Nga sẽ chi 6 tỷ USD xây trạm vũ trụ riêng

Dự án xây trạm vũ trụ mới có thể chấm dứt các hợp tác hiếm hoi giữa Nga và Mỹ trong khoa học vũ trụ.

Hãng thông tấn Interfax mới đây dẫn lời Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga Roscosmos, ông Dmitry Rogozin tiết lộ cụ thể hơn về khả năng xây dựng trạm vũ trụ mới, thay vì sử dụng Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) như hiện nay.

Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga Roscosmos, ông Dmitry Rogozin vừa hé lộ về trạm vũ trụ mới của Nga.

Theo đó, ông Rogozin cho rằng, trạm vũ trụ mới có thể được đưa vào quỹ đạo vào năm 2030, tức là không mất quá nhiều thời gian để Nga đồng ý về việc xây trạm vũ trụ mới, thiết kế, xây dựng, thử nghiệm và đưa vào vận hành.

"Nếu vào năm 2030, kế hoạch của chúng tôi vẫn diễn ra một cách thuận lợi, chúng tôi có thể đưa nó vào quỹ đạo, đó sẽ là một bước đột phá to lớn" - ông Rogozin nhấn mạnh.

Ông Rogozin cho biết trạm Vũ trụ tương lai của Nga, không giống như ISS, rất có thể Nga sẽ không được đưa nó vào hoạt động vĩnh viễn vì quỹ đạo sẽ khiến nó bị nhiễm bức xạ cao. Nhưng các nhà du hành Vũ trụ sẽ đến thăm nó thường xuyên hơn.

Trạm vũ trụ của Nga có thể sẽ được sử dụng trí tuệ nhân tạo và robot để hoạt động.

Interfax dẫn lời một nguồn tin giấu tên cho biết, Nga đã lên kế hoạch chi tới 6 tỷ USD để đưa dự án này vào hoạt động.

Phó Thủ tướng Yuri Borisov trước đó chia sẻ với kênh truyền hình Nga rằng Moscow sẽ thông báo cho các đối tác rằng nước này sẽ rời khỏi dự án ISS từ năm 2025. Nga sẽ xây dựng Trạm Vũ trụ của riêng mình với mục tiêu đưa lên quỹ đạo vào năm 2030 nếu Tổng thống Vladimir Putin cho phép. Ngoài ra, Phó thủ tướng cho biết thêm, Nga sẵn sàng xem xét cho phép các thủy thủ đoàn nước ngoài đến thăm, mang tính chất như một nhà ga...

Dự án sẽ đánh dấu một chương mới cho hoạt động khám phá không gian của Nga và kết thúc hơn hai thập kỷ hợp tác chặt chẽ với Mỹ trên Trạm ISS.

Đến nay, trong lĩnh vực khoa học vũ trụ, Nga vẫn đang thực hiện các hoạt động chung trên Trạm ISS nhưng với việc công bố các thông tin này, Moscow cho thấy họ sẽ sớm thực hiện kế hoạch riêng trong bối cảnh nhận thức được tham vọng quân sự hóa vũ trụ của các cường quốc khác.

Nga vừa qua đã thực hiện xong các hợp đồng bán động cơ tên lửa RD-180 cho Mỹ và cũng đã thực hiện một phần thương vụ thuê ghế ngồi lên tàu vũ trụ Soyuz để đưa phi hành gia Mỹ lên Trạm ISS.

Cho đến nay, công nghệ vũ trụ của Nga vẫn được phát triển dẫu nhiều chuyên gia Nga cho rằng, đây là bước phát triển chậm chạp so với Mỹ.

Nga là quốc gia đầu tiên có vệ tinh, phi hành gia đầu tiên bay vào không gian, quốc gia có người đầu tiên bay quanh quỹ đạo Trái Đất, có nữ phi hành gia đầu tiên vào vũ trụ, thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian đầu tiên và thậm chí là là quốc gia đầu tiên hạ cánh xuống nơi khác ngoài Trái Đất...

Năm 2020, thành công của hãng công nghệ vũ trụ tư nhân SpaceX đã vừa cho thấy tiềm năng công nghệ vũ trụ của người Mỹ lại vừa “xát muối” vào người Nga khi NASA có thể sẽ không cần đi lên Trạm ISS bằng tàu thuê của Nga nữa. SpaceX có thể sử dụng tên lửa tái sử dụng Falcon tiến hành đưa vào khai thác thương mại để vào vũ trụ.

Chưa đầy 1 năm sau, Nga tuyên bố sẽ tự làm một trạm vũ trụ riêng thay vì sử dụng Trạm ISS cũ vốn đã bị hỏng hóc và có chi phí bảo trì tốn kém.

Huy Vũ

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nga-se-chi-6-ty-usd-xay-tram-vu-tru-rieng-3431050/