quan trọng quốc gia phải trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Đối với vấn đề này, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ GTVT làm rõ cơ sở pháp lý của việc điều chỉnh tổng mức đầu tư tuyến metro số 1 so với Quyết định số 1198/QĐ- BGTVT phê duyệt điều chỉnh Dự án giai đoạn I được thực hiện vào năm 2017 và chịu trách nhiệm toàn diện về việc điều chỉnh Dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Nghị định số 131/2015/NĐ - CP về hướng dẫn dự án quan trọng quốc gia và các quy định pháp luật liên quan.

Theo quan điểm mới nhất của Bộ GTVT tại Công văn số 7821, Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư và cho phép phân chia thành các dự án độc lập làm cơ sở để Bộ GTVT phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh dự án giai đoạn I và đang chuẩn bị các thủ tục để điều chỉnh dự án giai đoạn IIA. Tuy nhiên, đến nay còn có ý kiến băn khoăn của các bộ về khả năng cân đối nguồn lực đầu tư của toàn dự án, cũng như chưa đồng thuận về thẩm quyền điều chỉnh như đã nêu trên. Với nội dung vướng mắc này, Bộ GTVT nhận thấy cần xem xét báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội tương tự các dự án đường sắt đô thị khác đang triển khai ở Hà Nội và TP.HCM.

Gian nan Dự án metro số 1 Hà Nội

Tuyến metro số 1 Hà Nội được Bộ GTVT nghiên cứu rất sớm, từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, đã phải trải qua khá nhiều lần tách nhập và điều chỉnh. Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2002, tuyến metro số 1 có tổng mức đầu tư 9.197 tỷ đồng, được phân kỳ thành 3 giai đoạn.

Từ năm 2004 đến nay, Dự án lại có thêm 3 lần phân chia lại phạm vi và phân kỳ đầu tư. Tại thời điểm hiện tại, tuyến metro số 1 Hà Nội gồm các dự án thành phần: Giai đoạn I điều chỉnh; Giai đoạn IIA điều chỉnh và Giai đoạn IIB. Trong lần điều chỉnh gần nhất, Dự án giai đoạn I điều chỉnh sẽ chỉ tập trung đầu tư xây dựng Khu tổ hợp Ngọc Hồi để đảm bảo hoạt động đồng bộ khi thực hiện di dời cơ sở hạ tầng đường sắt tại ga Hà Nội và ga Giáp Bát ra Ngọc Hồi…

Bảo Như

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nga-re-moi-cua-du-an-metro-so-1-ha-noi-d105952.html