Nga: Sẵn sàng cải thiện quan hệ với Mỹ

Ngày 6-8, Thủ tướng Nga Ð.Mét-vê-đép tuyên bố, Nga sẵn sàng hợp tác với Mỹ nếu Oa-sinh-tơn thể hiện mong muốn khôi phục quan hệ với Mát-xcơ-va. Thủ tướng Ð.Mét-vê-đép nhấn mạnh, Nga không phải là bên khởi xướng các chiến dịch trừng phạt, áp đặt biện pháp hạn chế kinh tế hay trục xuất các nhà ngoại giao.

Ðề cập tới Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO), Thủ tướng Ð.Mét-vê-đép cho rằng, các nước thành viên NATO luôn coi Nga như một đối thủ tiềm tàng, điều này khiến Nga buộc phải có biện pháp nhằm bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia.

* Ngày 7-8, Cục Ðiều tra liên bang Mỹ (FBI) bắt giữ bốn công dân Nga tại Mỹ với cáo buộc rửa tiền và câu kết gian lận. Truyền thông Nga cho biết, vụ bắt giữ này liên quan một vụ án được Bộ Tư pháp Mỹ công bố hồi tháng 7, theo đó có ít nhất 25 người dính líu vụ lừa đảo lên tới 4,5 triệu USD. Ðại sứ quán Nga tại Mỹ thông báo, sẽ tiến hành các thủ tục bảo hộ công dân và hợp tác chặt chẽ với các nhà điều tra, cũng như liên lạc với Bộ Ngoại giao Mỹ để có thêm thông tin về vụ việc.

Lào: Kiểm tra các dự án thủy điện

Ngày 7-8, tại thủ đô Viêng Chăn, Bộ Ngoại giao Lào tổ chức họp báo về tình hình lũ lụt tại Lào và tiến độ khắc phục sự cố vỡ đập thủy điện Xê-piên Xê-nặm-nọi thuộc tỉnh
Át-ta-pư. Tham dự buổi họp báo có lãnh đạo Bộ Năng lượng và Mỏ; Bộ Y tế; Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội của Lào. Phát biểu ý kiến tại buổi họp báo, Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ của Lào Kham-ma-ni In-thi-rát cho biết, do sự cố vỡ đập thủy điện nêu trên, Chính phủ Lào quyết định tạm dừng việc triển khai toàn bộ các dự án thủy điện đã ký Biên bản ghi nhớ và Hợp đồng phát triển dự án trên toàn quốc, để tiến hành đánh giá và kiểm tra.

Trước đó, ngày 3-8, Văn phòng Thủ tướng Lào ra thông báo quy định khu vực dự án đập thủy điện Xê-piên Xê-nặm-nọi là khu vực cấm tạm thời và không cho phép bất cứ tổ chức, cá nhân nào hoạt động tại khu vực này, nếu không được sự cho phép của chính quyền địa phương.

Hy Lạp: Nhận khoản cứu trợ cuối cùng

Ngày 6-8, Hy Lạp đã được giải ngân khoản tiền cuối cùng, trị giá 15 tỷ ơ-rô trong chương trình cứu trợ kéo dài tám năm nhằm cứu nước này thoát khỏi bờ vực phá sản. Khoản tiền này do Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) giải ngân. Những chính sách cải cách và những biện pháp "thắt lưng buộc bụng" tiếp theo mà Hy Lạp nhất trí thực hiện để đổi lấy khoản giải ngân đợt cuối này gồm nhiều hành động quan trọng trong lĩnh vực thuế, trong đó có chống gian lận thuế, cải cách thu nhập công và giải quyết nợ xấu.

* Từ năm 2010, Hy Lạp rơi vào khủng hoảng tài chính công nghiêm trọng, đẩy nước này tới bờ vực phá sản, đồng thời làm dấy lên những quan ngại về sự bền vững của Liên hiệp châu Âu (EU). Giám đốc điều hành ESM K.Rếch-linh cho rằng, việc ESM kết thúc chương trình cứu trợ sẽ là một cột mốc lớn với Hy Lạp, mở ra thời kỳ mới để A-ten chứng minh với các đối tác cũng như thị trường về việc duy trì các cải cách đã thực hiện.

Ma-li: Hơn 240.000 cử tri không thể bỏ phiếu

Ngày 6-8, Chính phủ Ma-li đã công bố danh sách 871 điểm bỏ phiếu không thể hoạt động trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tuần trước ở nước này do bạo lực, đồng thời cho biết hơn 240.000 cử tri không thể đi bầu cử "vì nhiều lý do khác nhau". Danh sách điểm bỏ phiếu trên được công bố sau khi phe đối lập ở Ma-li và Liên hiệp châu Âu (EU) đề nghị Chính phủ Ma-li cung cấp thêm thông tin chi tiết về kết quả cuộc bầu cử gây tranh cãi này.

* Trước đó, ngày 5-8, ba ứng cử viên chính thuộc phe đối lập trong cuộc bầu cử Tổng thống ở Ma-li vừa qua tuyên bố sẽ kiện lên Tòa Hiến pháp, sau khi Tổng thống đương nhiệm B.Kê-ta, 73 tuổi, dẫn đầu vòng 1 cuộc bầu cử. Tạm thời ông Kê-ta giành được 41,42% số phiếu, vượt xa đối thủ đứng thứ hai là X.Xi-dê, được 17,8% phiếu bầu. Hai ứng cử viên này sẽ chạy đua ở vòng 2, diễn ra vào ngày 12-8 tới.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/37251902-nga-san-sang-cai-thien-quan-he-voi-my.html